Bài học môi trường

Nam Việt 04/04/2017 08:05

Sáng qua, 3/4, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các nhà khoa học phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu đợt làm việc với Công ty Formosa về công tác khắc phục sự cố môi trường biển.

Đây là đợt kiểm tra quan trọng bởi sau khi rà soát các hạng mục cải thiện về môi trường, Bộ TNMT sẽ xem xét việc cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1 hay không. Cùng với Formosa thì việc gây ô nhiễm của Nhà máy giấy Lee & Man gần đây thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về ô nhiễm môi trường.

Lợi ích kinh tế trước mắt mãi mãi không thể bù đắp được sự tổn hại môi trường.

Formosa là công ty đã gây ra sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung nước ta cách đây 1 năm. Việc xả thải của công ty này đã đầu độc một dọc biển dài suốt từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế, với hậu quả khốc liệt.

Một vùng biển nên thơ bỗng chốc trở thành sự ám ảnh trong tâm trí mọi người. Nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh tại đây ngưng trệ. Ngư dân, người kinh doanh, người làm du lịch đều bị ảnh hưởng.

Việc lãnh đạo tập đoàn Formosa cúi đầu nhận lỗi với nhân dân Việt Nam, chịu đền bù thiệt hại 500 triệu USD cũng không làm cho vùng biển này ngày một ngày hai trong lành trở lại. Nhưng, với thiện chí hợp tác, chúng ta vẫn để Formosa triển khai công việc, với cam kết bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về môi trường.

Còn nhớ, ngày 4/5/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ TNMT chủ trì đã tiến hành làm việc với Formosa Hà Tĩnh. Cuộc làm việc nhằm đánh giá tác động của việc xả thải đến tình trạng cá chết hàng loạt.

Cũng trong ngày đó, Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia, do GS.VS Châu Văn Minh- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm Chủ tịch, phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.

Tới ngày 6/5/2016, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà tuyên bố sẽ thành lập Hội đồng liên ngành để đánh giá báo cáo kết quả của các tổ kiểm tra vào cuối đợt kiểm tra tại Vũng Áng, Hà Tĩnh và sẽ công khai kết quả kiểm tra Formosa.

Từ đó đến nay, dù biển Bắc miền Trung đã có dấu hiệu sạch trở lại, nhưng không vì thế mà những hoạt động của Formosa không cần phải kiểm soát. Ngược lại, điều đó là hết sức cần thiết khi mà Formosa chuẩn bị đưa vào vận hành thử nghiệm lò cao số 1.

Vụ biển Bắc miền Trung chưa qua, thì gần đây lại xảy ra chuyện ở Tây Nam Bộ, cụ thể là do Nhà máy giấy Lee & Man gây ra tại Hậu Giang. Khi nhà máy này được cho phép chạy thử đã lập tức khiến người dân thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) khốn khổ do môi trường bị ô nhiễm.

Tiếng kêu của người dân đã được Bộ TNMT nhanh chóng phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan vào cuộc, kiểm tra. Về nạn ô nhiễm do nhà máy này gây ra, người dân trong vùng có lý khi cho rằng, mới chạy thử mà đã như vậy, khi hoàn thành chạy chính thức thì chắc người dân chịu hết nổi. Đáng chú ý, tại nhà máy này có Tổ giám sát nhưng vẫn để xảy ra ô nhiễm cả về tiếng ồn, mùi hôi, khí thải, nước thải.

Tuy nhiên, trước sự lên tiếng mạnh mẽ của người dân, sự vào cuộc của cơ quan chức năng nên bước đầu tình hình ở khu vực nhà máy này đã được cải thiện.

Theo ông Lương Duy Hanh- Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường) thì cơ quan này đã đặt ra các thông số “cứng” để doanh nghiệp thực hiện bảo vệ môi trường; đồng thời yêu cầu nhà máy phải tuân thủ thêm một số điều kiện khác, trong đó có việc xây dựng hệ thống giám sát tự động gửi kết quả về cho cơ quan quản lý; hàng ngày phải có mẫu xét nghiệm nước sông Hậu.

Thông tin mới nhất từ Sở TNMT tỉnh Hậu Giang, ngày 2/4, Lee & Man đã có văn bản gửi nhóm kỹ thuật thường trực giám sát quá trình vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải dự án nhà máy, công văn do Tổng Giám đốc Công ty TNHH giấy Lee & Man VN Chung Waifu ký, thừa nhận một số hạn chế dẫn đến ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.

Qua hai vụ Formosa và Lee & Man, được dẫn ra như những ví dụ điển hình về gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường, những bài học về bảo vệ môi trường cần phải được rút ra là hết sức quan trọng.

Bài học đó trước hết dành cho cơ quan chức năng có nhiệm vụ cấp phép hoạt động của những nhà máy. Với nhân lực, máy móc, trang thiết bị công nghệ và trách nhiệm quản lý nhà nước, trước hết cơ quan này phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Không thể vì bất cứ lý do nào để nhà máy đi vào hoạt động (hoặc ở giai đoạn chạy thử nghiệm) gây ra ô nhiễm môi trường.

Ở đây, việc kiểm tra, giám sát phải rất chặt chẽ. Khi sự cố xảy ra thì phải chỉ rõ ai, bộ phận nào phải chịu trách nhiệm, không thể chỉ chịu trách nhiệm rất chung chung không địa chỉ, sẽ khiến cho sai lầm (hoặc sai phạm) hoàn toàn có thể lặp lại ở một nơi khác.

Nếu cán bộ trực tiếp xử lý báo cáo tác động môi trường năng lực yếu thì phải thay. Còn nếu có sự bắt tay với doanh nghiệp để trục lợi cá nhân thì phải vạch rõ và xử lý nghiêm minh.

Kế đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Dù rằng khi có dự án đưa về địa phương sẽcó tác động thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng không thể vì thế mà đem môi trường ra đánh đổi. Lợi ích kinh tế trước mắt mãi mãi không thể bù đắp được sự tổn hại môi trường, trước sự khốn khổ của người dân. Hy sinh môi trường để có được kinh tế, đó sẽ là một sai lầm không sửa chữa được.

Trở lại vấn đề Đoàn kiểm tra bắt đầu làm việc với Formosa từ ngày 3/4, trước khi cho phép Formosa vận hành thử nghiệm lò cao số 1 hay không; dư luận đang rất trông chờ, đặt niềm tin vào những cán bộ được giao trọng trách. Cẩn trọng, tỉ mỉ trên cơ sở khoa học; chí công vô tư khi làm việc- đó là yêu cầu và đòi hỏi của người dân.

Hy vọng rằng với những bài học môi trường bị hủy hoại từ Vedan, Formosa, Lee & Man,... tinh thần và ý thức trách nhiệm trong mỗi một con người sẽ được nâng cao, để đạt đến mục đích cuối cùng là đất nước phát triển trong một môi trường trong lành, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài học môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO