An cư lạc nghiệp

Minh Thủy 17/03/2023 07:00

Cả nước hiện có khoảng 4.420 nhà chung cư , trong đó có gần 2.500 chung cư cũ, gần 2.000 chung cư thương mại, tái định cư. Riêng Hà Nội có gần 2.500 chung cư, trong đó có 1.579 chung cư cũ và 919 chung cư thương mại. TPHCM có gần 1.450 chung cư, trong đó có gần 600 chung cư cũ và hơn 850 chung cư thương mại. Vì vậy trước thông tin Chính phủ đề xuất chấm dứt quyền sở hữu chung cư, nhiều người đã rất lo lắng.

Câu chuyện được cho là bắt nguồn từ việc Luật Nhà ở 2014 có quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, khi hết thời hạn sử dụng nếu không còn an toàn thì phải phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Nhưng thời gian qua, việc phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư tại nhiều địa phương rất chậm, gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi các hộ dân không chịu dời đi dù nhà đã xuống cấp, mất an toàn.

Đối với nhiều người Việt Nam, nhà là tài sản lớn nhất của họ và cũng là của cải giá trị để lại cho con cháu. Nhà xây trên đất hay nhà chung cư cũng vậy. Nên khi nghe thông tin có thể sẽ chấm dứt quyền sở hữu với nhà chung cư, với nhiều người không khác gì “sét đánh ngang tai”. Một số ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh chúng ta đang chủ trương xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, thúc đẩy xây chung cư bình dân mà lại đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư như vậy là không hợp lý. Mặt khác, với các đô thị thì xu hướng nhà chung cư là tất yếu vì dân số ngày càng đông. Nhưng nếu người mua căn hộ chung cư lại không có có quyền sở hữu thì sẽ ra sao?

Về mặt pháp lý, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thì quy định về sở hữu nhà chung cư gồm Điều 25 và Điều 26 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng cũng không phù hợp, vì không thể đồng nhất thời hạn sử dụng nhà chung cư, tức tuổi thọ nhà chung cư với quyền sở hữu nhà chung cư.

Ông Châu cho rằng đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Và trên thực tế thì đa số nhà chung cư được dựng mới trong hơn 15 năm qua chủ yếu là công trình có niên hạn sử dụng trên 100 năm.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc sở hữu/chấm dứt sở hữu đối với nhà chung cư là vấn đề rất lớn, tác động lập tức tới nhiều triệu người dân đang sống tại chung cư, hoặc đang có ý định mua chung cư; đồng thời khiến thị trường bất động sản/nhà ở thêm biến động trước mắt cũng như lâu dài. Vì thế, rất cần cân nhắc kĩ lưỡng, thấu đáo, thực tế. Vì thế, quyền sở hữu nhà chung cư nên được xác lập theo quy định tại Luật Nhà ở hiện hành. Chủ sở hữu nhà chung cư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Nếu sửa đổi cần rất thận trọng vì đó là tài sản rất lớn của người dân, không thể để người dân bất an.

Đáng chú ý, giới chuyên gia pháp lý cũng cho rằng, tại Điều 145 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cấp giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất: Trường hợp sau khi cấp giấy chứng nhận mà tài sản bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản không còn hiệu lực pháp lý bao gồm trường hợp tòa nhà chung cư đã bị phá dỡ; chứ không quy định quyền sở hữu tài sản chấm dứt. Quyền sở hữu nhà chung cư cần được xác lập theo quy định tại điều 14 Luật Nhà ở hiện hành và chấm dứt theo quy định của pháp luật về dân sự, chủ sở hữu nhà chung cư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nhiều năm qua, sở hữu một căn hộ chung cư là mơ ước của biết bao người, nhất là ở Hà Nội và TPHCM, nơi đất chật người đông. Nhiều người đã phải vay mượn từ nhiều nguồn để có tiền mua chung cư, rồi “thắt lưng buộc bụng” trả nợ. Đối với người lao động, công nhân thu nhập thấp, một căn hộ chung cư bình dân là mơ ước cả một đời người. “An cư lạc nghiệp”, từ xưa cổ nhân đã nhắn lại cho các thế hệ con cháu, với ý nghĩa phải có nhà ở để từ đó chăm chút làm ăn xây dựng sự nghiệp. Vậy, nếu như bỏ số tiền rất lớn ra mua nhà chung cư nhưng lại không có quyền sở hữu thì có “an cư” - yên tâm mà sống, được không? có “lạc nghiệp” được không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    An cư lạc nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO