Bác sĩ đa năng mùa dịch

Đức Trân 04/08/2021 06:30

Dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi khiến áp lực đè nặng lên sự chịu tải của hệ thống y tế. Tình trạng thiếu nhân lực tham gia phòng chống dịch xảy ra ở nhiều địa phương, khiến các y bác sĩ đang bị vắt kiệt sức lực bởi họ đang phải thực hiện quá nhiều vai trò.

Các nhân viên y tế đang phải làm việc hết công suất.

Theo cách tính thông thường của các chuyên gia quản trị bệnh viện, với mỗi 1.000 giường bệnh, cần tương đương khoảng 2.000 nhân sự y tế. Quy chiếu với số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam từ khi bắt đầu làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, thì số nhân lực y tế cần thiết sẽ là một con số khổng lồ, khoảng 300.000 người. Đó là chưa kể các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch thì trung bình 1 bệnh nhân sẽ cần từ 3 nhân viên y tế trở lên để tham gia chăm sóc, điều trị.

Ông Phan Huy Anh Vũ- Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Điều lo lắng nhất hiện nay là thiếu nhân lực y tế. Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 8.000 nhân viên y tế, trong khi đó, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn chưa có dấu hiệu giảm, dịch bệnh có nguy cơ lan rộng ra toàn tỉnh.

Bộ Y tế đã giao Đồng Nai phải thành lập thêm các bệnh viện dã chiến để nâng quy mô thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 lên 10.000 giường bệnh, đáp ứng yêu cầu khi số ca bệnh tiếp tục tăng. Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh còn phải huy động số lượng lớn nhân viên y tế tham gia công tác tiêm vaccine, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm... Điều này dẫn đến thiếu hụt trầm trọng nhân viên y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Được biết, ngày 3/8, Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản gửi Giám đốc các bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để huy động lực lượng tham gia phòng chống dịch.

Tại TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm. Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn- Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết: Để đáp ứng nhanh chóng trước sự gia tăng của số lượng bệnh nhân Covid-19 thì công tác chuẩn bị, chăm sóc, điều trị là điều không hề đơn giản, các nhân viên y tế đã cố gắng hết sức, hết sức lớn. Hơn một tháng nay nhân viên bệnh viện chúng tôi hầu như không về nhà, nhân viên y tế cũng đang phải đối mặt với những áp lực vô cùng lớn.

Hiện nay, nhân lực ngành Y tế TP Hồ Chí Minh có gần 44.000 người, bao gồm cả khối y tế công lập và y tế tư nhân. Lực lượng tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố hơn 16.600 người.

Thông tin từ Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch TP Hồ Chí Minh đánh giá, số lượng bệnh nhân nặng đang gia tăng, TP Hồ Chí Minh đang rất cần lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ tầng 2 đến tầng 5 theo mô hình tháp 5 tầng. Đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về hồi sức, hồi sức tích cực, hồi sức nâng cao phục vụ công tác tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và các bệnh viện có giường điều trị bệnh hồi sức nặng.

Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hơn 2 tháng qua, lực lượng nhân viên y tế thành phố tham gia chống dịch đang trong tình trạng quá tải về sức khoẻ.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tăng cường kịp thời nhân lực chống dịch, đặc biệt các bác sĩ, điều dưỡng viên điều trị, hồi sức cấp cứu cho các địa phương có số ca nhiễm rất cao như: TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang…

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, quan điểm của Bộ Y tế là làm sao để đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt, do đó, để điều trị hiệu quả, yếu tố nhân lực hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch.

“Cả y tế công lập và tư nhân phải cùng đồng hành chống dịch. Ngay bây giờ, kể cả các địa phương chưa có dịch cần phải ra soát ngay nhân lực biết sử dụng máy thở, tập huấn lại trên toàn tuyến”, ông Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế đã kêu gọi hàng nghìn cán bộ, y bác sĩ cùng “chia lửa” với các chiến tuyến nóng bỏng trên nhiều mặt trận xét nghiệm, truy vết, điều trị, tiêm chủng…Cùng với đó, vẫn phải đảm nhiệm các nhiệm vụ song hành trong công tác phòng chống dịch cũng như công tác chăm sóc sức khoẻ thường nhật của người dân.

Ở thời điểm hiện tại, các y bác sĩ phải đảm đương nhiều công việc có tên hoặc không tên trong hành trình chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người dân. Như TS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Các nhân viên y tế không chỉ làm việc gấp đôi, gấp ba mà còn nhiều hơn thế nữa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bác sĩ đa năng mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO