Bớt gập ghềnh đường về quê ăn Tết

Lê Bảo-Minh Sang 04/01/2023 07:00

Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng đa số doanh nghiệp đều vẫn nỗ lực thưởng Tết cho công nhân. Đường về quê ăn Tết của người lao động vì thế cũng bớt gập ghềnh.

Cuối năm, người lao động lại mong ngóng thưởng Tết. Ảnh: Quang Vinh.

Sau nhiều ngày thấp thỏm, cuối cùng chị Nguyễn Thị My (công nhân Khu công nghiệp Bá Thiện 1, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã có thể yên tâm về một cái Tết no ấm cho 3 đứa con. Trước đó, chị và nhiều công nhân trong công ty đã phải luân phiên nghỉ việc vì không có đơn hàng.

Bức tranh tiền thưởng Tết

Chị My nói: “Chưa năm nào như năm nay, cuối năm mà nhà máy vắng lặng, công nhân phải nghỉ luân phiên không có việc làm vì công ty không có đơn hàng. Không riêng gì tôi mà mọi người trong công ty ai cũng thấp thỏm lo bị cắt thưởng Tết, nhưng thật may công ty vẫn giữ nguyên mức thưởng như năm ngoái được 1,5 tháng lương (10 triệu đồng). Từ ngày công ty công khai thưởng Tết chúng tôi như trút được nỗi lo. Không có thưởng, việc không có, không biết trông vào đâu”.

Không có được niềm vui như chị My, chị Nguyễn Thị Thắm (công nhân nhà máy Top Vina, khu công nghiệp Bá Thiện 1) cho biết, làm công nhân “thu hoạch” nhất vào dịp Tết được tăng ca và có thưởng nhưng năm nay phải nghỉ việc từ tháng 11. “Cũng may công việc bên công ty chồng vẫn ổn và có thưởng nên đường về quê ăn Tết bớt gập ghềnh”.

Thống kê về tình hình lương thưởng Tết vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) công bố cho thấy, đến cuối tháng 12, mức thưởng bình quân Tết Dương lịch 2023 là 1,24 triệu đồng/người, giảm 9% so với năm ngoái. Thưởng Tết Nguyên đán 2023 bình quân một tháng lương là 6,86 triệu đồng. Doanh nghiệp (DN) nhà nước thưởng 6,5 triệu đồng/người (tăng 15%); DN tư nhân khoảng 6,6 triệu đồng (tăng 10%) và DN FDI dự kiến 7,2 triệu đồng.

Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, do 2 kỳ thưởng Tết gần nhau nên DN có xu hướng chăm lo Tết Nguyên đán hơn cho người lao động (NLĐ). Về sự chênh lệch giữa mức thưởng cao nhất là một tỷ đồng và thấp nhất chỉ 50.000 đồng, Bộ LĐTB&XH cho rằng, thưởng hàng trăm triệu tới một tỷ đồng không phổ biến, chỉ là ghi nhận của DN với đóng góp cho một số cá nhân xuất sắc. Điều cần quan tâm là mức bình quân để thấy được bức tranh thưởng Tết chung.

Nhiều chuyến xe 0 đồng được doanh nghiệp tổ chức cho công nhân và người nhà về quê ăn Tết. Ảnh: Đông Nam.

Ông Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, tổ chức công đoàn cùng với ngành lao động các tỉnh, thành phố sẽ giám sát DN về việc thực hiện chế độ đối với NLĐ; đồng thời sẽ tăng cường tư vấn pháp luật cho NLĐ; hỗ trợ cung cấp thông tin các chính sách, kết nối việc làm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ để có thể chuyển đổi công việc phù hợp.

Doanh nghiệp và người lao động cần được hỗ trợ

Đánh giá về mức lương, thưởng Tết cho NLĐ, giới chuyên gia nhận định, dù vẫn có hàng trăm nghìn NLĐ không có thưởng, song mức thưởng Tết được công bố là sự nỗ lực rất lớn từ DN. Tuy nhiên, về lâu dài cần những giải pháp vĩ mô để giải quyết căn cơ câu chuyện việc làm và lưới an sinh cho NLĐ.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTB&XH), dù Chính phủ đã có những phản ứng kịp thời, nỗ lực phục hồi nhanh thị trường lao động, nhưng vẫn cần có sự điều chỉnh mạnh tay hơn nữa, bởi dự báo thời gian tới sẽ xuất hiện xu hướng cắt giảm tiền lương, cắt giảm việc làm, sụt giảm an sinh, phúc lợi cho đến khi DN phục hồi, nhất là DN xuất khẩu.

Vẫn theo bà Hương, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến NLĐ về cả chiều rộng (việc làm, giờ làm) và chiều sâu (tiền lương, thu nhập và chất lượng cuộc sống). “Sự thật là khả năng chống chịu của NLĐ rất yếu trước các cú sốc, nhưng chính sách lại chưa đến được với tất cả. Cần thực hiện bằng được các chính sách an sinh hỗ trợ NLĐ và DN đã ban hành. Vì vậy, cần có các quy định, yêu cầu gắn với trách nhiệm của DN để đưa vào các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể” - bà Hương nói.

Từ thực tế trên, theo bà Hương, về lâu dài, cần hình thành khu công nghiệp vùng hoặc khu công nghiệp vệ tinh để thu hút lao động tại chỗ, không nhất thiết tập trung ở các thành phố lớn. Vấn đề đặt ra ở đây là các khu công nghiệp này có tồn tại được hay không, phụ thuộc vào việc đảm bảo an sinh cho công nhân như nhà ở, trường học, bởi lẽ, nếu không đáp ứng được những yếu tố này, công nhân sẽ lại quay về các thành phố lớn. Khi đó, nếu gặp một cú sốc tương tự như dịch Covid-19 thì một bộ phận lớn NLĐ lại bị mất việc, giãn việc.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc hỗ trợ trước mắt cho NLĐ trong dịp Tết là cần thiết song cũng phải tính toán, cân nhắc cho phù hợp vì thực tế bên cạnh số lao động mất việc tạm thời thị trường lao động vẫn ghi nhận nhu cầu tuyển dụng khá lớn. Vì vậy, vấn đề tạo việc làm ổn định cho NLĐ sau Tết là việc rất cần quan tâm. Để làm được điều này cần những giải pháp tổng thể bao gồm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đào tạo nguồn lao động, câu chuyện về đầu tư, khu vực đầu tư.

“Chúng ta lâu nay chủ yếu thu hút đầu tư vào một số khu vực tập trung, mà không tính tới thị trường lao động để thu hút đầu tư theo vùng, theo khu vực có lao động. Để giải quyết vấn đề này cần phải triển khai nhiều chính sách khác nữa” - ông Quảng nói.

Trên thực tế, việc thực hiện chăm lo đời sống, đảm bảo mọi NLĐ đều có Tết là vấn đề luôn được Chính phủ ưu tiên, đặt lên hàng đầu. Mới đây, tại Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ NLĐ bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm. Đồng thời tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng theo quy định; thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo ông Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đa phần DN đều nỗ lực đảm bảo lương, thưởng Tết cho NLĐ. Tuy nhiên sau Tết, tình hình quan hệ lao động có thể trở nên cấp bách hơn. Nếu thị trường lao động không kịp hồi phục và xu hướng cắt giảm lao động, kết thúc hợp đồng lao động vẫn tăng lên sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột trong quan hệ lao động.

Phó Cục trưởng cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH Tào Bằng Huy:

Sẽ có nhiều giải pháp cân đối cung cầu lao động

Dự báo tình hình hoạt động của DN trong thời gian tới, cũng như đầu năm 2023 có thể tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lao động bị cắt giảm giờ làm, mất việc có thể kéo sang hết quý I/2023. Trong bối cảnh đó, Bộ LĐTB&XH đã trình Chính phủ Nghị quyết về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, trong đó, sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ về kinh tế - xã hội, nhất là các giải pháp về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị thị trường lao động, kết nối và cân đối cung cầu lao động…

Cục Việc làm sẽ rà soát thường xuyên để nắm chắc tình hình biến động lao động, nhất là việc cắt giảm lao động tại các DN thiếu đơn hàng, giảm giờ làm để có biện pháp kịp thời bảo đảm quyền lợi cho NLĐ; tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm, kết nối cung cầu cho những người mất việc chuyển đổi công việc. Trong quá trình đó, sẽ phải đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo trình độ kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội:

Tăng cường kiểm soát về giá cả

Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội hiện đang quản lý trực tiếp trên 138.000 lao động. Để chăm lo đời sống cho NLĐ ngoài những giải pháp hỗ trợ về chính sách cần tăng cường kiểm soát về giá, không để lạm phát tăng cao. Giá cả hàng thiết yếu tăng ảnh hưởng rất lớn đến đời sống NLĐ nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều NLĐ mất việc làm tạm thời, thu nhập bấp bênh không ổn định. Cần thiết xây dựng nhiều điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Về lâu dài, cần có những chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ để có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề… đáp ứng yêu cầu của DN; tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành như giảm thuế để hỗ trợ DN, cho DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Hiện nay, một số DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa, rất cần sự hỗ trợ để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho NLĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bớt gập ghềnh đường về quê ăn Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO