Tranh cãi quanh phương án tổ chức V-League

Hoàng Nam 28/03/2020 07:00

Sau khi VPF gửi công văn tới các CLB tham khảo phương án tổ chức để V-League tiếp tục diễn ra, các CLB đã bàn bạc, nghiên cứu và không ít những ý kiến tranh cãi nảy sinh. V-League nhiều khả năng sẽ tiếp tục hoãn và sẽ chỉ được tổ chức khi được sự đồng ý của Chính phủ.

Tranh cãi quanh phương án tổ chức V-League

V-League chỉ có thể trở lại khi có sự cho phép.

Từ phương án đưa ra

Trong công văn, VPF đưa ra hai phương án về thời gian thi đấu. Phương án một bắt đầu từ ngày 15/4 đến ngày 29/5. Phương án hai diễn ra từ ngày 1/5 và kết thúc vào ngày 28/6. Điểm đáng chú ý nhất trong hai phương án của VPF là đề xuất tập trung các CLB cả 3 miền về phía Bắc, thi đấu trong thời gian ngắn. Các CLB từ Thanh Hóa trở ra vẫn đá trên sân của mình. Các đội còn lại sẽ dùng sân của những CLB phía Bắc và một số sân trung lập. Các sân dự kiến được lựa chọn đều nằm ở khu vực phía Bắc gồm Thanh Hóa, Thiên Trường, Lạch Tray, Cẩm Phả, Hàng Đẫy, PVF, Mỹ Đình và sân Việt Trì được chọn làm sân dự phòng.

Theo kế hoạch này, các đội được chia thành ba nhóm theo vị trí địa lý. Nhóm các CLB phía Bắc gồm Thanh Hóa, Nam Định, Hải Phòng, Than Quảng Ninh, Hà Nội và Viettel tiếp tục sử dụng sân nhà như đã đăng ký đầu mùa. Nhóm hai gồm 4 CLB là SLNA, HAGL, Quảng Nam, SHB Đà Nẵng lựa chọn sân nhà theo nhóm các đội thuộc nhóm một lần lượt theo thứ tự là: Thanh Hóa, Thiên Trường, Lạch Tray, và Cẩm Phả. Bốn đội còn lại sử dụng sân trung lập làm sân nhà gồm: Hà Tĩnh, Bình Dương (sân PVF), CLB TP. HCM, Sài Gòn FC (Mỹ Đình).

Phương án V-League thi đấu này theo VPF có ưu điểm đáp ứng tiêu chí sân nhà - sân đối phương, có quãng nghỉ phù hợp để cầu thủ đảm bảo thể lực, giảm tải lịch thi đấu giai đoạn 2, tránh trường hợp giải kết thúc muộn. Kế hoạch này cũng sẽ đảm bảo tới kế hoạch của các đội tuyển quốc gia ổn định, tập trung cho vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020.

Về kinh phí, các CLB có thể tiết kiệm chi phí di chuyển máy bay, chia sẻ được chi phí triển khai hệ thống bảng quảng cáo. VPF sẽ tổng hợp chi phí tổ chức các trận đấu và tính toán phù hợp để thống nhất với các CLB. Quan trọng hơn, kế hoạch này sẽ hạn chế rủi ro lây lan dịch cúm Covid-19. Theo VPF, mỗi trận đấu diễn ra trong 2 giờ, sẽ chỉ gồm 100-120 người, đã được xác định danh tính.

Theo lãnh đạo VPF, sau khi lấy ý kiến của 14 CLB tham dự V-League, VPF cũng sẽ tiến hành cuộc họp trực tuyến để trao đổi với đại diện các CLB về phương án tổ chức theo diện tập trung của lượt đi V-League (trong trường hợp dịch Covid-19 chưa thể chấm dứt và giải được phép tổ chức trong điều kiện không khán giả), bao gồm những thuận lợi, hạn chế, phương án di chuyển, kinh phí xoay quanh việc thuê sân, làm bảng quảng cáo…

Tranh cãi quanh phương án tổ chức V-League - 1

Một số trận đấu V-League diễn ra khi trên khán đài không khán giả.

Tranh cãi nảy sinh

Trước tình hình dịch Covid-19, nhiều địa phương đã khuyến cáo những cuộc hội tụ không quá 100 người đi kèm giải pháp y tế chặt chẽ để phòng ngừa lây nhiễm. Đấy chính là vấn đề khiến các trận đấu V-League đã và không thể diễn ra, dù ban tổ chức các sân đã đóng kín cửa không cho khán giả vào xem. Hạn chế của kế hoạch thi đấu tập trung là mật độ thi đấu khá dày có thể ảnh hưởng tới chất lượng mặt sân. Việc đá trên sân không có sự cổ vũ của khán giả chắc chắn không gây hứng thú, như cái cách nhiều HLV cho rằng nếu không có người xem thì đừng nên tổ chức nữa.

Bên cạnh đó, khả năng V-League khởi tranh ở một địa điểm cũng rất khó, vì mỗi trận đấu tính tổng số lượng cầu thủ, ban tổ chức, nhân viên hậu cần, phục vụ, quan chức,… đã vượt quá con số 100 rồi. Trước việc V-League đang tính toán những phương án để tổ chức thì cũng đã có không ít những ý kiến trái chiều khi cho rằng những giải thể thao lớn trên thế giới như F1, EURO, Olympic... còn phải hoãn nữa là? Trong quá trình giải chỉ cần một thành viên dính dịch thì BTC sẽ bị xử lý ở mức nào?

Trong khi đó, Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp người đã từng lên tiếng đề xuất bỏ V-League 2020, chờ sang năm 2021 hết dịch để tiếp tục thi đấu cũng lên tiếng phản đối phương án tập trung cách ly đá V-League 2020 trong đại dịch Covid-19. “Chờ chủ trương, quyết định cho các hoạt động văn hóa thể thao trở lại bình thường từ Chính phủ là điều mà nhiều lãnh đội đang muốn khi được hỏi về việc tiếp tục tổ chức V-League lúc này. “Chúng ta phải chờ chủ trương của Chính phủ, từ Bộ Y tế. Khi các cơ quan chức năng đánh giá tình hình dịch Covid-19 ổn thỏa thì hãy tiếp tục thi đấu” – ông Húp nói.

Những băn khoăn trên cũng đã được Chủ tịch VPF Trần Anh Tú đã khẳng định giải sẽ chỉ được tổ chức khi Nhà nước cho phép. “Trong công văn gửi CLB, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng tùy tình hình của dịch, khi nào Nhà nước cho phép thì V.League mới tổ chức. Nếu dịch chấm dứt hoàn toàn, khán giả có thể đến sân thì V-League tổ chức như bình thường, không có gì để nói. Còn trong trường hợp dịch chưa chấm dứt hẳn nhưng được kiểm soát, Nhà nước cho phép có thể tổ chức các trận trong điều kiện không khán giả như vòng 1, 2 trước đó thì chúng ta phải tính đến một phương án phù hợp, ví dụ như việc tổ chức V-League theo diện tập trung”.

Theo nhiều chuyên gia bóng đá thì nếu V-League cứ nằm trong tình trạng hoãn như hiện tại, các đội sẽ thiệt hại lớn. Chính bởi vậy tất thảy đều muốn giải đấu tiếp tục được diễn ra nhưng theo họ muốn vẫn phải chờ một thời gian nữa cho tình hình dịch bớt căng thẳng. Cùng với đó, tùy theo diễn biến của tình hình dịch bệnh nên chia giải theo khu vực Bắc, Trung, Nam để thi đấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh cãi quanh phương án tổ chức V-League

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO