Bảo vệ cộng đồng trong mùa dịch

H.Vũ 29/03/2020 07:00

Những ngày này, dịch Covid-19 đang ở vào giai đoạn nghiêm trọng nhất, với nhiều nguồn lây nhiễm. Vấn đề cực kỳ quan trọng là phải kiên quyết ngăn chặn không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng. Vì thế, các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ đã được các địa phương áp dụng, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Vấn đề kỷ cương phép nước lại được đặt ra mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay, trong đó có vai trò rất lớn của lãnh đạo địa phương các cấp.

Bảo vệ cộng đồng trong mùa dịch

Thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang khi buộc phải ra đường là để bảo vệ mình, bảo vệ người thân và cũng là để bảo vệ cộng đồng.

Quyết liệt phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra lệnh đóng cửa tất cả hàng quán trên địa bàn đến ngày 5/4 (trừ hàng thiết yếu). Vấn đề kỷ cương phép nước lại được đặt ra mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay, trong đó có vai trò rất lớn của lãnh đạo địa phương các cấp.

Xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã đề nghị các sở, ngành nghiên cứu quy định xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng. Theo đó, ông Phong đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu quy định về xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng. “Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, ngoài việc hạn chế tụ tập đông, người dân cần sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng. Vì sự an toàn sức khỏe cho cộng đồng, những biện pháp răn đe là cần thiết”- ông Phong cho hay.

Trước vấn đề trên, nói với chúng tôi, ông Phạm Văn Hòa- Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nên áp dụng xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người dân không chấp hành đeo khẩu trang tại nơi công cộng vì hiện nay dịch bệnh Covid-19 đã ở mức đại dịch. “Đã là đại dịch sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của con người, xâm phạm và hại đến con người. Vì có thể anh bị bệnh nhưng không đeo khẩu trang thì có thể làm lây lan sang người khác, dẫn đến tử vong. Cho nên bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng và không chấp hành thực hiện thì các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại, thanh tra y tế phải xử lý nghiêm”- ông Hòa bày tỏ.

Theo ông Hòa, trước tiên phải giáo dục nhưng giáo dục không được thì phải phạt tiền. Cần xử lý vài vụ hoặc nhiều vụ để từ đó làm gương, sau đó các cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền nêu lên cho người dân hiểu và chấp hành, thực hiện nghiêm túc. Chưa kể nếu bản thân anh có bệnh mà không đeo khẩu trang, làm lây lan người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thế người dân cần thực hiện những biện pháp mà Chính phủ đề ra, không làm lây lan bệnh cho người khác.

“Số người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng chiếm tỷ lệ không phải là nhiều. Việc người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng trước hết là ý thức của người dân, và người dân phải tự giác chấp hành trong lúc đang đại dịch. Những cơ quan chức năng như cảnh sát khu vực, bảo vệ khu phố khi gặp người dân không đeo khẩu trang nơi công cộng phải động viên và nhắc nhở. Bên cạnh đó, cán bộ Mặt trận, các đoàn thể tại cơ sở cần tích cực nhắc nhở tới từng hộ gia đình ở khu dân cư. Nếu đã nhắc nhở mà không chấp hành thì phải xử phạt để làm gương, nghiêm túc trong tổ chức thực hiện”- ông Hòa nói.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Quách Thành Lực- Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho rằng, theo Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 trong đó quy định nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Theo ông Lực, Thủ tướng, Bộ Y tế đã có thông báo, yêu cầu, khuyến nghị cá nhân phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Đây được xác định là yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan y tế. Các cơ quan phòng chống dịch đã xác định 4 nguồn lây nhiễm Covid-19, trong đó có người tiếp xúc gần với bệnh nhân, lây nhiễm chéo, công dân từ nước ngoài về và từ châu Âu tới. Vì vậy, nhiều người có thể có nguy cơ mắc bệnh. Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng theo điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đeo khẩu trang thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã, thanh tra y tế theo quy định tại điều 89, 90 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.

“Ngoài ra, người bị dịch bệnh, không đeo khẩu trang mà làm lây lan SARS-CoV-2 còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo tôi với tinh thần “chống dịch như chống giặc” từng thành viên trong xã hội cần chủ động nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác trong việc thực hiện các yêu cầu, khuyến nghị chống dịch. Việc đeo khẩu trang là một biểu hiện văn minh của một người có trách nhiệm với sức khỏe bản thân và sự an toàn của người xung quanh”- ông Lực cho hay.

Bảo vệ cộng đồng trong mùa dịch - 1

Bệnh viện Bạch Mai, nơi có 4 ca dương tính với SARS-CoV-2 được bảo vệ chặt chẽ. Ảnh chụp sáng 28/3/2020. Ảnh: Quang Vinh.

Trách nhiệm người đứng đầu

Không chỉ vấn đề đeo khẩu trang nơi công cộng mà để ngăn chặn vấn đề lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ngay từ tối 25/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ra lệnh đóng cửa tất cả hàng quán trên địa bàn đến ngày 5/4, trừ hàng thiết yếu. Song điều đáng nói, tuy đã được phổ biến từ trước, nhưng nhiều cơ sở vẫn bất chấp, mở cửa hoạt động. Trước vấn đề này, theo ông Phạm Văn Hòa, khi Chủ tịch UBND TP đã có lệnh cấm; và tại nhiều Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, trong đó đã quy trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố được phép xử phạt. Khi người dân không chấp hành thì phải xử phạt theo quy định của nghị định xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Hòa cũng cho rằng, trước tiên các cơ quan chức năng, UBND phường, tổ dân phố cần đến động viên, nhắc nhở. Nếu họ không chấp hành sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính. Các cá nhân, tổ chức không chấp hành phải bị xử lý theo quy định. “Cần nâng cao nhận thức của mỗi con người để người dân nhận thức được ý thức trách nhiệm công dân của mình. Nhưng để làm được việc đó cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, cơ quan chính quyền sở tại. Trong hệ thống chính trị, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể cần vào cuộc quyết liệt để động viên, thuyết phục người dân. Tôi xin nhấn mạnh rằng, thời điểm này MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị có vai trò rất quan trọng trong việc động viên, thuyết phục, tuyên truyền cho người dân hiểu và thông suốt khi đại dịch Covid-19 đang gây nguy hại cho bản thân, gia đình, và cả cộng đồng. Do đó mọi người cần nâng cao ý thức chấp hành, đặc biệt tuân theo các chỉ thị, chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước”- ông Hòa nói.

Còn Luật gia Đặng Quang Thắng- Hội Luật gia Việt Nam cũng cho rằng, pháp luật có hai ý nghĩa quan trọng là giáo dục tuyên truyền, và nghiêm trị những ai ngoan cố. Nếu đã nhắc nhở mà vẫn cố tình vi phạm thì phải xử lý. Trong bối cảnh đại dịch thì xử phạt cũng là một trong những “tiếng chuông cảnh tỉnh”, lời nhắc “nặng”, “có cân, có lạng”. Do đó mỗi người dân phải vì cộng động, vì cái chung. Nếu cố tình chống đối thì phải có chế tài vì cực chẳng đã mới dùng biện pháp để xử lý. “Mỗi cá nhân có ý thức phòng dịch thì chắc chắn dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi”, ông Thắng nói.

Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc lây nhiễm Covid-19 đang gia tăng, xuất hiện tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, có trường hợp nhiễm tại cộng đồng nhưng chưa được phát hiện. Do đó cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp cần tăng tốc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Chúng ta có 2 tuần để hành động và virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng chống kịp thời, quyết liệt. Sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người- Thủ tướng nhấn mạnh.

Phải cưỡng chế việc ra đường không đeo khẩu trang

Chiều 26/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP có chỉ thị buộc mọi người dân TP khi ra đường phải đeo khẩu trang. Ông Nhân cho rằng, việc người dân không có thói quen đeo khẩu trang, và chậm hạn chế việc đi lại là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh Covid lây lan nhanh tại các nước châu Âu. Theo ông Nhân, lâu nay, ở các nước này người dân không có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường, nếu đeo sẽ dễ bị dị nghị. Người bệnh nặng mới đeo khẩu trang. Văn hóa của Việt Nam không có chuyện dị nghị người đeo khẩu trang nên việc yêu cầu người dân đi ngoài đường đeo khẩu trang dễ dàng hơn. Trên cơ sở đó, người dân ra đường bắt buộc phải đeo khẩu trang. Người nào không đeo thì lập biên bản xử phạt nghiêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ cộng đồng trong mùa dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO