Bài toán đầu ra cho vận động viên

Quang Minh 26/12/2016 10:45

Việt Nam có nhiều nhà vô địch khu vực, châu lục hay thậm chí là thế giới, nhưng lại… chưa tốt nghiệp đại học. Trong khi đó, những ai may mắn cầm tấm bằng cử nhân trong tay, cũng đang thực sự băn khoăn không biết có nên theo nghiệp thể thao, hay tìm một ngã rẽ khác…

Đỗ Ngân Thương trong vai trò một HLV trẻ.

...Những nhà vô địch gặp khó khi giã từ nghiệp thi đấu

Nói về chuyện học hành không tới nơi tới chốn, có lẽ không đội tuyển nào nhiều bằng đội tuyển cử tạ TP.HCM. Câu chuyện các VĐV thiếu chữ được biết đến sau SEA Games 25 năm 2009, khi nhà vô địch Dương Thanh Trúc tiết lộ anh chưa học xong… lớp 4. Hành trang để Trúc bước vào đời, chỉ là những bài tập tạ khô khan, những kinh nghiệm trong thi đấu.

Đàn em của Thanh Trúc là Thạch Kim Tuấn cũng chẳng khá hơn, khi đến giờ nhà đương kim vô địch SEA Games 27 vẫn chưa thể tốt nghiệp THPT. Từng giành nhiều chiến công cho đất nước, thậm chí giành HCV ở giải châu Á, thế giới và Olympic trẻ, nhưng những người có trách nhiệm đã không định hướng chuyện tập luyện song hành với học văn hóa cho tài năng của cử tạ Việt Nam.

HLV Huỳnh Hữu Chí thừa nhận, cả đội gần 20 VĐV, nhưng hầu như chưa ai học qua lớp 12. Các em đều bỏ học từ sớm để tập luyện, nên giờ đi học lại gặp rất nhiều khó khăn.

Hầu hết các VĐV đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, nên thường bỏ học từ nhỏ. Bước vào môi trường tập luyện thể thao, chuyện học chẳng khác nào đánh đố, bởi ngay cả những VĐV có quyết tâm, cũng “vật vã” mới có tấm bằng trong tay.

Phan Thị Hà Thanh (TDDC) giành nhiều thành tích quốc tế, nhưng mới năm nay mới có tấm bằng Đại học TDTT Bắc Ninh. Hà Thanh không thể không chạnh lòng khi bạn bè cùng trang lứa, đã ra trường từ lâu, có người lập gia đình, sinh con.

Một VĐV đỉnh cao tâm sự: “Thôi thì thi đấu là rất quan trọng, nhưng việc học cũng không thể bỏ bê. Sau này giải nghệ, còn có tấm bằng, có công việc ổn định để còn lo chuyện gia đình, chồng con chứ!”.

Chuyện thi cử trở thành nỗi ám ảnh với những VĐV theo học Đại học. Đặc thù nghiệp VĐV tập luyện, thi đấu quanh năm nên họ không thể tập trung cho việc học. Hầu hết các VĐV bị nợ môn, cá biệt trường hợp của tay vợt bóng bàn Đoàn Kiến Quốc từng nợ gần 40 môn, phải nộp lệ phí tới… 300 triệu đồng để thi lại và học lại. Ở tuổi 35, Kiến Quốc đã phải xin chia tay ĐTQG để học cho xong Đại học.

Không chỉ có các VĐV, mà HLV Việt Nam có chuyên môn tốt, nhưng sự nắm bắt luật thi đấu mới của thế giới, những thay đổi về giáo án tập luyện…còn rất hạn chế. Đặc biệt, phần lớn các HLV không thông thạo tiếng Anh, nên khi đi thi đấu nước ngoài, các HLV không thể đưa ra phản biện trước tổ trọng tài khi VĐV của mình bị xử ép hay xảy ra tranh cãi.

Không phải ai cũng theo nghiệp HLV

Thi đấu đạt thành tích quốc tế sau đó được đặc cách học Đại học để ra trường làm HLV là con đường rất nhiều VĐV lựa chọn, thậm chí là bắt buộc bởi họ không biết làm gì khi giải nghệ. Tuy nhiên, chuyện học văn hóa với VĐV từ cấp tiểu học, trung học hay đại học đều đang rất bất cập và có một thực tế, ngay cả khi cầm tấm bằng cử nhân trong tay, nhiều VĐV vẫn phải chọn ngã rẽ khác.

Trong làng thể thao, rất ít gương mặt sống khỏe với nghề như trường hợp của Tiến Minh (cầu lông), Quang Liêm (cờ vua)… Những VĐV này chắc chắn không phải lo về tương lai của mình, nhưng với những VĐV đến giờ chưa học xong cấp hai thì thế nào?

Thực tế, tại Hà Nội hay TP.HCM đã thành lập các trường Năng khiếu Thể dục - Thể thao để các VĐV vừa tập luyện, vừa học tập, nhưng sự hoạt động lại kém hiệu quả, khi VĐV thường học đối phó, còn sự phối hợp giữa nhà trường và bộ môn lại quá hời hợt.

Nhiều VĐV mong muốn sau khi giải nghệ, họ có thể trở thành HLV hoặc cán bộ ngành thể thao, nhưng không phải ai cũng có “xuất” biên chế, chủ yếu làm HLV trẻ với công việc và đồng lương rất phập phù.

Cựu VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Ngân Thương dù đã trở thành một HLV trẻ, nhưng vẫn có nhiều băn khoăn bởi cô là số ít người may mắn khi giải nghệ được giữ lại, chứ nhiều VĐV khác đều đã phải tìm công việc khác để mưu sinh.

Một lãnh đạo Tổng cục TDTT thừa nhận: “Chuyện đầu ra cho các VĐV là bài toán rất nan giải của ngành thể thao. Hiện nay, các đội tuyển đều có đủ HLV, trong khi các sở VH, TT&DL vào được biên chế rất khó. Trước thực tế này, Tổng cục TDTT cũng đã có ý kiến với cấp trên về việc nâng chế độ đãi ngộ cho các HLV trẻ, giúp họ yên tâm hơn với nghề mà mình đã chọn”.

Có một thực tế hiện nay là rất nhiều VĐV giỏi sau khi giải nghệ với tấm bằng Đại học đã làm trái nghề, như trường hợp của thế hệ vàng wushu với những Trà My, Mai Phương, Thùy Linh…giờ không ai theo nghiệp thể thao. Những VĐV điền kinh, bơi lội, bắn súng… cũng ít người còn trụ lại với nghề.

HLV Đới Đăng Hỷ (đội tuyển Vật) cho rằng, VĐV thường chỉ tập trung vào chuyên môn, làm sao thi đấu tốt, tập luyện tốt chứ ít chú trọng đến việc học thêm văn hóa hay học nghề. HLV Nguyễn Thị Nhung của đội tuyển bắn súng lại nhấn mạnh: “Những người làm quản lý cần phải làm công tác tư tưởng cho các VĐV về định hướng nghề nghiệp. Khi các em đi học Đại học rồi, cũng cần được tạo điều kiện tối đa nhất”.

Đã có những ý kiến cho rằng vì sao ngành thể thao không xây dựng những trung tâm đào tạo kết hợp học văn hóa ngay từ nhỏ như mô hình của Học viện bóng đá HAGL. Tuy nhiên, với số lượng vài nghìn VĐV trên cả nước, kinh phí cho đề án này sẽ vô cùng lớn. Vì thế, cho đến giờ, ngành thể thao dù đã rất hiểu vấn đề này, song lại bất lực. Thôi thì miễn sao cứ phát triển chuyên môn, có thành tích là tốt rồi. Còn VĐV vẫn đa phần tự thân vận động, cứ lo thi đấu hay cố gắng có tấm bằng đã rồi… tính sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bài toán đầu ra cho vận động viên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO