Ẩn họa đến từ những dây hụi

NGỌC QUANG 28/05/2023 09:00

Chơi hụi (họ) là một hình thức góp vốn, mang tính chất tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Nhưng khi hụi biến tướng sẽ thành một hình thức huy động vốn với lãi suất hấp dẫn khiến nhiều người hám lợi trắng tay.

Ngày 26/5, tại xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) nhiều người tập trung đòi tiền do chủ hụi thông báo vỡ hụi.

Hình thức cũ và tai họa cũng... cũ

Sáng 27/5, Công an huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) cho biết đang xác minh, điều tra làm rõ vụ người dân trình báo vụ chủ hụi thông báo vỡ hụi "siêu lớn" xảy ra tại xã Lộ 25 (Thống Nhất). Trước đó, ngày 26/5, Công an huyện Thống Nhất nhận được tin báo từ Công an xã Lộ 25 về việc có nhiều người dân tụ tập tại Văn phòng bất động sản H.T.P. đòi tiền do chủ hụi thông báo bể hụi.

Bước đầu, công an xác định chủ hụi là vợ chồng chị N.T.T.H. (34 tuổi, ngụ xã Lộ 25). Cả hai vợ chồng thời gian qua đã đứng ra tổ chức dây hụi lớn với hình thức hốt hụi theo ngày, theo tuần và theo tháng. Bước đầu được biết, nhiều người tham gia dây hụi này ngụ tại huyện Thống Nhất và vùng lân cận. Người tham gia đóng từ 10 triệu đến 4 tỷ đồng tùy theo hụi ngắn ngày, dài ngày. Tổng số tiền người chơi đưa cho chủ hụi thống kê đến thời điểm này lên đến khoảng gần 50 tỷ đồng.

Người dân cho biết, họ đã vô cùng hoảng hốt khi chồng của chủ hụi nhắn tin, gọi điện thoại thông báo bị vỡ hụi và ngừng tất cả các dây hụi và cho biết vợ chồng họ còn một số mảnh đất nên sẽ bán đất để trả lại tiền cho những người góp hụi. Tuy vậy, những người chơi hụi ở đường dây này không thể an lòng.

Chơi hụi và mất tiền vì hụi không phải là chuyện mới, nhưng vẫn được nhiều người tham gia do hy vọng nhận được lãi suất cao. Trước nay đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi gây rúng động. Kể cả các dây hụi do người thân của cán bộ xã hoặc do cán bộ xã trực tiếp làm chủ hụi. Khi hụi vỡ, phần lớn người chơi đều mất trắng.

Có thể kể đến trường hợp một dây hụi ở xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), với 69 người tham gia, 6 tỷ đồng bị mất khi hụi vỡ. Dây hụi này do vợ của một cán bộ xã Trường Long Tây làm chủ. Một dây hụi khác ở huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang), có 120 người tham gia cũng đổ bể, với 10 tỷ đồng. Người tổ chức dây hụi này cũng là vợ một cán bộ xã. Đáng chú ý, khi đổ bể, Ủy ban Kiểm tra huyện Chợ Mới vào cuộc mới biết vị cán bộ xã tuy không trực tiếp đứng ra vận động người dân tham gia góp tiền, nhưng có lúc ông này cùng vợ đi thu tiền hụi hoặc nhận tiền thay vợ.

Một vụ khác, tại xã Mỹ Thuận (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long). Một cán bộ xã còn trực tiếp đứng tên cùng vợ tổ chức nhiều dây hụi, với số người tham gia lên đến hàng trăm. Sau đó, vợ chồng chủ hụi đã ôm 9 tỷ đồng bỏ trốn khỏi địa phương.

Như vậy có thể thấy, trong nhiều trường hợp, người đứng ra làm chủ hụi đã lợi dụng uy tín, công việc, kể cả tài sản của mình để có được lòng tin của người đóng tiền. Tuy rằng không phải dây hụi nào cũng đổ bể, không phải chủ hụi nào cũng rắp tâm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, nhưng rủi ro của người chơi khi tham gia là rất lớn.

Như đã nói, hụi là một hình thức huy động vốn đã có từ lâu, ở nhiều địa phương và phần nhiều do phụ nữ thực hiện, tham gia. Người chơi hụi dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau nên chỉ giao kết bằng miệng hoặc ghi chép đơn giản. Vì vậy cũng khó có khả năng đòi lại được tiền khi vỡ hụi. Từ đó dẫn đến việc nhiều trường hợp người tham gia “tự xử” với nhau, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, thậm chí ẩu đả gây thương tích.

Làm gì để tránh rủi ro?

Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2006 ngày 27/11/2006 về họ (hụi, biêu, phường). Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019 ngày 19/2/2019 thay thế Nghị định số 144/2006 nhằm điều chỉnh hoạt động này. Nghị định số 19/2019 đã quy định khá đầy đủ về hụi như: thứ tự lĩnh hụi, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi… Khi xảy ra tranh chấp thì từng cá nhân tham gia chơi hụi sẽ được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở pháp lý xử lý khi tình trạng lợi dụng việc chơi hụi để lừa đảo, vỡ hụi xảy ra, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, điều tra, xử lý.

Trên thực tế, nhiều vụ tranh chấp về hụi hầu được giải quyết theo hướng dân sự. Trường hợp chủ hụi có hành vi gian dối, bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, có đơn tố cáo đến cơ quan công an thì sẽ xem xét xử lý hình sự.

Vậy khi chơi hụi, người dân cần làm gì để tránh rủi ro? Theo các chuyên gia luật, để đảm bảo quyền lợi, phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra, người tham gia chơi hụi cần thực hiện thỏa thuận bằng văn bản, có công chứng, chứng thực. Một trong những thủ đoạn mà chủ hụi hay dùng là khai khống số hụi viên tham gia dây hụi để có được niềm tin của người khác. Do đó, người chơi hụi cần phải kiểm tra, nắm chắc số người tham gia, nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, gian dối thì rút vốn, ngừng chơi, trước khi bị mất trắng.

Theo điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc tổ chức hụi có lãi thì mức lãi suất phải không quá 20%/năm. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn (20%) thì có thể nhận định khả năng bị lừa rất cao.

Hình thức chơi hụi đang bị biến tướng. Có những chủ hụi tự đứng lên “dựng” quy mô của một dây hụi với vài chục người tham gia. Nhiều chủ hụi lừa thiên hạ bằng đất đai, nhà lầu, xe hơi sang trọng, với tổng tài sản rất lớn nhưng thực tế có khi chỉ là nhà đi thuê, xe đi thuê, đi mượn... Khi đã huy động được một số tiền khá lớn thì họ tuyên bố phá sản hoặc bỏ trốn. Tuy nhiên, rất đáng chú ý vì rủi ro không chỉ đến khi chủ hụi lừa đảo, mà cũng có những vụ vỡ hụi do nguyên nhân chính là hụi viên đến lượt gom tiền xong cũng bỏ trốn, không chỉ khiến chủ hụi điêu đứng mà còn khiến các hụi viên khác vạ lây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ẩn họa đến từ những dây hụi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO