Khơi dậy sự sáng tạo trong dân

Tiến Đạt 31/08/2019 12:09

Sáng 31/8, tại TP Lạng Sơn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia vận động, giám sát xây dựng nông thôn mới và thực hiện phong trào Đoàn kết sáng tạo”. Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì tọa đàm.

Khơi dậy sự sáng tạo trong dân

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh phát biểu tại tọa đàm.

Tính đến nay, cả nước có 4606/8902 (trên 51%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, 89 huyện, thành phố, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới hoặc đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, với số lượng xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, chúng ta đã về đích sớm so với mục tiêu đặt ra, đáp ứng được sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên, thách thức đặt ra trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới thời gian tới là những địa bàn rất khó khăn để đạt chuẩn.

Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn, từ những ý kiến đóng góp tại tọa đàm, MTTQ các tỉnh, thành phố cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng của những xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời xây dựng các xã, huyện còn lại sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đối với phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, đây là hoạt động rất thiết thực nhằm khơi dậy sự sáng tạo trong cộng đồng dân cư, trong mọi tầng lớp nhân dân, từ đó từng suy nghĩ, việc làm của mỗi người sẽ góp phần không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả trong quá trình công tác.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Giàng Thị Hương, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Sơn La cho biết, toàn tỉnh Sơn La đã có 26 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. MTTQ các cấp tỉnh Sơn La xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, MTTQ tỉnh Sơn La sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác MTTQ trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Khơi dậy sự sáng tạo trong dân - 1

Quang cảnh Tọa đàm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Mười, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, đến nay huyện Lạng Giang đã có 21/21 (100%) xã được công nhận xã nông thôn mới, Huyện đang tập trung phấn đấu về đích huyện nông thôn mới vào cuối năm 2019.

Trong thời gian tới, MTTQ huyện Lạng Giang sẽ tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò chủ thể của người dân gắn với thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo cho người dân tham gia từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên, xác định việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, giữ vững và phấn đấu xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu càng khó khăn hơn. Tại các địa phương, công tác phối hợp giữa MTTQ và UBND cấp xã trong việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn cũng như xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai ở các xóm, tổ dân phố đã và đang được quan tâm, đẩy mạnh.

Trong thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới đến người dân, từng hộ gia đình; đặc biệt ở mỗi địa phương, MTTQ sẽ lựa chọn những nội dung trọng tâm, điểm nhấn để thực hiện có hiệu quả các tiêu chí phù hợp với tình hình cụ thể, góp phần nâng cao tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Đặng Thị Duyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng, từ năm 2015 đến nay, MTTQ các cấp tỉnh Cao Bằng đã vận động nhân dân ủng hộ Quỹ “Xây dựng nông thôn mới” được trên 27 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ cuộc vận động được đã hỗ trợ cho 15 xã mua trang thiết bị nhà văn hóa, di rời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hiến trên 629.044m 2 đất; góp 704.691 ngày công lao động, trên 235 tấn xi măng, hàng ngàn m 3 cát, đá, sỏi...xây được 345,5 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa 1.650 km kênh mương nội đồng..., từ đó góp phần phát triển kinh tế, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Khơi dậy sự sáng tạo trong dân - 2

Trưởng ban Phong trào UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Văn Sinh khảo sát mô hình nông thôn mới tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Trần Văn Sinh, Trưởng ban Phong trào UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định, kết quả xây dựng nông thôn mới đang từng bước là cơ hội làm thay đổi diện mạo, tạo nên sức sống mới cho nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân ở các địa phương.

Ông Sinh đề nghị MTTQ các tỉnh, thành phố cần thay đổi phương thức vận động, tuyên truyền để nhân dân tiếp tục hưởng ứng xây dựng nông thôn mới; đồng thời cần đẩy mạnh công tác giám sát, lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân.

Trước đó, chiều 30/8, Trưởng ban Phong trào UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Văn Sinh cùng đoàn đại biểu MTTQ các tỉnh, thành phố đã đến thăm mô hình “na trái vụ” và “bưởi Chi Lăng” tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Toàn huyện Chi Lăng có tới 1800 ha trồng na trái vụ và hơn 500 ha trồng bưởi. Với việc áp dụng công nghệ mới vào trồng trọt, canh tác, một cây na có thể thu hoạch 2 vụ/năm và một cây bưởi có thể cho ra năng suất cao với trung bình 150 quả/cây. Thành công này đã góp phần cải thiện đời sống của bà con nhân dân trong vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh Lạng Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khơi dậy sự sáng tạo trong dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO