Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú: Không để xung đột khi cải cách

H.Vũ 17/06/2020 09:07

Chiều 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Cư trú sửa đổi. Dẫu đồng tình với việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, tuy nhiên nhiều ĐB tỏ ra lo ngại liệu Luật có thực hiện được từ ngày 1/7/2021.

ĐBQH tại phiên họp ngày 16/6. (Ảnh: Quang Vinh).

Theo ĐB Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng), khi thay đổi phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành.

Theo quy định của Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đến nay Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân thông qua công tác cấp căn cước công dân. Do vậy phải cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân vào tháng 12/2020.

“Vậy thời gian còn nửa năm nữa liệu có kịp hoàn thành hay không? Nếu không làm được 2 vấn đề trên thì khi bỏ sổ hộ khẩu sẽ gây ách tắc, xáo trộn trong hoạt động của cơ quan nhà nước và nhân dân. Do đó việc bỏ sổ hộ khẩu cần có lộ trình và vẫn công nhận song song hai hình thức khi chưa cấp xong mã số định danh cá nhân”, ông Đức nói.

Cùng chung quan điểm, ĐB Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn), ĐB Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng bỏ sổ hộ khẩu có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hiện nay vì hiện đây đang là cái không thể thiếu trong giao dịch của người dân.

Qua rà soát sơ bộ thấy rằng có 27 thủ tục hành chính quy định trong các văn bản dưới luật yêu cầu phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Do đó, cần tính toán để không gây xung đột khi thực hiện các thủ tục hành chính này. Chưa kể, nếu được thông qua luật sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2021 và việc cấp mã số định danh cá nhân phải hoàn thành trong tháng 12/2020. Qua đó cần có giải pháp thay thế khi không còn sổ hộ khẩu để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.

Đồng tình với việc bỏ hộ khẩu, tuy nhiên ĐB Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) cho rằng cần bổ sung quy định cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để khai thác thông tin, tiết lộ bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú trái pháp luật.

Tương tự, ĐB Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) đề nghị cần bổ sung vào “hành vi cấm” đó là cấm các cơ quan đơn vị ban hành các văn bản dựa vào giấy tạm trú của người dân. Việc đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo công khai minh bạch là điều cần thiết. Tuy nhiên trong Luật còn nhiều quy định về khai báo tạm vắng còn mang tính thủ công. Từ đó khi công dân có thay đổi về thông tin về nơi cư trú sẽ khiến khó khăn trong công tác quản lý. Do đó cần bổ sung việc áp dụng khoa học công nghệ vào trong quản lý cư trú.

Trong khi đó, ĐB Trần Thị Vĩnh Nghi (đoàn Cần Thơ) cho rằng hiện Luật chưa quy định nơi cư trú của người chưa thành niên. Do đó cần quy định chặt chẽ về vấn đề này vì thực tế có việc cha, mẹ có nơi đăng ký thường trú khác nhau ở 2 nơi. Cho nên cần quy định cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì cần đăng ký cư trú cho con chưa thành niên theo cha, hoặc mẹ ở nơi sinh sống lâu dài.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, bà Trần Thị Dung- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Lộ trình đến tháng 12/2020 phải xác định xong toàn bộ mã số định danh cá nhân. Đây là công việc mất nhiều thời gian, đòi hỏi tính chính xác. Chưa kể cần phải bố trí nguồn lực 3.000 tỷ đồng để cấp mã số định danh cá nhân. Hiện đang đang bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngân sách khó khăn nên phải cần thời gian để bố trí đủ nguồn lực. “Do đó dự kiến áp dụng luật từ ngày 1/7/2021 là khó có thể thực hiện”, bà Dung lo ngại.

Nhiều ĐB cũng bày tỏ quan điểm tán thành với việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân. Bởi tuy Luật Cư trú hiện hành và Luật Thủ đô đã quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương chặt chẽ hơn nhằm kiểm soát việc gia tăng dân số cơ học tại các địa phương này nhưng thực tế không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Theo ĐB Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú thành phố trực thuộc Trung ương như hiện nay nhằm đảm bảo tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân. Tuy nhiên, ông Đức lưu ý cần có quy định để đảm bảo việc đáp ứng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại các thành phố lớn. Vì vậy cần quy định đảm bảo điều kiện diện tích bình quân theo quy định của HĐNĐ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú: Không để xung đột khi cải cách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO