Bảo vệ Vương quốc hoa đỗ quyên

Mai Quyên 16/05/2017 07:45

Nếu có dịp đến Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) những ngày này, chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp đa sắc của các loài hoa đỗ quyên. Từ đỗ quyên đỏ rực, đến vàng, trắng… Tất cả đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên quyến rũ. Tuy vậy, cây đỗ quyên hiện cũng đang bị khai thác để bán dẫn đến loài hoa đặc trưng của núi rừng Hoàng Liên Sơn đang bị đe dọa.

1. Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa - Lào Cai) được mệnh danh là “Vương quốc hoa đỗ quyên của Việt Nam” bởi nơi đây có tới gần 40 loài hoa đỗ quyên mọc hoang dại, trong đó có nhiều loài cho hoa rất đẹp và có mùi hương quyến rũ.

Mới đây, nhiều du khách đến Sa Pa đã chứng kiến cảnh bà con địa phương khai thác cây hoa đỗ quyên rừng và bày bán công khai ở khu vực thác Bạc. Nhiều du khách khác cho biết, họ cũng gặp tình trạng tương tự ở phía sau chợ Sa Pa.

Theo đó, những cây hoa đỗ quyên cao trên dưới 1m, đã bắt đầu có nụ, có hoa. Những người bán cây hoa đỗ quyên rừng cho biết, để lấy được cây đỗ quyên phải đi mất nửa ngày đến một ngày vào rừng Hoàng Liên.

Vào đến khu rừng có nhiều đỗ quyên sinh sống rồi thì việc phát hiện ra cây đỗ quyên không khó bởi hiện đỗ quyên đang vào mùa ra hoa. Những cây đỗ quyên có màu hoa đẹp sẽ bị đào lên rồi gùi về một số điểm du lịch đông khách như thác Bạc, chợ Sa Pa để bán.

Giá cả cũng dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy từng cây. Nếu khách muốn mua cây to hơn cũng có, nhưng phải đặt tiền trước 2 ngày thì sẽ có cây cao hơn 2m. Trước thực trạng trên, rất cần có sự tuyên tuyền của các cơ quan chức năng, của Ban Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên đến bà con địa phương, đồng thời, bà con cũng đừng vì chút lợi ích trước mắt mà làm suy thoái các cánh rừng đỗ quyên.

2. Bởi chúng ta đã biết, hoa đỗ quyên là một trong những loài hoa quý được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới. Mới đây, tại Khu du lịch Fansipan Legend (Sa Pa) cũng đã tổ chức lễ hội hoa đỗ quyên, qua đó tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của loài hoa đặc trưng của núi rừng Hoàng Liên. Hoạt động này đã thu hút khá đông du khách tham quan.

Theo các nhà khoa học, cây đỗ quyên có nguồn gốc ôn đới, mọc tự nhiên và sinh trưởng tốt tại các vùng núi cao có khí hậu á nhiệt đới. Ở nước ta, đỗ quyên mọc chủ yếu ở Sa Pa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), trong đó tại Vườn di sản ASEAN Hoàng Liên (Lào Cai), các nhà khoa học đã phát hiện có hơn 30 loài đỗ quyên, mọc tự nhiên. Đặc biệt, ngày 5/11/2014, quần thể 7 cây đỗ quyên cành thô của Vườn đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Bên cạnh đó, hồi đầu năm 2017, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã phát hiện thêm 2 loài hoa đỗ đuyên mới vào danh lục thực vật Vườn quốc gia Hoàng Liên. Đó là loài hoa đỗ quyên Rhododendron valentinianum (thân bụi có hoa màu vàng) và loài hoa đỗ quyên Rhododendron agastum var. pennivenium (hoa đỏ), mọc ở khe núi đá trong Vườn quốc gia Hoàng Liên, trên độ cao từ 1.800 - 3.000m so với mặt nước biển.

Theo đánh giá của Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), đây là phát hiện có ý nghĩa lớn trong công tác nghiên cứu hệ thực vật ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, góp phần tạo lập danh mục thực vật đầy đủ hơn, làm cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và đề xuất các biện pháp bảo tồn loài hoa đỗ quyên mọc hoang dã trong Vườn quốc gia Hoàng Liên.

3. Theo các nhà nghiên cứu, đỗ quyên là loài thực vật có hoa thuộc họ thạch nam, là một chi lớn, với khoảng 850 - 1.000 loài, hầu hết các loài đều có hoa rực rỡ, với đủ màu sắc.

Trong các loài đỗ quyên có 28 loài cho hoa và dáng đẹp, trồng làm cảnh như đỗ quyên mộc, đỗ quyên cành thô, đỗ quyên lá sóng, đỗ quyên nhọn, đỗ quyên quang trụ...; có 5 loài hoa đỗ quyên cho sản phẩm làm thuốc chữa bệnh gồm: Đỗ quyên hoa cánh trắng lớn, đỗ quyên hoa đỏ, đỗ quyên nhỏ hoa trắng, đỗ quyên sim, đỗ quyên hoa nhỏ trên đá.

Cây đỗ quyên có đặc điểm mọc thành từng bụi và tập trung, loại nhỏ có chiều cao từ 10 - 100 cm. Loài lớn nhất được ghi nhận cao tới 30 m. Lá cây xếp hình xoắn ốc, với kích thước 1 - 2 cm, rụng lá theo mùa. Ở một số loài, mặt dưới lá có phủ vảy và lông tơ, thân cây leo, sống bám vào vách đá.

Trong khi đó, qua khảo sát của các nhà khoa học Việt Nam, khu vực xung quanh đỉnh núi Fansipan thuộc Vườn di sản ASEAN Hoàng Liên có khoảng 56 cá thể cây đỗ quyên cành thô, cao từ 11 - 15 m, khoảng 250 - 300 tuổi. Hầu hết, các cây đều mọc bám vào vách đá cheo leo và có hoa quanh năm, nhưng hoa nở rộ nhất vào dịp giữa mùa xuân và đầu mùa hè.

Hoa đỗ quyên ưa ánh sáng, càng lên cao, hoa mọc dày tạo thành những trảng hoa rực rỡ. Do đó một số loài đã bị suy giảm nghiêm trọng do bị khai thác quá trong tự nhiên.

Để bảo tồn loài hoa quý này, nhiều công trình nghiên cứu đã được triển khai. Đơn cử như hồi năm 2015, Ban quản lý Vườn di sản ASEAN Hoàng Liên được giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu các phương pháp nhân giống một số loài đỗ quyên (bằng hạt và giâm cành) tại núi Hoàng Liên - Lào Cai”.

Mục tiêu của đề tài là điều tra, đánh giá các loài đỗ quyên; đồng thời tiến hành nhân giống một số loài đỗ quyên quý hiếm, giá trị cao đang có nguy cơ bị tuyệt chủng; đề xuất biện pháp bảo tồn và khai thác các tiềm năng, giá trị của loài hoa đỗ quyên, cụ thể như: Xây dựng vườn cây giống bảo tồn; tập huấn kỹ thuật về nhân giống; nhân giống bằng hạt; nhân giống bằng giâm hom cành; trồng khảo nghiệm các loài đã được nhân giống; tổ chức hội thảo khoa học...

Sau một thời gian triển khai, các nhà khoa học đã đưa vào bảo quản, giới thiệu trên 500 mẫu tiêu bản đỗ quyên. Bên cạnh đó, Vườn cũng đã tập hợp và xây dựng được bộ tài liệu để mô tả chi tiết đặc điểm nhận dạng, phân bố, công dụng, mùa hoa, mùa quả của các loài đỗ quyên được phát hiện và ghi nhận trong khu vực nghiên cứu; phân loại các loài đỗ quyên núi Hoàng Liên theo 3 nhóm: Cây làm cảnh, cây trồng tạo cảnh quan và cây làm dược liệu.

Đặc biệt, đã xây dựng được vườn cây giống bảo tồn với trên 200 cây thuộc 19 loài đỗ quyên, đạt tỷ lệ sống trên 73%.

Tuy vậy, trước thực tế đang có một số bà con sống quanh khu vực rừng Hoàng Liên Sơn khai thác đỗ quyên trong rừng quốc gia để bán cho khách du lịch như ở khu thác Bạc hay chợ Sa Pa, rất cần có những hành động kịp thời để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con. Có như vậy, môi trường sống của “vương quốc hoa đỗ quyên của Việt Nam” mới được bảo vệ.

Vườn quốc gia Hoàng Liên được thành lập năm 2002, nằm ở độ cao từ 1.000-3.000m so với mặt biển trên dãy Hoàng Liên Sơn thuộc địa bàn các huyện Than Uyên, Phong Thổ tỉnh Lai Châu và Sa Pa của tỉnh Lào Cai. Vườn được chọn là một Trung tâm đa dạng của các loài thực vật trong Chương trình bảo tồn các loàì thực vật của Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên thế giới (IUCN). Vườn cũng được Quỹ môi trường toàn cầu được xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam. Năm 2006, Vườn quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ Vương quốc hoa đỗ quyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO