Bàn ghế không phù hợp, học sinh thêm bệnh khi đến trường

Thanh Thảo 13/08/2016 09:16

Trong những năm gần đây, kích thước bàn ghế học sinh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của ngành giáo dục, y tế trường học và cha mẹ học sinh. Một số quy định về kích thước bàn ghế đã được áp dụng, nhưng tình trạng bàn ghế ở các trường học thuộc bậc học phổ thông vẫn còn những bất cập.

Bàn ghế được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bệnh học đường.

Theo báo cáo của Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Lao động và Môi trường TP HCM, thực hiện công tác y tế trường học, qua kết quả quan trắc môi trường tại 146 lớp học của 31 trường thuộc địa bàn các quận 5, 11, 3, Tân Phú và huyện Củ Chi, kết quả nhiều trường học chưa có nhiều cỡ bàn ghế phù hợp với chiều cao của học sinh.

Sử dụng bàn ghế để ngồi học chiếm gần 80% thời gian của học sinh ở trường. Vì thế, bàn ghế được cho là một trong những nguyên nhân làm gia tăng bệnh, tật học đường, ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập của học sinh.

Theo ThS. BS Lỗ Văn Tùng - Khoa Vệ sinh và Sức khỏe trường học (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường), một yêu cầu quan trọng trước hết là chiều cao của bàn và ghế phải phù hợp với kích thước cơ thể học sinh.

Nếu ghế quá cao, khi ngồi, chân học sinh sẽ bị treo, không sử dụng được bàn chân làm điểm tựa bổ sung, toàn bộ trọng lực của cơ thể sẽ dồn vào mặt dưới của đùi. Nếu ghế quá thấp, khi ngồi gập chân lại, mạch máu ở khoeo có thể bị chèn ép, làm giảm lưu thông máu đến cẳng chân và bàn chân. Ngồi lâu như vậy sẽ không thoải mái, chân rất mỏi đặc biệt là ở khớp đầu gối.

Cũng theo phân tích của BS Lỗ Văn Tùng, nếu bàn quá cao so với ghế thì khoảng cách từ mắt đến sách vở của học sinh bị rút ngắn lại, tạo ra thói quen nhìn gần cho học sinh, về lâu dài có thể dẫn đến cận thị.

Bên cạnh đó, khi học sinh viết bài trên bàn học không phù hợp, tư thế ngồi sẽ không ngay ngắn, cột sống bị uốn cong quá mức hoặc vẹo về bên phải hoặc bên trái, ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ lưng và các đốt sống, lâu ngày có thể dẫn đến cong vẹo cột sống. Ngoài ra, chiều sâu, chiều rộng, tính đồng bộ của bàn ghế, kích thước của tựa lưng cũng có vai trò rất quan trọng để tạo tư thế ngồi thoải mái cho học sinh.

Tại một số trường học hiện này, cách kê bàn ghế chưa đúng, một số trường còn kê sát tường và sát bảng; đa số phòng học sử dụng máy lạnh có nồng độ khí carbonic cao hơn mức tiêu chuẩn; 71% phòng học có tiếng ồn cao hơn so với mức quy định; chỉ 30% số phòng học có chỉ số ánh sáng đồng đều, vẫn còn nhiều phòng học có nhiều vị trí thiếu ánh sáng hoặc quá chói.

Tham dự Hội nghị tổng kết năm học của ngành giáo dục Hà Nội ngày 11/8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã băn khoăn cho rằng không biết có phải phụ huynh ép con em học nhiều quá hay thầy cô không quan tâm nhắc nhở tư thế ngồi học mà học sinh bị cận thị ngày càng nhiều.

Tham dự Hội khỏe Phù Đổng học sinh các quận nội thành đeo kính rất nhiều, thậm chí có đoàn đeo kính đến 1/3 quân số. Ngành giáo dục cần đưa việc giảm tỷ lệ học sinh cận thị vào mục tiêu giáo dục trong những năm học tới.

“Một trường học mà có 1/3 học sinh tốt nghiệp đeo kính thì ngành công nghiệp sản xuất kính phát triển, nhưng lại là minh chứng sự đi xuống của sức khỏe”, Chủ tịch Hà Nội khôi hài ví von.

Theo các chuyên gia y tế trong lĩnh vực nhãn khoa, khi đã cận thị, nếu không được phát hiện sớm để điều trị sẽ gây mệt mắt, thậm chí nhức mắt hoặc nhức đầu ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trẻ cận thị sẽ bị hạn chế trong nhiều lĩnh vực như sự nhanh nhạy, giao tiếp xã hội. Hơn nữa, cận thị còn có thể dẫn đến những bệnh lý như lé mắt, nhược thị, co quắp điều tiết... gây ảnh hưởng đến quá trình học tập của trẻ và còn để lại di chứng cho thế hệ sau (di truyền).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn ghế không phù hợp, học sinh thêm bệnh khi đến trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO