Giảm nghèo bền vững: Bứt phá từ nội lực - Bài 1: Khi Nhà nước và nhân dân cùng làm

Lê Bảo 13/08/2019 07:52

Những tuyến đường gồ ghề, lầy lội từng bước được cứng hóa bằng bê tông. Những thửa ruộng một vụ bạc màu giờ xanh mướt những giàn dưa, bí. Đây là những thành quả của sự đổi thay về nếp nghĩ, cách làm của người dân các xã vùng 135 huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bằng chính nội lực của mình trên mảnh đất quê hương.

Giảm nghèo bền vững: Bứt phá từ nội lực - Bài 1: Khi Nhà nước và nhân dân cùng làm

Từ lớp học may nhiều người dân xã Lạc Lương đã có mức thu nhập ổn định.

Bắt đầu từ những buổi tập huấn

Giảm nghèo bền vững đối với các xã 135 luôn rất khó khăn. Xã Lạc Lương (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) cũng không phải là ngoại lệ, đặc biệt khi chủ trương xóa đói giảm nghèo chuyển sang tiêu chí nghèo đa chiều. Song với chủ trương thoát nghèo bằng chính động lực, từ năm 2018 việc hỗ trợ giảm nghèo đã chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, hỗ trợ bằng con giống, vật nuôi và hỗ trợ kỹ thuật.

Sau quá trình khảo sát cho thấy nuôi ong lấy mật là mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao lại phù hợp với người dân, Dự án chăn nuôi ong lấy mật chính thức được triển khai tại xã Lạc Lương. Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” từ nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất và duy tu bảo dưỡng thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2018, UBND xã đã hỗ trợ một phần cho các hộ dân nghèo tham gia vào dự án. Tuy nhiên để được nhận hỗ trợ một phần nguồn vốn, người dân phải kí cam kết tham gia học đầy đủ các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức chăn nuôi ong cũng như cách thức lấy mật và gây đàn.

Nhờ sự quyết tâm, kiên định của UBND xã cùng sự phối hợp từ Phòng Nông nghiệp huyện, chỉ sau 1 năm triển khai dự án nuôi ong lấy mật tại Lạc Lương đã đem lại những kết quả đáng mừng. Trước đây gia đình ông Bùi Văn Lư, xóm Yên Tân đã nuôi ong nhưng vì nuôi nhỏ lẻ, lại không có kĩ thuật nên việc nuôi ong cũng chỉ đủ bán đổi dăm cân gạo. Nhưng từ khi tham gia vào dự án, kí cam kết tham gia học đầy đủ các lớp tập huấn gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo trở thành “ông trùm” về ong. Sở dĩ người trong xóm gọi ông là “ông trùm” vì hiện nay gia đình ông sở hữu hơn 100 đàn ong, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 1.000 đến 1.200 lít mật ong. Nhờ đó nguồn thu từ nuôi ong không chỉ giúp gia đình ông no ấm mà còn xây được ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi và chiếc xe hơi trị giá hơn 600 triệu đồng.

Không chỉ gia đình ông Bùi Văn Lư, đến nay xã Lạc Lương có hàng chục hộ dân thoát nghèo nhờ nuôi ong. Đáng ghi nhận thông qua dự án người dân đã chuyển đổi sản xuất, liên kết thành lập HTX để mở rộng chăn nuôi với quy mô nuôi lớn hơn. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 62% xuống còn 40% trong năm 2018.

Chia sẻ về thành công mô hình nuôi ong lấy mật, ông Quách Tất Vở- Giám đốc HTX Yên Tân, xã Lạc Lương thẳng thắn cho biết: Lâu nay bà con chúng tôi vẫn nhận hỗ trợ và chăn nuôi sản xuất theo cảm tính. Cán bộ khuyến nông có mở lớp dạy cũng không tham gia vì bà con “ngại” học nhưng khi đã là bắt buộc thì mọi người đều phải đi. Tuy nhiên khi tham gia 1, 2 buổi thấy được giá trị của kiến thức trong chăn nuôi, sản xuất bà con rất thích và về áp dụng. Nhờ đó từ 2 thùng giống ong dự án cấp chỉ sau thời gian ngắn các hộ dân đã nhân giống được hàng chục thùng giống. Có kĩ thuật nên việc ép mật cũng có năng suất cao hơn. Có thu nhập cao bà con rất phấn khởi và ham học hơn.

Linh hoạt các phương thức hỗ trợ

Từ minh chứng trên có thể khẳng định nghề nuôi ong lấy mật được xem là hướng đi bền vững cho công tác giảm nghèo nhất là với những xã vùng 135. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, mô hình này chỉ được UBND huyện Yên Thủy áp dụng đối với xã Lạc Lương.

Trước những thắc mắc của chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Bùi Huyên cho biết: Đúng là nghề nuôi ong lấy mật cho giá trị kinh tế cao nhưng đầu ra cho sản phẩm không ổn định, phụ thuộc lớn vào thương lái. “Chúng tôi đã có rất nhiều bài học “đau xót” vì trồng đại trà, sản phẩm làm ra rớt giá không bán được. Với những người nghèo, chỉ một vụ như thế là quay về con số không. Chính vì vậy trong quá trình hỗ trợ vốn, chúng tôi phải có những khảo sát để quy hoạch sản xuất có thể hạn chế thấp nhất rủi ro cho người dân”- Phó Chủ tịch Bùi Huyên nhấn mạnh.

Chính vì vậy dù cũng là xã vùng 135 nhưng Đa Phúc lại được chọn hướng hỗ trợ là dạy nghề và tặng bò sinh sản. Lý giải cho hướng hỗ trợ này, Phó Chủ tịch huyện Bùi Huyên cho biết, Đa Phúc có lợi thế hơn là nằm gần với Trung tâm huyện, nơi tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp tư nhân. Đặc biệt gần đây các doanh nghiệp may tư nhân khá nhiều chính vì vậy chúng tôi đã chọn nghề may là chủ đạo. Để khuyến khích người dân đi học nghề may, các lớp may được mở tại xóm và học vào những giờ trưa, tối và hoàn toàn miễn phí. Chỉ sau một tháng học người dân có thể đi làm thành thạo các công đoạn với mức thu nhập từ 5 đến 6,5 triệu ngay tại Trung tâm huyện. Với hiệu quả đem lại từ khi mở lớp đến nay trung bình mỗi khóa đều thu hút hơn 100 học viên.

Có mặt tại lớp học may, chị Bùi Thị Hiện (xóm Bèo, xã Đa Phúc) chia sẻ: Nhìn chị em trong xóm đi làm may gần nhà mà thu nhập mỗi tháng được 6 triệu đồng, tôi thích lắm nhưng không được đi vì không có tay nghề. Giờ được huyện mở lớp là đi học ngay, còn 5 buổi nữa mới học xong nhưng công ty lên kiểm tra tay nghề đã “chấm” rồi. “Tôi tính rồi mỗi tháng đi làm được 6 triệu đồng rồi chồng đi làm thuê, nguồn thu từ vườn tược nữa cuối năm sẽ trả được cho bác trưởng xóm cái sổ hộ nghèo”- chị Hiện hóm hỉnh nói.

Với những hộ nghèo, cận nghèo quá tuổi không hợp với nghề may thì việc hỗ trợ được thực hiện bằng phương thức hỗ trợ vật nuôi và con giống cây trồng. Trong đó nổi lên là hình thức “Một cần câu, ba hộ no ấm”. Chia sẻ về mô hình này ông Bùi Văn Quỵnh- Trưởng xóm Bèo cho biết: Trong xã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo là những người cao tuổi, bệnh tật chính vì vậy, UBND huyện đã lên phương án hỗ trợ bò sinh sản cho ba hộ cận nghèo. Tức là ba hộ cận nghèo sẽ cùng kí cam kết chăn nuôi bò giống, khi sinh sản thì chuyển cho hộ sau. Phương thức hỗ trợ này tuy dài hạn nhưng sau 5 năm nhận hỗ trợ từ nguồn vốn mua một con bê (giá trị từ 10-15 triệu đồng) đã nhân lên được thành 3 con bò sinh sản. Với phương thức hỗ trợ này hàng chục hộ dân đã có bò sinh sản từ đó tạo đà xóa đói giảm nghèo.

Bằng những phương thức hỗ trợ linh hoạt đến cuối năm 2018 bình quân thu nhập đầu người toàn huyện Yên Thủy đạt 20,5 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 29,57%.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm nghèo bền vững: Bứt phá từ nội lực - Bài 1: Khi Nhà nước và nhân dân cùng làm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO