Bệnh thủy đậu không loại trừ lứa tuổi nào

Đức Trân 09/03/2023 06:32

Thời tiết giao mùa như hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ gây bệnh cho con người. Đáng chú ý, bệnh thủy đậu đang có xu hướng diễn biến phức tạp trong những ngày qua tại Hà Nội.

Chăm sóc cho bệnh nhi mắc thủy đậu. Ảnh: TL.

Gia tăng ca mắc

Thông tin mới đây từ huyện Chương Mỹ (Hà Nội), huyện vừa ghi nhận 1 ổ dịch thủy đậu ở Trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn huyện đã có 129 ca mắc thủy đậu.

Trong khi đó, tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng ghi nhận sự gia tăng của các ca bệnh nhập viện vì thủy đậu. Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian gần đây, tại khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh với chẩn đoán thủy đậu. Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như: Sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12-24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mun mủ, bệnh nhân có ho và tiêu chảy.

TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Bệnh thủy đậu do virus gây ra, chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, bằng các giọt nước nhỏ trong không khí bắn ra từ đường hô hấp như mũi, miệng của người bệnh, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật như quần áo, chăn gối có vấy bẩn các chất tiết của người bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh. Thời gian lây bệnh của thủy đậu kéo dài từ trước khi nổi ban đỏ 1-2 ngày cho đến khi các bọng nước đóng vảy hoàn toàn.

Không nên tin vào chữa mẹo

TS. BS Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: Thủy đậu thường bùng phát thành dịch vào mùa Xuân. Khi khởi phát, người bệnh có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ… Một số trường hợp, nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Thủy đậu được đánh giá là bệnh lành tính với trẻ lớn nhưng ở trẻ sơ sinh, đây là một bệnh nặng với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ, trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn, các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, tủy, dây thần kinh thị giác hoặc một số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong… Với trẻ lớn, nếu không theo dõi và chăm sóc kỹ, biến chứng của bệnh cũng rất nặng nề, có thể gây viêm não, xuất huyết, viêm gan...

Đáng nói hơn, những biện pháp chữa mẹo, truyền miệng cũng là một trong những nguy cơ khiến trẻ mắc thủy đậu có thể gặp biến chứng nặng nề hơn. Thực tế, hiện nay rất nhiều gia đình quan niệm bệnh nhân mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió. Điều này hoàn toàn ngược lại khuyến cáo của các bác sĩ rằng bệnh nhân thủy đậu cần được giữ vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm nước ấm và trong phòng kín, bởi nếu không vệ sinh tốt, các vết phỏng dễ bị nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều gia đình tự ý bôi thuốc gây bít tắc và nhiễm khuẩn vết phỏng, đây cũng là sai lầm thường gặp trong điều trị thủy đậu.

Đơn cử, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị trường hợp trẻ mắc biến chứng nhiễm trùng do thủy đậu. BS Nguyễn Hữu Thảo - Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện cho biết: Đây là trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu, nhưng mẹ bé không đưa con đi thăm khám tại bệnh viện mà nghe người khác mách lấy thuốc Đông y bôi vào cho nhanh khỏi. Kết quả, trẻ vừa mắc thủy đậu vừa nhiễm trùng khiến bệnh nhi đau, ngứa khắp cơ thể.

Theo BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, thủy đậu không loại trừ một ai, không phân biệt độ tuổi. Chính vì vậy, tiêm vaccine là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này. Khoảng 88-98% người đã tiêm vaccine phòng thủy đậu sẽ tránh được bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo, hiện tại không có biện pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh thủy đậu. Việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giúp bệnh nhân không bị mất nước. Người bệnh cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn các thức ăn mềm, uống đủ nước, có thể uống thêm nước hoa quả, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý, thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch, tránh gãi làm vỡ các nốt phỏng vì dễ gây bội nhiễm và tạo sẹo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh thủy đậu không loại trừ lứa tuổi nào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO