Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá

Việt Thắng 13/07/2020 10:33

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và xem xét công tác nhân sự sẽ được xem xét, thông qua.

Sáng ngày 13/7, tại Nhà Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với bốn nhóm vấn đề.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội. Nhóm vấn đề thứ hai là xem xét, thảo luận, cho ý kiến tổng kết kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ thứ 10 của Quốc hội.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, nhóm vấn đề thứ ba là xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và xem xét công tác nhân sự.

Nhóm vấn đề thứ tư là xem xét việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị-xã hội; việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng công nghệ thông tin hữu nghị Việt-Hàn từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, các nội dung trình tại phiên họp lần này đã được các cơ quan chuẩn bị tích cực, trong đó có 2 dự án luật đã được khẩn trương tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội trong thời gian ngắn sau kỳ họp. Tuy nhiên, còn một số nội dung đã có trong chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những tiến độ chuẩn bị vẫn chưa được bảo đảm nên phải rút ra hoặc chuyển sang phiên họp sau.

“Đây là một hạn chế vì vậy đề nghị các cơ quan chức năng cần chủ động hơn trong công tác chuẩn bị, bám sát chương trình hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo, xem xét, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Báo cáo về một số nội dung chủ yếu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), liên quan đến việc có nhiều ý kiến không tán thành quy định thời hạn 5 năm đối với Giấy phép hoạt động dịch vụ, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban thống nhất giữ như quy định của luật hiện hành là không quy định về thời hạn của giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, bỏ khoản 2 Điều 11, Điều 13 của dự thảo luật nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc gây khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời, rà soát để quy định cụ thể các điều kiện, trường hợp bị thu hồi giấy phép nhằm bảo đảm tính minh bạch và tuân thủ của doanh nghiệp dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO