Các lãnh tụ Cách mạng Nga Xô viết trong buổi đầu lập quốc: Chống lại lòng tham vật chất

Nguyễn Trung Tín 25/01/2018 19:15

Điều nguy hiểm nhất đối với một chính đảng cầm quyền không phải là những kẻ thù tư tưởng, mà chính là “giặc nội xâm”, những người cùng đội ngũ nhưng bị tha hóa bởi lòng tham hưởng lạc và thói xu thời để tham nhũng quyền lực. Điều này đã được những người cộng sản Xôviết hiểu ra ngay sau Cách mạng tháng Mười vĩ đại.

Các lãnh tụ Cách mạng Nga Xô viết trong buổi đầu lập quốc: Chống lại lòng tham vật chất

Stalin và các nhà lãnh đạo Xô viết cùng thời.

Giản dị nhất mực

Ngay từ năm 1921, một trong những nhà lãnh đạo nổi bật của đảng Bolshevik là Leonid Kresin (1870-1926) tại hội nghị ban chấp hành trung ương đã tuyên bố thẳng thắn bằng những số liệu: “Nguồn gốc mọi tai họa và những sự khó chịu mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay chính là việc đảng cộng sản bây giờ đang hình thành từ mười phần trăm những người kiên định lý tưởng hóa, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng của mình, và 90 phần trăm những kẻ xu thời vô sỉ gia nhập đảng chỉ để kiếm quyền chức”. Còn Lenin trong tác phẩm nổi tiếng khi đó của mình “Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong chủ nghĩa cộng sản” đã viết: “Chúng tôi lo ngại cho sự mở rộng thái quá đội ngũ của đảng vì chắc chắn một chính đảng cầm quyền sẽ bị hút về những kẻ xu thời và những kẻ khốn nạn lẽ ra chỉ đáng đem ra xử bắn”. Lenin đã là một người mácxít nhiệt thành, người không cần bất cứ thứ gì ngoài chiến thắng của giai cấp vô sản. Lenin hoàn toàn dửng dưng trước đồ ăn, trang phục và những trò giải trí. Tính cách của Người có thể được thấy rất rõ qua những dòng thư sau:

“Ngày 23/5/1918. Gửi Chánh văn phòng Hội đồng Dân ủy, Vladimir Dmitrievich Bonts -Bruevich. Vì việc đồng chí đã không thực hiện yêu cầu tha thiết của tôi chỉ ra cơ sở cho tôi biết lý do để tăng lương bắt đầu từ ngày 1/3/1918 từ mức 500 lên 800 rub một tháng và vì sự phi pháp công khai của việc tăng lương này mà đồng chí đã tự ý cùng phối hợp với Thư ký Xôviết Nikolai Petrovich Gorbunov, vi phạm trực tiếp quyết định của Hội đồng Dân ủy ngày 23/11/1917, tôi tuyên bố cảnh cáo nghiêm khắc đồng chí.

Chủ tịch Hội đồng Dân ủy V.Ulianov (Lenin)”

Stalin cũng đã giống như Lenin nhưng tính lý tưởng tuyệt đối của ông không chỉ đối với chủ nghĩa Marx mà chuyển tới cụ thể đối với nhân dân Xôviết. Stalin không phải là người sống khắc kỷ nhưng ông không cần bất cứ một sự dư thừa nào. Trong suốt một thời gian dài, ông cùng gia đình đã sinh hoạt rất tùng tiệm và vợ lắm khi còn không đủ tiền để duy trì một mức sống như thế. Gia đình đã không có đầu bếp riêng. Sau khi bà Nadezhda Alliluieva qua đời và người dọn nhà nhận cả nhiệm vụ nấu ăn thì bữa trưa của Stalin thường chỉ có súp chua, cháo với thịt hầm và cốc nước quả. Hoặc là ông ăn trưa bằng khẩu phần lấy từ bếp ăn của trung đoàn vệ binh canh gác Điện Kremli. Những tài liệu còn được lưu giữ lại cho thấy, các con của ông đã mừng vui khi nhận được những giỏ hoa quả mà cha gửi về Moskva mỗi khi ông đi nghỉ an dưỡng ở vùng Cápcadơ.

Nhà văn Pháp Henry Barbuse đã mô tả nếp sinh hoạt của Stalin trong những năm ba mươi của thế kỷ trước như sau:

"Ở đây trong Điện Kremli, trông giống như một triển lãm các nhà thờ và lâu đài, dưới chân một lâu đài như thế có một ngôi nhà nhỏ ba tầng. Ngôi nhà nhỏ này (bạn sẽ không phát hiện ra nó nếu người ta không chỉ cho bạn) trước đây là nơi ở của nô tì phục vụ Sa hoàng.

Chúng ta theo cầu thang lên gác. Trên khung cửa sổ là những tấm mành che từ vải lanh màu trắng. Đó là ba ô cửa sổ trong căn hộ của Stalin. Trong phòng trước nhỏ xíu đập ngay vào mắt là cái áo choàng quân nhân dài, trên đó có treo cái mũ Hồng quân. Ba phòng ngủ và phòng ăn được bày biện như trong một khách sạn lịch sự nhưng giản dị. (Trong quyết định của Hội đồng Dân ủy ngày 1/12/1917, Lenin đã ra định mức đối với các Dân ủy, "căn hộ không được có nhiều hơn một phòng cho một thành viên trong gia đình") phòng ăn có hình ô van; bữa trưa dọn ở đây được lấy từ nhà ăn tập thể của Điện Kremli hoặc do bà nấu bếp chuẩn bị. Ở những nước tư bản thì căn hộ và thực đơn như thế hẳn không thể làm vừa lòng ngay cả một công chức bậc trung. Trong phòng có cậu con nhỏ đang chơi. Cậu cả Yasha đang ngủ trong phòng ăn - cậu ta được trải nệm ngay trên đi văng. Cậu út ngủ trong phòng xép nhỏ xíu. Dùng xong bữa, người đàn ông ngồi vào ghế bành cạnh cửa sổ hút tẩu. Ông luôn luôn mặc theo một kiểu. Quân phục? - cũng không hẳn như thế. Đó là bộ trang phục gần giống y phục của quân nhân, nhưng đơn giản hơn cả đồ dành cho lính trơn: áo khoác cài kín cổ và cái quần màu bảo vệ rộng ở thắt lưng, hẹp ở đầu gối cùng đôi ủng. Để gây ấn tượng ư? Không, không bao giờ anh thấy ông ấy mặc khác đi cả - chỉ về mùa hè thì ông ấy mới mặc bộ comlê may từ vải lanh mà thôi. Mỗi tháng ông ấy nhận lương khoảng vài trăm rub, mức tối thiểu cho một cán bộ đảng (khoảng nghìn rưởi hai nghìn quan tính theo tiền Pháp).”

Theo hồi ức của đội trưởng đội bảo vệ Stalin năm 1927, trang trại của ông không có cả tiện nghi lẫn những người phục vụ (Stalin đã ra một thông tư về việc trang trại của các cán bộ đảng không được có nhiều hơn 3-4 phòng. Mặc dầu thế, những người gọi là “nạn nhân của chủ nghĩa Stalin” như Rudzutak, Rozengolts, Mezhlauk, Karakhan, Yagoda... tới lúc mà họ bị bắt cũng đã kịp xây cho mình những cung điện có tới 15-20 phòng và họ cùng tới đó ở trong những ngày nghỉ với các loại bánh kẹp chuẩn bị sẵn từ nhà).

Theo dòng thời gian, sinh hoạt của Stalin dần dà được cải thiện, chủ yếu do nhu cầu phải tiếp khách nước ngoài, nhưng sự dửng dưng của ông đối với tiện nghi vẫn nguyên như cũ: ông gần như không có vật dụng cá nhân, thậm chí không có thêm một đôi giày hay một bộ quần áo dự trữ nào khác những gì đang dùng. (Đại tá N. Zakharov năm 1953 là trưởng ban bảo vệ chính phủ và ghi lại tài sản của Stalin còn lại sau khi ông qua đời. Nửa thế kỷ sau đó, Zakharov đã nhớ lại với sự kinh ngạc: “Khi tôi mở tủ quần áo của Stalin ra thì tôi mới nhận ra rằng tôi còn giàu có hơn ông. Hai áo khoác, một áo choàng, đôi ủng, hai đôi giày bông valenki – tất cả đều mới tinh, chưa được sử dụng lần nào! Và chỉ có thế thôi!)

Vyacheslav Molorov, người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền Xôviết nhiều thập niên sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, khi trao đổi với nhà văn Feliks Chuev cũng đã tiết lộ nhiều chi tiết thú vị về cuộc sống vật chất của những nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc gia Xôviết thế hệ Stalin:

“Chuev: Các ông ngày xưa nhận lương hay là được nhà nước bao cấp hoàn toàn?

Molotov: Nhận lương.

- Bao nhiêu?

-Tôi không rõ. Tôi không bao giờ để ý là mình được nhận bao nhiêu tiền lương. Thực là là vô hạn. Theo nhu cầu. Đủ để sống, thế thôi. Trong giới hạn đó…”

Trong hồi ký của Svetlana Alliluyeva, con gái của Stalin, có một số đoạn có thể giúp hiểu rõ hơn cách nghĩ của Stlain về tiền trong sinh hoạt hàng ngày. Hóa ra là ông không hề hiểu giá của các loại hàng hóa đời thường.

“Khi tôi ra về, cha lại gọi tôi sang một bên và cho tôi tiền. Ông đã làm như thế trong giai đoạn cuối đời sau cải cách năm 1947, bãi bỏ chế độ nuôi miễn phí các thành viên gia đình các Ủy viên Bộ Chính trị. Trước đó thì nói chung tôi đã sống hoàn toàn không một xu dính túi nếu không kể tới học bổng ở trường đại học và tôi đã phải luôn luôn vay của những nhũ mẫu “giàu có” vì được hưởng chế độ lương bổng khá cao. Sau năm 1947, cha đôi khi hỏi trong những lần gặp gỡ hiếm hoi: “Con có cần tiền không?” và tôi đã luôn đáp là không. “Con nói dối, - ông bảo. – Con cần bao nhiêu?”. Tôi quả thực là không còn biết nói gì nữa. Nói chung ông không biết giá trị thực của đồng tiền hiện nay và không biết đồ vật gì có giá bao nhiêu, ông vẫn sống với cách hiểu từ thời trước Cách mạng rằng, 100 rub, đó là món tiền khổng lồ… Và khi ông cho tôi hai ba nghìn rub – không rõ là để tiêu trong một tháng, hay một năm, hay chỉ một hai tuần – thì ông nghĩ rằng ông đã biến tôi thành triệu phú… Tôi không rõ là ông có sổ tiết kiệm hay không – mà có lẽ là không. Ông đã không phải tiêu gì đến tiền, ông chẳng phải mua gì cả. Tất cả sinh hoạt, nhà cửa, người phục vụ, đồ ăn thức uống của ông đều do nhà nước thanh toán. Để làm việc này có cả một cơ quan đặc biệt, nằm trong hệ thống Bộ An ninh Quốc gia, tại đó có kế toán tài chính của riêng mình mà không ai biết đã tiêu bao nhiêu tiền... Ông cũng không biết điều này.”

Khi Svetlana, trái theo ý muốn của cha, li dị người chồng thứ hai (là con trai của Zhadanov, một nhà cách mạng lão thành, bạn của Stalin từ thời trai trẻ), Stalin đã hạn chế bớt “tiền chùa” đối với con gái. Trong cuốn sách “20 lá thư cho một người bạn”, Svetlana kể: “Ông hiểu rằng kiểu gì thì tôi cũng phải cần tiền. Trong giai đoạn đó tôi đang chuẩn bị luận văn tại Học viện Khoa học Xã hội, nơi có học bổng cao nên nói chung, tôi được chu cấp tương đối tốt. Nhưng cha tôi vẫn thỉnh thoảng lại cho tôi tiền và nói: “Đấy là cho cháu ngoại…” Mùa đông năm đó, ông đã giúp tôi rất nhiều. Khi đó, tôi đã li dị người chồng thứ hai và rời khỏi gia đình Zhadanov. Cha tôi cho phép tôi sống trong thành phố nhưng không cho vào ở cùng trong Điện Kremli. Tôi được cấp một căn hộ, nơi tôi sống cùng các con tôi cho tới bây giờ. Nhưng ông cũng đưa ra cách lý giải khác đối với cái quyền này của tôi: “Được rồi, con muốn sống tự lập thì từ nay con sẽ không được sử dụng xe công nữa, không được ở nhà nghỉ dưỡng công nữa. Đây là tiền cho con mua xe hơi, con tự lái mà đi, nhưng con phải đưa cho cha nhìn thấy giấy phép lái xe của con!”. Tôi rất vừa ý với cách đặt vấn đề như thế. Cái đó cho phép tôi có được sự tự do nhất định và cơ hội tiếp xúc một cách bình thường với mọi người mà nếu sống trong Điện Kremli ở căn hộ cũ của gia đình chúng tôi thì không thể được như thế. Cha tôi đã không phản đối khi tôi nói rằng tôi rời khỏi nhà Zhadanov. “Con hãy làm những gì con muốn!”.

Nhưng ông không hài lòng với chuyện li hôn, ông không thích những việc như thế… “Con muốn sống chỉ bằng tiền chùa thôi ư?” – có lần ông đã hỏi với vẻ cáu giận. Nhưng khi ông biết rằng tôi tự thanh toán tiền cho những bữa ăn của mình ở nhà ăn thì ông trở nên yên lòng chút ít. Và khi tôi chuyển vào căn hộ của mình trong thành phố, rời khỏi Điện Kremli thì ông rất hài lòng…”

Aleksey Rybin, vệ sĩ của ông, kể:

- Khi chúng tôi đi nghỉ ở Bozhomi, có một người đàn ông và một người phụ nữ, bạn chiến đấu từ thời hoạt động bí mật của ông, đã tới chỗ ông. Lúc ấy hai người Gruzia ấy bị hết tiền. Stalin không bao giờ mang tiền theo mình. Ông đã hỏi vay chúng tôi. Chúng tôi ngả mũ ra và đưa đi vòng quanh thu được 300 rub. Stalin chia đều vào hai phong bì và đưa cho hai người đồng hương. Rồi chúng tôi đi xe hơi về Sochi. Tới gần Riviera, Stalin ra khỏi xe. Ngay lập tức những khách đi nghỉ với rất đông trẻ con đã quây xung quanh ông. Stalin bảo Vlasik (tướng chỉ huy đội cận vệ) đãi các trẻ nhỏ bằng món kẹo mà một người Gruzia đang bán ở kiốt gần đó. Trong nháy mắt hai thùng kẹo đã được phân phát hết. Tối về, Stalin hỏi tướng Vlasik:

- Các anh đã thanh toán tiền kẹo chưa?

- Dạ, chưa, chưa kịp ạ.

- Anh hãy tới ngay đó và trả tiền cho người bán quán.

Vlasik tức tốc đi ngay. Người bán quán hiển nhiên là mắt tròn mắt dẹt khi nhận được tiền. Ông ấy cứ cúi đầu lia lịa theo cỗ xe đang chở tướng Vlasik ra về, tay cứ áp vào trái tim theo đúng tục lệ phương Đông. Thêm vào đó, ông ấy còn rất tự hào vì chính lãnh tụ Stalin đã mua kẹo của ông ấy.

Việc không biết giá hàng hóa thông thường đã không ngăn cản được Stalin xử lý đúng các vấn đề tài chính quốc gia… Không ai rõ mỗi tháng Stalin nhận bao nhiêu tiền trong phong bì. Nhưng có thông tin về số tiền đảng phí mà ông tháng nào cũng nộp rất đầy đủ. Trong cuốn sách “Trang trại gần của Stalin” có những trang ghi tiền đảng phí của ông. Theo đó, tháng 2 và tháng 3-1953, ông đã nộp đảng phí hàng tháng từ số tiền lương 10 nghìn rub…

Các lãnh tụ Cách mạng Nga Xô viết trong buổi đầu lập quốc: Chống lại lòng tham vật chất - 1

Vladimir Ilyich Lenin và Joseph Vissarionovich Stalin. (Ảnh: RIA Novosti).

Tha hóa vì ham hưởng thụ

Với một vị lãnh tụ như Stalin thì những người đồng đội của ông cũng được lựa chọn thích ứng, đặc biệt ở thời điểm ông trong cuộc đấu tranh về tư tưởng với Trotsky đã không có được ưu thế nổi trội.

Đối ngược hẳn với Stalin về khía cạnh này là Trotsky. Ông ấy cần những kết quả của chiến thắng về mặt vật chất. Trotsky nếu đã đi đâu thì phải sử dụng đoàn tầu của Sa hoàng, nếu ở thì phải trong cung điện, nếu ăn thì phải có đầu bếp riêng nấu nướng, nếu với gái làng chơi thì cũng phải chân dài thượng lưu. Có quyền thì phải thụ hưởng! Của đáng tội, Trotsky gọi đó là “sự quan tâm tới đồng chí, đồng đội”… Và chính nhờ “sự quan tâm” đó nên đội hình chiến hữu của Trotsky toàn những nhân vật theo kiểu “ngưu tầm ngưu”…

Hãy thử so sánh. Chưa từng bao giờ có mảy may chứng cớ nào về việc Stalin hay những nhà lãnh đạo như Vyacheslav Molotov (1890-1986) hay Lazar Kaganovich (1893-1991) tới nhà hàng dù chỉ một lần. Thế nhưng người ủng hộ Trotsky kiểu như Yagoda, trong thực tế là người nắm Cơ quan An ninh Quốc gia (OGPU) nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập tổ chức do mình lãnh đạo đã thuê toàn bộ các nhà hàng đắt giá nhất Moskva. Khám nhà quan chức bậc cao này, người ta đã tìm thấy bên cạnh vô số đồ xa xỉ là một bộ sưu tập văn hóa phẩm đồi trụy cực kỳ quý hiếm ở thời đó trên quy mô thế giới. (Theo điều 1821 bộ luật hình sự Liên Xô ở thời điếm ấy, tội du nhập văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị xử tù tới 5 năm). Đấy là chưa kể tới việc ông ấy đã ném những khoản kinh phí dành cho công tác tình báo đi đâu…

Cả Stalin lẫn những đồng chí gần gụi với ông chưa từng bao giờ đi nghỉ chữa bệnh ở nước ngoài. Nhưng những “nạn nhân” tương lai của chủ nghĩa Stalin lại chỉ thích ra nước ngoài dưỡng bệnh. Thí dụ như N.Krestinsky, năm 1922 đi ra nước ngoài để chữa viêm xoang, đã tới ở mấy tháng tại các khu nghỉ dưỡng của Đức và ở vùng ven biển Riga, lúc về mang vô số đồ đạc và tiêu một lần hết toàn bộ số tiền dành cho việc chữa bệnh hàng chục nhà cách mạng thực sự đang bệnh nặng khác. Cũng trong năm đó I.Smilga, cũng là một “nạn nhân” tương lai của chủ nghĩa Stalin, đã đi ra nước ngoài. Lúc về, ông này không thể giải trình được về số tiền 2000 rub vàng đã tiêu nên đành ghi lý do là: “đã không tiết kiệm được tiền ăn”!

Nhìn từ góc độ này, rất thú vị là biên bản phiên tòa xử cái gọi là vụ “nhóm Trotsky hữu khuynh” diễn ra từ ngày 2 tới 12-3-1938. Từ phần thẩm vấn các bị cáo cho thấy, gần như tất cả họ, những người ủng hộ Trotsky, kể cả các bác sĩ riêng, đều nghỉ phép ở nước ngoài, dĩ nhiên là bằng tiền công quỹ. Qua đây cũng thấy rõ là những kẻ thù của Stalin đã dùng cách gì để lôi kéo lực lượng về phía mình.

Một trong những bị cáo là M.A. Tsernov, làm việc ở Bộ thương mại Ukraina. Mùa hè năm 1928, ông này do công vụ nên đã được gọi lên gặp một đồng đội của Stalin là Dân ủy phụ trách ngoại thương Liên Xô, Anastasc Mykoian (1895-1978), lúc đó đang nghỉ phép ở Krym (hãy lưu ý, bộ trưởng ngoại thương mà cũng chỉ đi nghỉ phép ở Krym!). Tại đó, Tsernov đã may mắn được gặp nhà lãnh đạo chính phủ Liên Xô lúc đó là Aleksei Rykov (1881-1938). Sau này, Rykov, cũng là bị cáo trong phiên tòa 1938, khi ra đối chất với Tsernov, đã khai: “Tôi gặp Tsernov và cố gắng thuyết phục ông ta tin vào sự đúng đắn của hoạt động phản cách mạng của tôi lúc đó để biến ông ta thành người sẵn sàng ủng hộ tôi. Nhưng hóa ra là tôi đã có sẵn một đồng minh…”. Phần thưởng vật chất dành cho cá nhân Tsernov gần như đến ngay lập tức: ông này được chuyển về làm việc ở Moskva và liền được đưa đi “chữa bệnh” ở nước ngoài bằng ngoại tệ. Chuyện diễn ra vào năm 1927, khi nạn đói còn hoành hành ở Liên Xô và nguồn thu ngoại tệ duy nhất là xuất khẩu lương thực. Thế nhưng với Tsernov thì người ta tìm ra ngay ngoại tệ. Tuy nhiên, đối với Tsernov thì thế vẫn còn là ít. Ông này khai: “Tôi đã gọi điện thoại cho thư ký của Rykov là Nesterov và bảo rằng tôi đi nước ngoài và tôi cần phải nói chuyện với Rykov về vấn đề ngoại tệ, về việc phải tăng thêm ngoại tệ…” Thủ tướng Liên Xô ồ à kinh ngạc nhưng rồi vẫn tiếp nhân vật ủng hộ mình và cấp cho ngoại tệ cũng như giao cho nhiệm vụ theo khuynh hướng chống lại Stalin. Điều đó có nghĩa là trở thành phần tử chống lại Stalin khi đó rất có lợi về mặt vật chất, ngay cả khi Trotsky đã bị đưa đi ra nước ngoài…

Công bằng mà nói, ngay ở thời Stalin, những người cộng sản chân chính cũng đã rất cố gắng đấu tranh chống lại những kẻ xu thời vụ lợi trong đội ngũ của mình. Các tổ chức đảng thường xuyên tiến hành các đợt thanh lọc, tức là trong các buổi sinh hoạt đảng công khai có sự tham gia của cả những người ngoài đảng, bàn luận về tiêu chí đạo đức và chuyên môn của các đảng viên. Và nếu phát hiện ra những phần tử cơ hội vụ lợi hay tha hóa là lập tức sẽ có biện pháp khai trừ họ ra khỏi đảng. Tuy nhiên, với đội ngũ lãnh đạo cao cấp thì công việc này khó thực hiện hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các lãnh tụ Cách mạng Nga Xô viết trong buổi đầu lập quốc: Chống lại lòng tham vật chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO