Tại diễn đàn “Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 13/1, nhiều ý kiến cho rằng để Việt Nam trở thành Top 10 nước chế biến, xuất khẩu nông sản hàng đầu, trước hết cần thay đổi tư duy của người nông dân về số hóa, sản xuất an toàn.
Chưa có sự tham gia của doanh nghiệp lớn
Sáng 13/1, Cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Hà Khẩu (Lào Cai) đã chính thức thông quan sản phẩm thanh long của Việt Nam. Đây là thông tin rất vui đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trái cây Việt Nam.
Tuy nhiên về lâu dài cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết triệt để tình trạng tồn ứ hàng nông sản trong đó đẩy mạnh khâu chế biến, thiết lập chuỗi liên kết, xuất khẩu chính ngạch được xem là chìa khóa then chốt.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT cho biết, tổng sản lượng rau một năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. Về cây ăn quả, thanh long là cây cho sản lượng cao nhất (1,4 triệu tấn/năm). Sau đó là chuối (hơn 1 triệu tấn), xoài (hơn 800.000 tấn), sầu riêng (hơn 600.000 tấn).
“Để tránh rơi vào tình trạng chữa cháy như thời gian qua, sau khi trái cây đã thu hoạch, các cơ quan quản lý nhà nước phải phối hợp chặt chẽ địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân lên kế hoạch trước ít nhất 3 tháng” - đại diện Cục Trồng trọt nêu ý kiến.
Nói về năng lực chế biến, xuất khẩu trái cây ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistic Việt Nam chia sẻ: Việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch cần phải có thời gian vì liên quan tới rất nhiều vấn đề như thủ tục thông quan, Logistic…
Hiện nay, trong xuất khẩu, chúng ta đang thiếu một số vấn đề so với các nước trên thế giới như chuyển dần sang đường biển; xây dựng trung tâm bảo quản, sơ chế tại nguồn; cải tiến công nghệ quản trị sau thu hoạch (làm lạnh, làm sạch, phân loại, đóng gói).
Dưới góc độ là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit (Công ty Vinamit) Nguyễn Lâm Viên cho biết, để các DN Việt Nam có thể chuyển sang chính ngạch là việc khó khăn.
Nhiều năm qua các DN Việt Nam dẫu biết đi đường biên mậu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn nhưng vẫn phải đi, vì nếu theo đường chính ngạch sẽ bị áp thuế VAT 7%, trong khi đi đường biên mậu không cần.
“Nhìn chung, “cuộc chơi” của thị trường xuất khẩu trái cây hiện nay, thương nhân Trung Quốc vẫn nắm ưu thế. Họ đi tìm từng cá nhân có nhu cầu xuất khẩu hơn là các doanh nghiệp lớn. Hầu như không có sự xuất hiện của DN thực thụ để tham gia xuất khẩu” - ông Viên nói.
Dù trong bối cảnh dịch bệnh và hoạt động giao thương gặp nhiều khó khăn, hoạt động tiêu thụ và xuất khẩu nông sản năm 2021 của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực, với kim ngạch kỷ lục 48,6 tỷ USD. Nhưng tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu đường bộ khu vực biên giới nhiều năm qua đã khiến các DN, người nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương diễn ra chiều 12/1, lý giải nguyên nhân khách quan nhưng trực tiếp khiến ùn ứ nông sản xuất khẩu thường hay diễn ra, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở phía Bắc đã khiến phía Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch đối với người cũng như hàng hóa nhập khẩu.
Chính vì thế, dù phía Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đàm phán để không gián đoạn giao thương nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh khâu chế biến
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng thừa nhận một thực tế, lâu nay hầu hết các đơn vị chỉ tập trung vào xuất khẩu các sản phẩm hoa quả ăn tươi, mà không tập trung nhiều vào việc đưa các sản phẩm này vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.
Cũng theo ông Nam, Bộ đã ban hành nhiều chính sách nhằm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.
Theo đó, trong năm 2021, Bộ NN&PTNT đã triển khai thí điểm xây dựng ở 11 tỉnh các vùng nguyên liệu trái cây, cà phê, gỗ, thủy sản… để làm căn cứ nhân rộng ra cả nước trong thời gian tới theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Song thực tế việc xây dựng mối liên kết giữa DN, hợp tác xã, người sản xuất lâu dài, bền chặt, để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm vẫn chưa được như mong muốn.
Đồng ý cần phải mở rộng mối liên kết, thúc đẩy khâu chế biến mở rộng thị trường xuất khẩu song theo ông Nguyễn Công Luận - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), hiện nay chúng ta vẫn đang tập trung giải quyết phần “ngọn” của vấn đề trong sản xuất, xuất khẩu nông sản trong khi phần “gốc” là cần giải quyết được vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Để làm được điều đó, chúng ta cần đào tạo, tuyên tuyền, thay đổi nhận thức cho người nông dân. Khi người nông dân sản xuất được những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của các thị trường thì các DN mới có thể tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi” - đại diện Antesco đưa ra ý kiến.
Ngoài ra ông Luận chỉ ra một thực tế, hiện nay Việt Nam chưa đi theo xu hướng của thế giới là GlobalGAP mà lại tập trung theo tiêu chí của VietGAP, trong khi các bạn hàng không quá quan tâm đến tiêu chí này.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên- Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, việc phát triển năng lực sơ chế, chế biến nông sản là hoàn toàn có thể, không gặp nhiều trở ngại. Để tiến tới xuất khẩu chính ngạch, ngoài việc xây dựng trung tâm bảo quản sơ chế nông sản, cần thiết phải có một trung tâm tiếp nhận để cung cấp thông tin thị trường cho người trồng ngày càng tốt hơn. Chỉ khi kiểm soát vùng trồng phải đi liền kiểm soát thị trường thì xuất khẩu trái cây mới thành công.