Ăn bán trú hay không?

Lâm An 16/02/2022 13:00

Học sinh (HS) các cấp từ tiểu học đến THCS, THPT ở Hà Nội đã trở lại trường học. Câu hỏi đặt ra là đã nên tổ chức ăn bán trú hay chưa và cần đảm bảo những điều kiện gì để trường học có thể tổ chức ăn bán trú?

Giáo viên Trường Tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp.

Vật vã vì đưa đón con trái giờ

Bên cạnh niềm vui mừng vì con được đi học trực tiếp sau 10 tháng nghỉ học trực tuyến, chị Mai An (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết gia đình có một nỗi lo khác là làm thế nào để bố trí đưa đón con đi học.

“Sáng đưa đi thì không sao nhưng buổi trưa đón con về là cả một vấn đề khi hai vợ chồng tôi đều làm xa mà bé lớp 2 lại chưa thể tự đi về nhà. Xung quanh hàng xóm toàn gia đình có con học buổi chiều hoặc trường khác nên khó để nhờ đón giúp. Thuê người đón con thì không thật yên tâm vì trước nay, con học bán trú thì chiều tan làm, tôi về đón là vừa” - chị An băn khoăn.

Còn anh Trần Thiện (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết trước khi đi học, gia đình gửi con học lớp 1 ở quê với ông bà và học trực tuyến. Nay đón con lên đi học nhưng chỉ có nửa buổi, nên không biết bố trí trông con làm sao.

“Trưa tôi nhờ phụ huynh một bạn cùng lớp đưa con về nhà. Con tự quay lại đồ ăn đã chuẩn bị sẵn để ăn, tự ngủ trưa rồi chiều học bài nhưng nói thật không thể yên tâm vì con còn quá nhỏ. Giá như nhà trường tổ chức ăn bán trú luôn ở trường để những gia đình không có điều kiện như chúng tôi yên tâm công tác…” - anh Thiện chia sẻ và cho rằng, nếu nhà trường chưa tổ chức ăn bán trú được luôn, có lẽ sẽ tìm nơi gửi con buổi chiều để đảm bảo an toàn.

Nhìn nhận vấn đề này, Ths. BS Thiều Thị Tuyết Nhung - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết, việc nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội mở cửa trường học nhưng không tổ chức ăn bán trú cho HS đã gây ra nhiều bất cập. Trong đó, nếu nhà trường tổ chức ăn bán trú thì việc đảm bảo an toàn về nguồn thực phẩm, về điều kiện bếp ăn, nhân viên nấu ăn… là chắc chắn.

Nhà trường hoàn toàn có thể chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như trang bị tấm chắn, ngồi giãn cách, chia ca kíp ăn uống,... sẽ bảo đảm công tác phòng dịch. So với việc HS ra ngoài mua đồ ăn thì rõ ràng là giảm nguy cơ mắc Covid-19 hơn nhiều.

“Hà Nội nên sớm thay đổi quyết định, cho các trường tổ chức bán trú, cho phép HS học cả ngày” - BS Nhung nêu quan điểm.

Thực tế, hiệu trưởng một trường học ở huyện Thanh Trì cho biết đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh về việc ăn bán trú tại trường thì nhận được nhiều ý kiến đồng tình bởi sẽ tận dụng được “thời gian vàng” học trực tiếp 2 buổi 1 ngày, HS được quản lý về mặt sinh hoạt, học tập trong khi nếu về nhà buổi trưa, bố mẹ vội vàng chuẩn bị cơm nước xong lại trở về cơ quan làm việc tiếp, con tự ở nhà một mình hoặc gửi hàng xóm đều không yên tâm.

Nên tổ chức ăn bán trú

Tại buổi làm việc với ngành Giáo dục Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho HS học bán trú. Bởi theo ý kiến của chuyên gia y tế, nguy cơ lây nhiễm khi học một buổi hay cả ngày cơ bản không khác nhau.

Nhấn mạnh lại quan điểm đưa HS trở lại trường từng bước thận trọng, lấy an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu, theo Bộ trưởng cần có sự ứng phó phù hợp để đạt được cả mục tiêu giáo dục và tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm trong công việc để phát triển kinh tế, xã hội.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, qua kiểm tra một số trường THCS, THPT trên địa bàn quận Ba Đình và Tây Hồ, nhận thấy HS, thầy cô đều rất vui và phấn khởi khi được đến trường sau thời gian dài học trực tuyến.

Cả hệ thống chính trị của TP từ Thành ủy, HĐND, UBND đến các quận, huyện, thị xã, đặc biệt Ban Giám hiệu các nhà trường cùng phụ huynh HS đã chuẩn bị chu đáo mọi kịch bản, phương án, điều kiện để HS trở lại trường học tập an toàn. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục có kế hoạch toàn diện để tổ chức cho HS các địa bàn còn lại đi học. Đồng thời, ngành sẽ đề xuất lãnh đạo thành phố tạo điều kiện để HS học bán trú nếu đủ điều kiện an toàn.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các trường cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể, chỗ ăn, chỗ nghỉ cần được bố trí thông thoáng. Nếu trường nào có điều kiện, có thể giãn cách trong quá trình tổ chức HS ăn, lắp kính chắn, phân chia ca cho HS đi ăn,…

“Dù có tổ chức bán trú hay không, các trường vẫn cần phải đặt việc phòng bệnh lên trên hết” - ông Phu nói.

Về phía phụ huynh, ông Phu cho rằng cũng cần hiểu rõ, nếu đã lây nhiễm thì trong 1 buổi học/ngày đã có thể lây để từ đó giải tỏa tâm lý e ngại khi đăng ký bán trú cho con tại trường. Hơn nữa, hiện nay chúng ta cũng chuyển trạng thái sang thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả và có thể chấp nhận F0 chứ không phải tuyệt đối “zero Covid” như trước.

Nếu để trẻ ở nhà, trẻ vẫn hoàn toàn có thể bị mắc Covid-19 nếu không phòng bệnh tốt. Bởi hiện nay, việc lây nhiễm trong cộng đồng cũng rất nhiều, số lây trong gia đình cũng khá lớn. Do đó, cần cân đối rủi ro lây nhiễm khi ở trường, ở nhà và cả những bất tiện khi HS phải ở nhà nhiều, rồi phụ huynh bất tiện, khổ sở việc đi làm cả ngày nhưng buổi trưa phải về đón con.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ăn bán trú hay không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO