APEC hợp tác sâu rộng, toàn diện phát triển nền nông nghiệp bền vững

Quốc Trung 25/08/2017 15:32

Tại Đối thoại chính sách cấp cao về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ, sáng 25/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững không phải là những ưu tiên hay kỳ vọng, mà đó là nhiệm vụ và lộ trình, là trách nhiệm mà các nền kinh tế APEC phải gánh vác.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi đối thoại.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Biến đổi khí hậu tác động tới các vùng nông thôn nghèo, cũng như tới các hoạt động kinh tế nòng cốt trong nông nghiệp, thủy sản và một số lĩnh vực khác, vốn là động lực quan trọng giúp đảm bảo an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại các nền kinh tế đang phát triển.

Tình hình rất nghiêm trọng và sẽ nghiêm trọng hơn nếu chúng ta không có các giải pháp ứng phó quyết liệt và hiệu quả hơn với sức mạnh hợp tác tích cực và toàn diện của cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 7,2 tỷ người hiện nay lên 9,6 tỷ người vào năm 2050 và sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% để đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó.

Quang cảnh của buổi đối thoại.

Gánh nặng khổng lồ của việc đảm bảo an ninh lương thực cho dân số toàn cầu đang tăng nhanh như vậy càng trở nên nặng nề hơn do tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất lương thực và nông nghiệp. Thực tế những năm gần đây cho thấy, biến đổi khí hậu làm thay đổi chế độ mưa, tăng tần suất hạn hán và nhiệt độ trung bình, đe dọa nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

APEC là khu vực có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, đồng thời bao phủ phạm vi địa lý rộng lớn với dân số chiếm tỉ lệ cao và có xu hướng gia tăng.

Do vậy “Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu” được Việt Nam lựa chọn và đề xuất nằm trong 4 ưu tiên hợp tác trọng tâm của năm APEC 2017.

Ông Trần Hồng Hà cho rằng: Tuần lễ An ninh lương thực APEC là cơ hội để các lãnh đạo cấp cao, phụ trách sản xuất lương thực và nông nghiệp của các nền kinh tế APEC tăng cường các cam kết, hợp tác sâu rộng và toàn diện, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý thất thoát thực phẩm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tham dự Triển lãm APEC.

Cũng theo ông Trần Hồng Hà: Các nền kinh tế APEC sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ, xem xét và thông qua một số tài liệu quan trọng như Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về phát triển nông thôn – thành thị bền vững nhằm tăng cường an ninh lương thực và đảm bảo chất lượng tăng trưởng; và Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây sẽ là những tài liệu quan trọng, định hướng các hoạt động hợp tác khu vực và thể hiện nỗ lực của các nền kinh tế thành viên chung tay xây dựng một khu vực APEC phát triển thịnh vượng, người dân được đảm bảo sinh kế, an ninh lương thực và dinh dưỡng, tự cường và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Đối thoại, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, APEC tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp bền vững và thích ứng với với biến đổi khi hậu; nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến hàng nông lâm, thủy, sản. Tăng cường hợp tác để củng cố an ninh lương thực thông qua các nghiên cứu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và giảm thất thoát, lãng phí lương thực, thực phẩm. Thúc đẩy hợp tác phát triển thủy sản bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng. Huy động các nguồn lực đầu tư cho ngành nông nghiệp, phát huy vai trò của cộng đồng và doanh nghiệp thông qua mối quan hệ đối tác công - tư để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu không phải là những ưu tiên hay kỳ vọng, mà đó là nhiệm vụ và lộ trình mà APEC cần thực hiện đồng thời là trách nhiệm của mỗi nền kinh tế thành viên cần gánh vác. Chính phủ Việt Nam rất coi trọng hợp tác trong khuôn khổ APEC và cam kết sẵn sàng phối hợp với các nền kinh tế thành viên và các đối tác phát triển vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    APEC hợp tác sâu rộng, toàn diện phát triển nền nông nghiệp bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO