Bàn giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để đón khách Trung Quốc

Nguyễn Quý 09/01/2023 19:26

Để chuẩn bị đón khách du lịch Trung Quốc, yêu cầu làm sao vừa đón, phục vụ được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Đó là mục đích của Hội nghị giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, được Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức vào hôm nay (9/1) tại TP Móng Cái.

Thách thức trước thị trường khách lớn

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam với hơn 5,8 triệu lượt khách đến Việt Nam năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, với mức tăng ấn tượng là 17% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam cũng luôn đứng trong top 5 thị trường gửi khách lớn nhất của Trung Quốc.

Hội nghị giải pháp thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình đón và phục vụ khách Trung Quốc, còn nhiều vấn đề tồn tại. Tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour 0 đồng), tình trạng kinh doanh núp bóng, hướng dẫn viên là người nước ngoài, lừa đảo trong mua bán hàng hóa; các cửa hàng, khách sạn, công ty lữ hành chui đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi lộn xộn, không quản lý được, khiến nhiều khách Trung Quốc không hài lòng, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bị hiểu sai.

Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã và đang hoạt động nhộn nhịp trên cả nước. Năm 2022, khách du lịch nội địa đạt trên 101 triệu lượt, tăng 68% so với kế hoạch năm và tăng 19% so năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch năm 2022.

Đối với thị trường du lịch Quảng Ninh, những năm gần đây, khách du lịch Trung Quốc đến với Quảng Ninh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày một tăng. Từ 131.000 lượt năm 2014 lên 750.000 lượt năm 2019. Lượng khách du lịch Trung Quốc lưu trú tại Quảng Ninh cũng chiếm khoảng 50% tổng khách quốc tế đến Quảng Ninh.

Giải pháp nào?

Hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên cả nước đã tập trung thảo luận một số nội dung. Trong đó quan tâm đến các biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, đề xuất các cấp Bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục nhập cảnh bằng đường bộ, đường không và đường thủy một cách thuận tiện nhất có thể.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QMG.

Là một trong những địa phương có biên giới tiếp giáp Trung Quốc và giàu tiềm năng du lịch, tỉnh Quảng Ninh đề xuất cần có chính sách, cơ chế quản lý, cách thức phối hợp quản lý phù hợp, đồng bộ để khai thác khách từ thị trường này, trong đó có cơ chế đặc thù trong việc đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ. Tỉnh đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam thống nhất các doanh nghiệp, giải pháp để đón khách đồng bộ; thành lập câu lạc bộ, hội nhóm phù hợp để kết nối các doanh nghiệp đón khách từ thị trường này.

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá việc nhà chức trách Trung Quốc thông báo sẽ điều chỉnh chính sách phòng chống dịch và xuất nhập cảnh từ ngày 8/1 là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2023. Song, điều đó cũng đòi hỏi ngành du lịch phải vượt qua những thách thức không nhỏ. Bởi 3 năm đại dịch đã làm thay đổi từ nội tại ngành như sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực... đến đối tượng khách hàng, thói quen, nhu cầu, sở thích cũng như phương thức tiếp cận.

Thời gian tới, ngành cần đánh giá và xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với nhu cầu và tính chất đặc thù riêng của du khách Trung Quốc sau đại dịch; đầu tư chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất như cầu cảng, cửa khẩu, sân bay, khách sạn, nhà hàng, các điểm tham quan du lịch...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bàn giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để đón khách Trung Quốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO