Bình Thuận nóng chuyện đất

NGỌC QUANG 20/02/2022 06:30

Thời gian này Bình Thuận trở thành “điểm nóng” khi nhiều quan chức cao cấp, cán bộ lãnh đạo cấp sở của tỉnh này bị khởi tố, bắt tạm giam. Bao gồm: ông Nguyễn Ngọc Hai - cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT); Lê Nguyễn Thanh Danh - cựu Phó Giám đốc Sở TNMT và Ngô Hiếu Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận; liên quan đến vụ án hình sự “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại các dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an thực hiện lệnh bắt tạm giam các bị can Nguyễn Ngọc Hai, Lê Nguyễn Thanh Danh, Ngô Hiếu Toàn (từ trái qua).

Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, từ tháng 5/2021 đã nhận được tin tố giác tội phạm về sai phạm tại các dự án đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Quá trình xác minh đã xác định hành vi vi phạm pháp luật của các bị can liên quan đến dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 thuộc địa bàn phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết.

Được biết, dự án Tân Việt Phát 2 do Công ty CP Tân Việt Phát (trụ sở ở Bình Thuận) làm chủ đầu tư, có vị trí ven đường Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Toàn bộ dự án gồm 3 lô đất (lô số 18, 19 và 20) với tổng diện tích khoảng 92.600 m2. Đây là khu vực cửa ngõ vào khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Ngày 4/10/2013, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt giá khởi điểm khoảng 111 tỉ đồng (1,2 triệu đồng/m2). Từ ngày 25/10/2013 – 26/11/2015, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận phối hợp Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Bình Thuận) tổ chức 6 lần đấu giá 3 lô đất này, nhưng được cho là không có tổ chức hay cá nhân nào tham gia đấu giá (?).

Từ tháng 11/2015 – 7/2016, giá đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có biến động nên ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã có quyết định điều chỉnh giá đất ở khu vực có 3 lô đất số 18, 19 và 20 lên 1,6 triệu đồng/m2. Đến ngày 16/1/2017, Công ty CP Tân Việt Phát có văn bản gửi Sở TNMT và UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị tỉnh giao 3 lô đất này không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Và rồi chỉ hơn nửa tháng sau, ngày 3/2/2017, Sở TNMT có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị giao 3 lô đất số 18, 19 và 20 cho Công ty CP Tân Việt Phát không qua đấu giá quyền sử dụng đất, mà chỉ tính theo giá khởi điểm khoảng 111 tỉ đồng/3 lô (khoảng 92.600 m2).

Nhận được đề nghị, Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận có công văn đề nghị Sở TNMT phải “lấy ý kiến Sở Tài chính”. Sau đó, ngày 20/2/2017, Sở Tài chính Bình Thuận có văn bản trả lời Sở TNMT thống nhất giao 3 lô đất trên cho Công ty CP Tân Việt Phát không cần đấu giá và với giá khởi điểm là 1,2 triệu đồng/m2.

Và chỉ 2 ngày sau (ngày 22/2/2017), Sở TNMT có công văn tiếp tục đề nghị giao 3 lô đất trên cho Công ty CP Tân Việt Phát với giá khởi điểm như trên (1,2 triệu đồng/m2). Ngay ngày hôm sau, tức 23/2/2017, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn 571 gửi Sở TNMT, Trung tâm Phát triển quỹ đất đồng ý chủ trương giao 3 lô đất trên cho Công ty CP Tân Việt Phát với giá khởi điểm của 5 năm trước (năm 2013), tức 1,2 triệu đồng/m2, tổng số tiền của cả 3 lô đất này khoảng 111 tỉ đồng.

Tiếp đó, ngày 14/4/2017 Cục Thuế tỉnh Bình Thuận có thông báo nộp tiền sử dụng đất với 2 lô 19 và 20 (tổng diện tích 69.302 m2), số tiền phải nộp khoảng 111 tỉ đồng. Đến ngày 16/5/2017, Công ty CP Tân Việt Phát nộp số tiền trên vào Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận, thì ngày 13/6/2017 Sở TNMT Bình Thuận cấp 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty. Sau đó, Công ty CP Tân Việt Phát làm thủ tục xin thực hiện Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2. Hiện dự án này đã hoàn thành và chuyển nhượng cho nhiều nhà đầu tư khác.

Theo một đơn vị thẩm định giá độc lập, giá trị quyền sử dụng đất của lô số 18, 19 và 20 (khoảng 92.600 m2) tại thời điểm giao, cho thuê đất (ngày 7/3/2017) là hơn 182 tỉ đồng, tức giá trị hơn 1,9 triệu đồng/m2. Cơ quan CSĐT cho rằng, sự chênh lệch này đã gây thất thoát ngân sách của nhà nước số tiền hơn 71 tỉ đồng.

Nhìn vào vụ việc trên, người ta thấy rằng có sự bắt tay giữa các cá nhân lãnh đạo của tỉnh Bình Thuận với Công ty CP Tân Việt Phát, ngay từ việc đấu thầu, không cần đấu giá quyền sử dụng đất; để đưa ra một mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường vào thời điểm đó. Các quyết định, thủ tục bàn giao đất giữa các bên diễn ra một cách “thần tốc” càng cho thấy sự cấu kết chặt chẽ, nhằm nhanh chóng hợp thức hóa, che giấu sai phạm, trục lợi.

Đây là hành vi sai phạm nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận tỉnh Bình Thuận suốt thời gian dài. Cũng cần nhắc lại, trước những vi phạm về đất đai, tại Bình Thuận còn để xảy ra nhiều vụ vi phạm về rừng, khi “lâm tặc” ngang nhiên triệt hạ nhiều vạt rừng lâu năm, giá trị kinh tế cũng như giá trị bảo vệ môi trường rất lớn.

Trong một diễn biến khác, ngày 15/2 vừa qua, Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã đưa ra xét xử hàng loạt cán bộ của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Phan Thiết; Chi cục Thuế thành phố Phan Thiết.

10 bị cáo trong vụ án này bị buộc tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo cáo trạng, từ tháng 3/2016 đến tháng 12/2018, UBND thành phố Phan Thiết đã ban hành 166 quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn đối với 166 thửa đất tại 3 xã: Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi. Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Phan Thiết có trách nhiệm lập phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin ghi; Chi cục Thuế thành phố Phan Thiết có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Phan Thiết chuyển đến và xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện việc xác định nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, các cá nhân thuộc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết gồm: Nguyễn Ngọc Hải là Giám đốc, Nguyễn Hữu Hoành là Phó Giám đốc và các nhân viên là Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Lê Thị Thanh Hạnh, Tạ Thị Thanh Huyền, Nguyễn Hồ Luân đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, dẫn đến xác định sai hoặc thiếu thông tin về khu vực, vị trí thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng đất trong phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Đối với các cá nhân thuộc Chi Cục thuế Phan Thiết gồm: Bạch Dân Vinh là Phó Chi cục trưởng, Trần Văn Đông là Đội trưởng Đội Trước bạ - Thu khác, Nguyễn Ngọc Quang là Phó đội trưởng Đội Trước bạ - Thu khác, Đỗ Lễ là nhân viên Đội Trước bạ - Thu khác đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, dẫn đến xác định sai số tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 9,6 tỉ đồng.

Dự kiến phiên toà sơ thẩm sẽ diễn ra trong 5 ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình Thuận nóng chuyện đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO