Báo Giải Phóng - gian khổ và vinh quang

Đinh Phong 17/01/2022 07:37

Để đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền và cổ động cho phong trào kháng chiến, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam quyết định phải nhanh chóng xuất bản tờ Giải Phóng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Sáng 2/5/1975 phóng viên Báo Giải Phóng đã hoạt động nghiệp vụ trên đường phố Sài Gòn.

Vào đầu năm 1964, một đoàn phóng viên Báo Cứu Quốc được điều vào miền Nam để xây dựng tờ Báo Giải Phóng. Ông Trần Phong (Kỳ Phương) - Tổng Biên tập Báo Cứu Quốc theo tàu chở vũ khí về Nam bằng đường biển. Các đồng chí Tống Đức Thắng (Trần Tâm Trí), Thái Duy (Trần Đình Vân) vượt Trường Sơn về Nam. Sau khi đến căn cứ, các đồng chí bắt tay ngay vào việc chuẩn bị ra báo.

Cùng với các đồng chí Lê Thiện, Ngọc Anh, Phước Minh từ Campuchia về miền Nam tham gia kháng chiến và một vài nhân viên hành chính, các đồng chí đã xuất bản số báo đầu tiên vào ngày 20/12/1964, nhân kỷ niệm bốn năm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam. Báo Giải Phóng do đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Mặt trận và sau này do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam làm Chủ nhiệm và đồng chí Kỳ Phương trực tiếp phụ trách.

Vào giữa năm 1965, Trung ương Cục miền Nam quyết định chuyển tờ Tiền Phong, cơ quan tuyên truyền của Đảng, thành tạp chí lý luận với các đồng chí Tô Quyên, Lê Phan, Lê Vân, Nguyễn Ân... làm biên tập. Nhiệm vụ tuyên truyền của tờ báo Tiền Phong được giao cho Báo Giải Phóng. Song vì thiếu cán bộ và để việc chỉ đạo được sâu sát, tạp chí Tiền Phong ở chung căn cứ với Báo Giải Phóng và do các đồng chí lãnh đạo Báo Giải Phóng phụ trách. Trực tiếp chỉ đạo Báo Giải Phóng và tạp chí Tiền Phong là đồng chí Trần Trọng Tân (Trần Trọng Hoãn) lúc đó là Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chính ủy Quân giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục và các đồng chí trong Trung ương Cục, Trung ương Mặt trận đều tham gia viết báo và chăm sóc xây dựng tờ báo.

Một vài năm sau đó, Báo Giải Phóng có thêm các đồng chí Đinh Phong, Nguyễn Hồ, Lý Nguyên Văn, Thế Phiệt, Cao Kim, Mai Dưỡng, Hoài Vũ, Trần Bé, Cảnh Hân, An Liêu, Quốc Hùng, Doãn Thanh, Võ Anh Dũng, Mạnh Tùng, Nguyễn Đặng, Trí Việt, Thái Hồng, Bến Hải, Xuân Việt, Kim Oanh... và các đồng chí giáo viên chuyển sang làm báo: Trần Danh Lân, Nguyễn Phú Hoành, Hồng Đường, Nguyễn Kích, Cảnh Yên, Hồng Việt, Nguyễn Văn Chiêm, Lý Hoàng, Trần Hùng, Đậu Hùng, Minh Trâm, Trí Đức...

Khi đó Báo Giải Phóng in tại Nhà in Trần Phú, cách tòa soạn hơn một ngày đi bộ. Về sau Báo Giải Phóng được phép xây dựng một nhà in riêng do đồng chí Ba Bình, đồng chí Tư Phương và đồng chí Lâm Quang Trung phụ trách. Nói là nhà in nhưng thực chất chỉ có vài hộp chữ, máy in là một bàn gỗ kéo tay. Riêng tên Báo Giải Phóng trước đây vẫn in màu xanh hoặc đỏ nay không thể thay đổi nên được “in” bằng cách... đóng dấu từng tờ. Báo in vài nghìn số, chủ yếu phát hành trong căn cứ và gửi theo đường giao liên đến các khu, các tỉnh. Báo cũng gửi về đô thị qua đường giao liên công khai và được gửi lên Campuchia đến tay bà con Việt kiều yêu nước.

Từ ngày ra đời đến năm 1966, Báo Giải Phóng ở chung căn cứ với Trung ương Mặt trận. Giữa năm 1966, cơ quan báo chuyển về căn cứ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục trên bờ sông Vàm Cỏ Đông để tiện cho chỉ đạo và phối hợp tuyên truyền giữa báo, đài phát thanh, Thông tấn xã Giải Phóng.

Vào đầu năm 1967, địch mở cuộc càn Gian-xơn Xi-ti đánh vào các căn cứ của Ban Tuyên huấn. Các phóng viên và nhân viên tòa soạn đã tích cực tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ. Một số đồng chí như An Liêu, Nguyễn Hoàng Minh, Bùi Dũng Thành đã hy sinh, một số đồng chí bị thương, nhưng địch không vào được tòa soạn.

Do phải di chuyển, cất giấu nhà in, nên sau trận càn, máy móc chưa kịp lắp ráp, Báo Giải Phóng phải tạm đình bản. Song cũng lúc đó, phóng viên từ các mặt trận đổ về, bài vở ứ đọng rất nhiều. Tòa soạn Báo Giải Phóng quyết định ra “báo nói”: Báo không in ra nhưng bài vở đều được phát trên Đài phát thanh Giải Phóng. Bạn bè và bạn đọc vui mừng thấy Báo Giải Phóng vẫn còn “sống”, vẫn có tiếng nói truyền đạt sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Ủy ban Trung ương Mặt trận tới các địa phương.

Cuối năm 1967, chuẩn bị cho đợt tấn công mùa Xuân Mậu Thân 1968, trong lúc báo chưa thể in chữ chì, Trung ương Cục quyết định đưa một số cán bộ Báo Giải Phóng tăng cường cho bộ phận nghiên cứu của Trung ương Cục, chi viện cho Đài phát thanh Giải Phóng để tác chiến kịp thời. Trước Tết Mậu Thân, các phóng viên Báo Giải Phóng được tung đi các mũi chủ yếu và đi theo bộ phận tiền phương của Trung ương Cục. Một số phóng viên và nhân viên trẻ đã được đưa vào đội tuyên truyền võ trang của thành phố Sài Gòn. Anh em này đã tham gia công tác tuyên truyền võ trang trong nội thành, chiến đấu anh dũng, lập thành tích vẻ vang. Một số phóng viên và nhân viên Báo Giải Phóng như Cảnh Hân, Quốc Hùng, Trần Huân Phương, Bằng Sơn... đã ngã xuống quang vinh trên đường phố Sài Gòn và các mặt trận.

Cuối tháng 2/1968, anh em từ các mặt trận trở về chuẩn bị ra báo in và một số anh em khác lại được cử đến ngay các mũi chủ yếu và đi sâu xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Tờ Báo Giải Phóng khổ rộng xuất bản vào đầu tháng 5/1968 đã phản ánh không khí sôi sục trên khắp mặt trận Sài Gòn.

Vào dịp này, có thêm một số phóng viên từ miền Bắc vượt Trường Sơn về tăng cường cho Báo Giải Phóng. Các đồng chí Tô Lâm, Tân Đức - Ủy viên Ban Tuyên huấn được phân công phụ trách báo. Năm 1969, đồng chí Thép Mới (Hồng Châu) từ mặt trận Sài Gòn trở về, được điều làm Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục kiêm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng.

Đầu năm 1970, do bọn Mỹ và tay sai đánh phá biên giới, nhà in Báo Giải Phóng đã được đưa lên đất bạn tiếp tục in báo và chuyển về Tổ quốc phát hành khắp các địa phương, vượt qua sự kìm kẹp, “bình định” của địch. Báo đã cử nhiều tổ phóng viên đến các chiến trường sôi động của miền Nam và đi theo bộ đội tình nguyện trên đất Campuchia.

Nhà báo Nguyễn Huy Khánh (người ngồi sau) - phóng viên Báo Giải phóng trên đường tiến về Sài Gòn (29/4/1975).

Sau ngày ký Hiệp định Pa-ri, tòa soạn và nhà in Báo Giải Phóng chuyển về nước, nhanh chóng xuất bản báo khổ lớn, phát hành trong vùng giải phóng. Cuối tháng 4/1975, Báo Giải Phóng tổ chức bộ phận tiền phương theo bộ đội tiến về Sài Gòn bằng ô tô và xe hon-da. Ngày 30/4/1975, các phóng viên Báo Giải Phóng đã có mặt và hoạt động nghiệp vụ giữa Sài Gòn giải phóng. Đồng chí Mai Trang, nữ phóng viên Báo Giải Phóng được cử vào nội thành làm báo trong nhiều năm đã an toàn trở về tòa soạn.

Theo quyết định của Trung ương Cục, tòa soạn Báo Giải Phóng có nhiệm vụ càng sớm càng tốt xuất bản tờ Sài Gòn Giải Phóng, tiếng nói của nhân dân Sài Gòn giải phóng.

Ngày 5/5/1975, toàn thể anh em phóng viên, cán bộ Báo Giải Phóng sung sướng và xúc động nhìn tờ báo khổ lớn in hai màu phát hành giữa Sài Gòn giải phóng. Tòa soạn Báo Giải Phóng làm xong số báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 19/5/1975 với 8 trang khổ lớn, in nhiều màu thì bàn giao ngay công việc biên tập và cả nhà in cho bộ phận báo chí của Thành ủy Sài Gòn để xuất bản Báo Sài Gòn Giải Phóng đến ngày hôm nay.

Theo nhiệm vụ mới, Báo Giải Phóng tiếp tục xây dựng nhà in riêng, tổ chức lại tòa soạn để xuất bản tờ Giải Phóng ra hàng ngày. Một số đồng chí cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân, Báo Cứu Quốc và Báo Thống Nhất từ miền Bắc được đưa nhanh chi viện cho tòa soạn. Trung ương Đảng điều đồng chí Nguyễn Thành Lê - Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân vào làm Tổng Biên tập Báo Giải Phóng.

Sau một thời gian chuẩn bị, vào tháng 8/1975, Báo Giải Phóng đã xuất bản bộ mới với bốn trang khổ lớn. Ngoài số bán hàng ngày, Báo Giải Phóng ra thêm số Chủ nhật, bài vở phong phú, màu sắc đẹp đẽ, được đông đảo các nhà trí thức, nhân sĩ, nhân dân yêu mến và tích cực cộng tác.

Đất nước thống nhất, Báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Đầu năm 1977 đã diễn ra Đại hội hợp nhất ba tổ chức Mặt trận: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Báo Cứu Quốc và Báo Giải Phóng sáp nhập thành Báo Đại Đoàn Kết - cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

*Bài đăng trên Kỷ yếu 60 năm Báo Đại Đoàn Kết

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Báo Giải Phóng - gian khổ và vinh quang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO