Ấn Độ, Trung Quốc đạt thỏa thuận giảm thang căng thẳng ở biên giới

Khánh Duy 29/08/2017 09:30

Ấn Độ và Trung Quốc trong hôm 28/8 đã đạt được một thỏa thuận nhằm xuống thang căng thẳng đã kéo dài suốt nhiều tháng qua liên quan đến bất đồng về vấn đề lãnh thổ tại khu vực Himalaya, ngay trước khi một hội nghị thượng đỉnh kinh tế lớn diễn ra mà cả hai bên cùng tham gia.

Một binh sỹ Trung Quốc đứng gác gần biên giới với Ấn Độ. (Nguồn: CNN).

Hy vọng về giải pháp ngoại giao

Trong một tuyên bố đưa ra hôm đầu tuần, Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rằng “việc rút quân nhanh chóng của các binh sĩ tại khu vực diễn ra xung đột Doklam đã được thỏa thuận và đang được tiến hành". Hãng thông tấn Tân hoa xã của Trung Quốc cũng cho hay, Ấn Độ đã rút quân và trang thiết bị "từng băng qua biên giới về bên Ấn Độ".

"Phía quân đội Trung Quốc đã xác nhận điều này ngay tại khu vực đó" - Tân hoa xã cho hay - "Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ quyền chủ quyền và bảo đảm chủ quyền lãnh thổ theo đúng các thỏa thuận biên giới lịch sử".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc hội gặp nhân hội nghị thượng đỉnh BRICS - cùng với lãnh đạo đến từ các nước Brazil, Nga và Nam Phi - tại thành phố Hạ Môn, phía Nam Trung Quốc.

Bất đồng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, 2 nền kinh tế lớn nhất khối BRICS, diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng nhóm gồm 5 quốc gia này tới các nền kinh tế đang trỗi dậy có chung lợi ích cùng Trung Quốc, theo ông Sudheendra Kulkarni, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu và Quan sát (ORF) tại Mumbai, Ấn Độ.

Trung Quốc đã có lời mời lãnh đạo các nước Thái Lan, Indonesia, Kazakhstan, Ai Cập cùng một số nước khác tới Hạ Môn để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS.

Việc giảm thang nhanh chóng tại khu vực biên giới Ấn Độ, Trung Quốc ngay trước hội nghị thượng đỉnh cho thấy rằng Thủ tướng Modi đã chống lại sức ép từ phía Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ, Manoj Joshi, chuyên gia phân tích thuộc ORF, nhận định.

Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng là một cơ hội tốt để hai bên giải quyết các bất đồng, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và cùng đưa ra một giải pháp ngoại giao.

Dhruva Jaishankar, chuyên gia phân tích thuộc Viện Brookings India, cho hay tuyên bố giảm thang căng thẳng hôm đầu tuần là một tín hiệu đầy tích cực rằng "bất chấp các bất đồng, cả hai bên có thể giải quyết các mối quan ngại của họ một cách hòa bình và thông qua các kênh ngoại giao".

Tuy nhiên, ông Dan Wang, chuyên gia phân tích Trung Quốc thuộc Đơn vị Tình báo Kinh tế, cảnh báo rằng "rủi ro trở lại bất đồng của hai bên không phải là không có".

"Chúng ta có khả năng sẽ chứng kiến thêm các xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ", ông Wang nói, thêm rằng xung đột vũ trang trực tiếp khó có thể xảy ra, nhưng cả hai nước có thể trừng phạt lẫn nhau về mặt kinh tế bằng cách áp đặt các rào cản thương mại.

Bất đồng kéo dài

Tranh chấp tại khu vực Doklam đã bắt đầu trong tháng 7, xung quanh một dải đất dọc biên giới Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan, thuộc dãy Himalaya. Dù không phải một phần lãnh thổ của Ấn Độ, nhưng khu vực này thuộc "Cổ gà", một hành lang chiến lược được xem là tuyến được huyết mạch nối giữa Delhi và các bang vùng Đông Bắc Ấn Độ.

Bất đồng tăng nhiệt sau khi Bhutan cáo buộc Trung Quốc xây dựng một tuyến đường bên trong lãnh thổ của họ, "vi phạm trực tiếp" các cam kết. Trung Quốc, nước không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bhutan, đã bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng Doklam là một phần của lãnh thổ nước họ.

Ấn Độ và Bhutan duy trì mối quan hệ gần gũi lâu năm. Bhutan thường hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ trong việc quyết định chính sách ngoại giao của mình, và quân đội Ấn Độ cũng tham gia huấn luyện cho lực lượng vũ trang của nước này.

Bắc Kinh đã cáo buộc Ấn Độ triển khai binh sỹ tới Bhutan, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trong tuần sau đó, cả hai nước đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mỗi bên tại khu vực này. Phía Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới, và một cuộc khẩu chiến bùng nổ.

Sự việc ở Doklam là vụ tranh chấp mới nhất trong chuỗi căng thẳng về lãnh thổ kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Hôm 26/6 vừa qua, Trung Quốc cũng cáo buộc lính gác biên giới Ấn Độ ở bang Sikkim đã băng qua phần lãnh thổ của họ để cố tình cản trở tiến độ xây dựng một tuyến đường mới đi xuyên qua núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ấn Độ, Trung Quốc đạt thỏa thuận giảm thang căng thẳng ở biên giới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO