Cách tân và những giá trị phổ quát

Bảo Thư 04/07/2022 14:00

Cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc (National Costume) của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 đã khép lại, với nhiều sáng tạo trang phục được coi là tân kỳ và những màn trình diễn bùng nổ của 41 thí sinh. “Chiếu Cà Mau” của Nguyễn Quốc Việt đoạt giải Nhất của cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc. Tuy nhiên, cùng với thành công là những ý kiến khác nhau.

Tác phẩm “Chiếu Cà Mau”.

Từ đời thường đến thời trang

Tại đêm thi trình diễn trang phục dân tộc của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, ban giám khảo đã chọn ra top 10 trang phục dân tộc ấn tượng và top 3 trang phục dân tộc xuất sắc nhất. Top 41 thí sinh chính thức bước vào đêm trình diễn trang phục dân tộc với những bộ trang phục được có thiết kế ấn tượng nhằm tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.

Các nhà thiết kế trẻ đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn TPHCM đã tạo nên 41 mẫu thiết kế ấn tượng, được cho là “vừa phá vỡ những quy tắc về cái đẹp nhưng cũng nhằm để tôn vinh những văn hóa độc đáo, đầy thú vị của con người Việt Nam”.

Có thể nhận thấy, những gì được coi là “đời thường” trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt đã là niềm cảm hứng cho những nhà thiết kế trang phục trẻ. Trong đó có những thiết kế mang tên “Bánh tráng trộn Sài Gòn”, “Vina Vechai” - lấy cảm hứng từ những xe mua đồng nát ve chai, “Ủn ỉn” gợi nhắc hình thức bỏ ống tiết kiệm, “Chiếu Cà Mau” tôn vinh nghề làm chiếu, “Nail salon” nhắc đến nghề làm nail hay “Mật lý hoa rừng”, “Tôm tre mỹ nghệ”, Cà phê phin sữa đá, Bánh mỳ...

Phần lớn các bộ trang phục như vậy khối lượng nặng và cồng kềnh (“Chiếu Cà Mau” nặng 15kg), gây khó dễ cho việc di chuyển. Tuy nhiên, nó đã đem đến sự bất ngờ lớn vì ít người nghĩ những gì rất bình dân đó lại trở thành thời trang.

Giải nhất đã thuộc về thiết kế “Chiếu Cà Mau” của Nguyễn Quốc Việt (Đại học Tôn Đức Thắng). Bộ trang phục lấy ý tưởng từ làng chiếu Cà Mau - một ngôi làng bình dị nơi miền cực nam của Tổ Quốc. Nơi đó có những con người mộc mạc chân tình. Đó là một xứ sở từng nhuộm đỏ máu hồng qua những tháng năm khói lửa chiến tranh thì nay lại bừng lên sức vóc mới. Với chiến thắng trong cuộc thi, “Chiếu Cà Mau” dự kiến sẽ trở thành trang phục dân tộc của Tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tại cuộc thi Miss Universe 2022.

Cũng có thể kể đến Giải nhì thuộc với trang phục “Bánh tráng” của Phan Xuân Giàu (Đại học Văn Lang). “Bánh tráng” là một món ăn rất quen thuộc với người dân phương Nam nói riêng, người dân cả nước nói chung. Thì nay, nó đã được tôn vinh ở một bộ trang phục thời trang.

Còn với Giải ba “Tôm tre mỹ nghệ” của Nguyễn Minh Khôi (Đại học Văn Lang), độc đáo ở chỗ biến những thân tre thành những con tôm hùm sinh động, mong muốn lan tỏa gìn giữ và phát triển làng nghề thủ công Việt Nam.

Tác phẩm “Bánh tét”.

Cách tân và “tuổi thọ” của sáng tạo

Nhìn chung, đa số ý kiến hoan nghênh cách đặt vấn đề mới, sáng tạo của các nhà thiết kế trẻ. Sáng tạo nghệ thuật cần phải mới mẻ, có sức thuyết phục, trong đó có thời trang. Rất nhiều thử nghiệm đã được đưa ra, nhưng thực tế cho thấy cũng không nhiều bộ sưu tập thành công. Kể cả những bộ sưu tập được giải, được đánh giá cao trong những triển lãm thì cũng không dễ gì tìm được vị trí trong cuộc sống, và rồi cũng bị mau quên theo kiểu “sóng sau đè sóng trước”.

Vậy, với những thiết kế lấy ý tưởng từ cuộc sống đời thường, rồi khoác cho chúng cách đặt vấn dề mới, liệu có ảnh hưởng rộng rãi và “có được tuổi thọ” hay không?

Một số nhà thiết kế thời trang đã định hình phong cách, làm nên tên tuổi (kể cả kinh tế) cho rằng, “Chiếu Cà Mau”, “Bánh mỳ”, “Bánh tráng”... thì cũng đều đáng hoan nghênh, tuy rằng các tác giả của nó sẽ phải đối diện với những thách thức lớn phía trước. Vì những gì độc đáo thì khó lặp lại. Chẳng lẽ lần này thiết kế trang phục “Nón Cà Mau” lần sau đến “nón Huế”, hay là “nón ba tầm” của các liền chị Quan họ? Một thách thức lớn nữa là khi lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân tộc, sẽ phải đương đầu với những giá trị văn hóa phổ quát của thế giới. Nó có thể độc đáo nhưng cũng lại có thể bị rơi vào cá biệt, khó chấp nhận trên diện rộng.

Cũng cần lưu ý về tìm tòi trong quá khứ để “phục hiện” trong đời sống hôm nay, khi mà ý thức sáng tạo đã đi quá xa, khiến người khác băn khoăn. Ví dụ với thiết kế trang phục mang tên “Ủn ỉn”, gắn với “con lợn đất”, người ta khó nhận biết nó truyền tải thông điệp gì, ngoài tính hài hước. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng thiết kế trang phục dân tộc lại giống như một cuộc thi hóa trang. Nếu ý tưởng chỉ xoay quanh đặc sản vùng miền thì khó có những tác phẩm bứt phá. Ở đây phải là tinh thần đổi mới chứ không phải là chỉ dừng lại ở “bình mới rượu cũ”.

Nhân đây, cũng có thể nhớ lại sự cách tân của chiếc áo dài - trang phục tới nay mặc nhiên đã được coi là “quốc phục” của phụ nữ Việt Nam. Đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể xác định chính chính xác lịch sử áo dài và thời điểm xuất hiện của chiếc áo dài. Có nghiên cứu cho rằng nó bắt nguồn từ áo Giao Lĩnh (năm 1744), là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân.

Lần cách tân “triệt để nhất” của áo dài được coi là vào năm 1939, với tên gọi “áo dài Lemur”, do họa sĩ Cát Tường chủ trương. Áo chỉ có hai vạt trước và sau như ta thấy ngày nay. Sau đó là đến những lần cách tân khác, vạt ngắn hoặc dài, cao cổ hay không có cổ, chít eo hay buông chùng, vẽ tranh lên vạt áo hay là thêu cảnh đẹp hoa lá, non sông... nhưng vẫn xoay quanh những gì đã được coi là giá trị cổ điển.

Phải chăng đây cũng là một gợi ý thực tế rất cần để các nhà thiết kế trẻ tham khảo?

Bên ngoài vỏ bọc hào nhoáng thì thiết kế thời trang là ngành liên quan mật thiết đến ngành công nghiệp thời trang đầy tính cạnh tranh. Thời trang là lĩnh vực nghệ thuật, song không phải là nghệ thuật để trưng bày mà còn phục vụ cho mục đích kinh doanh. Chính vì lẽ đó mà hai hướng đi của thiết kế thời trang là trình diễn nghệ thuật và ứng dụng thực tế thường xuyên bổ sung cho nhau. Thời trang trình diễn nghệ thuật là cơ hội để nhà thiết kế thể hiện cái tôi cá nhân, cũng là tiền đề cho ra đời sản phẩm thời trang ứng dụng phục vụ cho mục đích kinh doanh. Tố chất cần thiết của những nhà thiết kế gồm sự sáng tạo không ngừng và “máu” nghệ sĩ, kỹ năng vẽ, chú ý đến tiểu tiết, hiểu sâu về màu sắc và chất liệu vải và cũng phải có kiến thức về kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách tân và những giá trị phổ quát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO