Biến đổi khí hậu, không chỉ là nhãn tiền

Tuấn Việt 17/03/2017 10:05

Mưa trái mùa tại Quảng Ngãi. Giông lốc bất thường tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Mưa lớn kỷ lục tại Quảng Ninh. Bão đổ bộ bất thường vùng ven biển. Hạn hán cục bộ tại Ninh Thuận. Xâm nhập mặn gay gắt ở Kiên Giang và Bến Tre. Sạt lở đất ở Lào Cai… Hàng loạt những cực đoan thời tiết trong những tháng qua đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế xã hội. Chưa bao giờ, biến đổi khí hậu rõ rệt với tần suất dày và dễ nhận thấy như lúc này.

Bão lụt ở Miền trung năm 2016. Ảnh TL.

Không chỉ Việt Nam, biến đổi khí hậu thông qua các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ngày một xuất hiện, với nhiều dị thường khó lường. Hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế xã hội, gây thảm trọng về kinh tế lẫn con người. Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu (BĐKH) của Việt Nam được thành lập, để tăng cường ứng phó với “những kẻ thù của nhân loại”.

Theo số liệu chưa tổng hợp hết, trong 5 năm qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) gây những cực đoan thời tiết như lụt lội, thiên tai, bão lũ, sạt lở, nhập mặn… đã làm cho 1.141 người chết, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 55.400 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, những hệ lụy “chết người” như mùa màng thất bát, năng suất cây trồng vật nuôi tụt giảm, đói nghèo… tiếp tục đeo đẳng người dân, thậm chí làm suy giảm nghiêm trọng nền kinh tế. Riêng năm 2016, BĐKH gây thiệt hại 1,7 tỷ USD (1% GĐP) cho thấy cho thấy tính phức tạp ngày một tăng.

Một trong những ảnh của suy thoái do tác động của BĐKH toàn cầu là suy giảm nguồn nước. Nhiệt độ không khí có xu thế tăng, theo đó dự kiến đến năm 2070, tại Việt Nam, nhiệt độ các vùng ven biển có khả năng tăng thêm 1,5 độ C, vùng nội địa tăng 2 độ C.

Việc tăng nhiệt độ sẽ kéo theo lượng nước bốc hơi tăng thêm khoảng 7,7 đến 8,4%, khiến lượng dòng chảy nước mặt giảm. Chính vì vậy, khi hiện tượng El Nino xuất hiện sẽ gắn liền với việc gây hạn hán rất năng nề ở Việt Nam, trong đó các vùng chịu tác động nhất là các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận…

Nước bốc hơi còn kéo theo nguồn nước các sông, hồ chứa giảm nhanh. Theo số liệu của Tổng Cục Môi trường, nguồn nước ở các sông hồ chứa trên toàn quốc đều thấp hơn mức trung bình từ 18 đến 38%, thiếu hụt nhiều nhất là lưu vực sông Thao.

Trong khi đó, lượng mưa trong thời gian 5 năm trở lại đây có xu hướng cực đoan, tăng trong mùa mưa, giảm trong mùa khô. Thêm vào đó là sự phân bố không đều về tần xuất, lượng mưa, thời gian cũng như về dư địa lý. Nơi mưa đến úng ngập, nơi mưa ít hoặc không có mưa đến khô hạn.

“Lượng mưa không ổn định và bất thường đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, tài nguyên nước, thể hiện qua việc gia tăng ngập úng, mùa màng thất bát do hạn hán, khiến đời sống nhân dân ngày thêm khó khăn. Đó là chưa kể đến các tác động cho xã hội khi phát sinh dịch bệnh, thay đổi cơ cấu mùa màng, chăn nuôi thủy sản không nằm ngoài quy luật đào thải… Điều này đã nhãn tiền và sẽ còn nhiều xuất hiện, với kẻ thù mang tên BĐKH”, TS Nguyễn Văn Tài - Tổng Cục trưởng Tổng Cục môi trường cho biết.

Tại Việt Nam, một hệ quả nữa của BĐKH có tính chất nặng nề và sâu rộng là hiện tượng nước biển dâng. Nước biển dâng sẽ làm tác động xâm thực bờ biển tăng lên, do gia tăng cường độ sóng biển, dẫn đến xói lở, làm mất dải rừng phòng hộ ven biển.

Nước biển dâng còn làm gia tăng xâm nhập mặn sâu trong lục địa, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ngọt và làm suy thoái moi trường đất. Dưới tác động của thủy triều, sẽ khiến cho nước mặn xâm nhập nội đồng, thậm chí sẽ đi xa hơn do nguồn nước từ các sông ngày một giảm.

Tỉnh Bến Tre, năm 2015, nhập mặn tính từ cửa sông đã ăn sâu vào nội địa hơn 70km, bao trùm 155/164 xã phường, thị trấn. Mặn làm thiệt hại trên 100.000 ha lúa, chưa kể hàng nghìn ha vườn cây ăn quả, rau màu bị tàn phá.

“Ứng phó với BĐKH là một trong những nhiệm vụ cốt yếu của Chính phủ. Ủy ban Quốc gia về BĐKH có chức năng tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc giải quyết những công tác quan trọng, mang tính liên ngành, lĩnh vực, các chương trình, chiến lược quốc gia về BĐKH. Chỉ đạo, điều phối thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về BĐKH. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về BĐKH…”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh khi giữ cương vị Chủ tịch UBQG về BĐKH.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc coi công tác dự báo là ưu tiên hàng đầu. Dự báo “chuẩn” các hiện tượng BĐKH, sẽ có thể ứng phó kịp được với các cực đoan thời tiết, giảm thiệt hại về người và của. BĐKH sẽ không chỉ còn là nhãn tiền, mà sẽ còn thường trực khi bản thân trái đất đang có những thay đổi bất thường.

Sông Nhuệ ô nhiễm ở mức báo động cấp 2

Ngày 16/3, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam thông báo tình hình ô nhiễm nước sông Nhuệ - Đáy (đợt 2). Theo đó, nước sông đã bị ô nhiễm báo động cấp 2 theo quy định bảo vệ môi trường của UBND tỉnh Hà Nam. Trước đó, lúc 8h ngày 15/3, trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường đã lấy và phân tích mẫu nước tại cống Nhật Tựu. Kết quả, nồng độ chất ô nhiễm như: Amoni là 22,6 mg/L-N, vượt 75,3 lần; ôxy hoà tan là 1,44 mg/L, nhỏ hơn 3,47 lần giới hạn cho phép loại A2 theo QCVN 08- MT:2015/BTNMT (nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng phải áp dụng công nghệ xử lý phù hợp).
Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Hà Nam đề nghị các địa phương ven sông Nhuệ, sông Đáy, sông Duy Tiên có biện pháp phòng ngừa để hạn chế thiệt hại…

Hồng Hiền

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến đổi khí hậu, không chỉ là nhãn tiền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO