Bắc Kạn: Xét xử chứng cứ non, vi phạm tố tụng?

Lê Anh Đức 31/05/2022 08:00

Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Kạn đưa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “trốn thuế”, xảy ra tại Công ty CP Khang Thịnh, tuyên phạt Giám đốc và Kế toán lần lượt với các mức tiền 300 triệu đồng và 270 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó Viện Kiếm sát nhân dân (KSND) cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm này do vi phạm tố tụng.

Quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Theo cáo buộc của TAND tỉnh Bắc Kạn (tại bản án hình sự sơ thẩm số 10/2022/HS-ST, ngày 27/4/2022), bà Hà Thị Yến (Giám đốc Công ty CP Khang Thịnh) và bà Phạm Thị Thoa (Kế toán Công ty CP Khang Thịnh) đã cấu kết với nhau để lập hồ sơ khống 59 lao động, nhằm mục đích trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền gần 270 triệu đồng. Song, các cơ quan tố tụng của tỉnh Bắc Kạn lại chưa thể thuyết phục dư luận bởi chứng cứ buộc tội những người liên quan còn thiếu chắc chắn.

Cụ thể, các cơ quan tố tụng của tỉnh Bắc Kạn khẳng định bà Hà Thị Yến và Phạm Thị Thoa lập hồ sơ khống 59 lao động bằng cách thu thập các bản photocopy chứng minh thư nhân dân của các cá nhân trên địa bàn. Song, vấn đề ở chỗ tất cả các trường hợp trên đều có hợp đồng lao động, bảng chấm công và bảng lương, thậm chí có đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn. Việc Công ty CP Khang Thịnh thi công các công trình là có thật, nếu chỉ có “nhân công ảo” với số lượng lớn như vậy thì liệu tiến độ và khối lượng công việc có thể hoàn thành như cam kết với chủ đầu tư?

Theo luật sư Lê Minh Thắng - Giám đốc Công ty Luật TNHH K và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ngay cả khi Công ty CP Khang Thịnh “lập khống” hồ sơ nhân công thêm tới 59 trường hợp như cáo buộc thì cũng không vượt quá dự toán khi ký kết hợp đồng với chủ đầu tư. Như vậy không thể nói bà Hà Thị Yến và bà Phạm Thị Thoa cấu kết với nhau cố tình khai tăng chi phí nhân công để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn nữa, nếu quy kết bà Hà Thị Yến và bà Phạm Thị Thoa lập khống hồ sơ lao động của 59 cá nhân thì cũng có trách nhiệm không nhỏ của Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế chỉ có thể cho phép doanh nghiệp đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân của người lao động khi có giấy ủy quyền của cá nhân cùng với bản sao căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu. Vậy thì vì sao Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn lại có thể dễ dàng cho Công ty CP Khang Thịnh đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân đối với 59 trường hợp lao động trên nếu họ khẳng định không hề làm việc tại doanh nghiệp này? Nếu đúng là bà Yến và bà Thoa lập hồ sơ lao động khống đối với 59 cá nhân như cáo buộc, lẽ nào cơ quan thuế của tỉnh Bắc Kạn đã thông đồng?

Đó là mới bàn về sự chặt chẽ trong quá trình buộc tội của các cơ quan tố tụng đã thấy rất nhiều sơ hở, mâu thuẫn chưa được làm rõ, dẫn đến việc vụ án đã mất đi tính khách quan, toàn diện, chưa tuân thủ nghiêm quy định của Hiến pháp và pháp luật về việc suy đoán vô tội. Điều đáng nói, chưa cần phải tới những người bị buộc tội làm đơn kháng cáo, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đã lập tức ra quyết định kháng nghị bản án hình sự do có nhiều vi phạm tố tụng: Xác định sai vai trò tố tụng của nhiều cá nhân, tổ chức. Cụ thể, không thể xác định UBND tỉnh Bắc Kạn là bị hại, mà phải là Cục Thuế tỉnh này. Đối với 59 cá nhân nêu trên không phải là người làm chứng, mà phải xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan...

Theo luật sư Lê Minh Thắng, một vụ án mà vi phạm nghiêm trọng tố tụng, ngay cả việc xác định vai trò tố tụng của các cá nhân, tổ chức liên quan còn chưa đúng thì nội dung cũng không thể đúng và không được công nhận. Ví dụ, nếu xác định đúng vai trò bị hại của Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn, thì đơn vị này không thể là nơi để cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn trưng cầu giám định. Trong vụ án này, việc Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn đưa ra kết luận giám định thuế theo trưng cầu của cơ quan điều tra là không khách quan (do là bị hại) cần phải bị hủy bỏ để trưng cầu giám định của cơ quan độc lập khác. Điều đó có nghĩa TAND cấp cao tại Hà Nội cần hủy bỏ bản án hình sự sơ thẩm để điều tra, truy tố và xét xử lại từ đầu, chứ không phải là xử phúc thẩm như kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắc Kạn: Xét xử chứng cứ non, vi phạm tố tụng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO