Nỗ lực giảm nghèo bền vững

T.Giang 23/05/2019 07:30

Bà Võ Thị Dung – Phó Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng, thành phố luôn tiên phong trong việc nâng chuẩn nghèo theo từng giai đoạn. Theo đó, chuẩn nghèo thành phố luôn cao hơn chuẩn nghèo quốc gia khoảng 2 – 2,5 lần. Đặc biệt, thành phố đang là địa phương duy nhất cả nước áp dụng 1 mức chuẩn chung, không phân biệt thành thị và nông thôn ngoại thành.

Ngày 22/5, UBND TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2016 - 2018) thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2020. UBND TP HCM cho biết, đầu năm 2016, thành phố đã khảo sát đưa vào danh sách 115.244 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,77% tổng số hộ dân của thành phố. Trong đó, có 67.090 hộ nghèo và 48.154 hộ cận nghèo. Qua 3 năm thực hiện chính sách tác động và hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016 – 2020 thành phố có gần 61.000 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo, 58.703 hộ cận nghèo vượt chuẩn. Tính đến 31/12/2018, thành phố còn lại 3.767 hộ nghèo và 22.882 hộ cận nghèo.

TP HCM có những điều chỉnh chuẩn nghèo theo hướng nâng tiêu chí thu nhập và giữ nguyên tiêu chí đa chiều (5 chiều thiếu hụt xã hội cơ bản) đã tạo điều kiện và cơ hội cho hàng ngàn người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội…Để hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vượt chuẩn TP HCM thực hiện nhiều chính sách về tín dụng. Đơn cử, quỹ xóa đói giảm nghèo; quỹ quốc gia về việc làm và nguồn vốn vay giải quyết việc làm thành phố; quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để làm dự án đầu tư,…

Bên cạnh chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi để hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, thành phố còn có chính sách hỗ trợ lãi vay nhằm khuyến khích các dự án xây dựng, mở rộng, phát triển sản xuất chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị nhằm nâng cao thu nhập. Qua đó, nhiều địa phương đã tập trung phát triển, nhân rộng nhiều mô hình như mô hình tổ hợp tác trồng rau sạch tại xã Nhuận Đức (Củ Chi); mô hình tổ hợp tác gia công các mặt hàng truyền thống của cộng đồng dân tộc Chăm (Phú Nhuận)… Nhìn chung các mô hình kinh tế trên mang lại kết quả cụ thể cho chương trình giảm nghèo bền vững tại các địa phương trên địa bàn thành phố. Ngoài chính sách hỗ trợ về vốn, TP.HCM còn tập trung đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, xây dựng nhà tình thương,… cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố.

Bà Võ Thị Dung cho rằng, thành phố luôn tiên phong trong việc nâng chuẩn nghèo theo từng giai đoạn. Theo đó, chuẩn nghèo thành phố luôn cao hơn chuẩn nghèo quốc gia khoảng 2 – 2,5 lần. Đặc biệt, hiện nay thành phố đang là địa phương duy nhất cả nước áp dụng 1 mức chuẩn chung, không phân biệt thành thị và nông thôn ngoại thành. Việc quyết định 1 mức chuẩn chung thể hiện quan điểm chỉ đạo đúng đắn đảm bảo an sinh xã hội nhằm rút ngắn khoảng cách về mức sống của người dân, đồng thời xác định trách nhiệm của địa phương.

Để chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố thực hiện tốt so với kế hoạch 2 năm còn lại của giai đoạn 2016 – 2020, bà Võ Thị Dung yêu cầu, tập trung thực hiện chính sách và giải pháp hỗ trợ vay vốn ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm để nâng cao cuộc sống. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động “Vì người nghèo”…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực giảm nghèo bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO