Áp lực chuyển đổi

Ngọc Quang 21/01/2022 11:00

Xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử không còn là xu hướng mà đã được hiện thực hóa. Nhất là hai năm qua, khi dịch Covid-19 bùng phát thì điều đó lại càng trở nên cấp thiết. Thực tế cho thấy, trong lúc xuất khẩu trực tiếp gặp nhiều khó khăn, thì những doanh nghiệp mạnh dạn chuyển sang kinh doanh trực tuyến đã gặt hái thành công.

Xuất khẩu trực tuyến ngày một phát triển.

Bà Hoàng Thị Hương- Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty TNHH nhựa Anh Tú chia sẻ, sau những hồ nghi về bán hàng qua mạng, doanh nghiệp đã chọn thương mại điện tử là một kênh quảng bá. “Đây có lẽ là lựa chọn duy nhất và tối ưu nhất với chúng tôi thời điểm đó”- bà Hương nói. Điều rất đáng nói là ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, không tìm được đơn hàng xuất khẩu, tồn kho lớn, doanh thu sụt giảm thì đơn hàng Công ty TNHH nhựa Anh Tú vẫn ổn định.

Cũng có thể nêu một ví dụ khác, đó là thành công của Tổng công ty May 10 (Garco 10) khi họ “đẩy” sản phẩm của mình lên trang thương mại điện tử Amazon.com. Nhà sản xuất của sản phẩm được giới thiệu ngắn gọn: “May 10 là thương hiệu thời trang quốc tế với việc thiết kế và tạo ra các sản phẩm hiện đại, có nhà máy đầu tiên vào năm 1946”. Tuy chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đã đủ để chinh phục khách hàng. Đến nay, bất chấp dịch bệnh, lần lượt những sản phẩm mang thương hiệu May 10 đã được xuất đi từ Việt Nam để giao trực tiếp đến khách hàng tại Mỹ, không qua bất kỳ nhà phân phối hay nhập khẩu nào như cách nhiều năm qua doanh nghiệp này vẫn làm.

Tất nhiên cũng không chỉ có hai công ty kể trên “thắng” khi kinh doanh trực tuyến, mà còn nhiều, rất nhiều doanh nghiệp vượt qua được khó khăn do dịch bệnh cũng là nhờ chuyển đổi hình thức kinh doanh. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch bệnh tàn phá nhưng cũng tạo áp lực để các doanh nghiệp tìm ra lối thoát. Mà một trong những lối thoát quan trọng chính là bán hàng trực tuyến, xuất khẩu trực tuyến.

Nói về cái lợi của kinh doanh xuất khẩu trực tuyến, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu VIXEMCO, cho biết khách hàng không bị giới hạn về mặt không gian, về khoảng cách địa lý, chênh lệch múi giờ với các thị trường nước ngoài, có thể nhận và đàm phán 24 giờ trên mỗi ngày và tất cả các ngày trong tuần. Đặc biệt, doanh nghiệp không cần phải có showroom với mặt bằng đắt tiền, tốn kém chi phí mà hiệu quả mang lại rất lớn.

Tuy nhiên, xuất khẩu trực tuyến cũng không hề đơn giản. Cùng với việc nắm chắc nền tảng thương mại điện tử, có tư duy tốt thì việc hiểu kĩ luật pháp của các quốc gia bạn hàng là không dễ dàng. Điều đó phải được đầu tư nhân lực theo chiều sâu, thông hiểu luật pháp quốc tế. Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến đã bị lừa với những thiệt hại không nhỏ. Hiểu rõ đối tác, hiểu rõ luật pháp, nắm chắc thị trường là những điều không một doanh nghiệp xuất khẩu nào được bỏ qua, nếu không muốn bị “trái đắng”.

Nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu trực tuyến đang là “mỏ vàng” chờ doanh nghiệp khai thác. Nhưng chính những doanh nghiệp bước đầu gặt hái thành công khi xuất khẩu trực tuyến cũng cho biết chính vấn đề ngôn ngữ, chưa hiểu sâu về cơ chế hoạt động của các sàn thương mại điện tử, hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực... là những rào cản lớn không dễ vượt qua. Chúng ta hay nói đến bảo hộ sản phẩm trong nước, hàng rào kĩ thuật... thì đây cũng chính là thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến khi phải đối diện với những rủi ro “ở phương trời xa”.

Nhưng dẫu thế thì xuất khẩu trực tuyến, nói rộng ra là thương mại điện tử vẫn đang là xu hướng không nằm ngoài mục tiêu trong chiến lược quốc gia về chuyển đổi số. Những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu sẽ nhanh chóng vượt qua nếu doanh nghiệp có quyết tâm cao và tự trang bị những yếu tố cần thiết để làm chủ phương thức kinh doanh mới mẻ, từ đó, mở rộng thị phần tới những chân trời mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực chuyển đổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO