Cần cơ chế giám sát cụ thể từng nhóm hàng hóa

thúy Hằng - Yên Thanh (thực hiện) 15/08/2022 06:38

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề giá cả hàng hóa chậm giảm trước đà giảm của giá xăng, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cần có cơ chế giám sát để cụ thể hóa từng nhóm, lĩnh vực hàng và cụ thể hóa thành cơ chế hành động của mỗi địa phương. Không để tình trạng giá xăng lên thì giá hàng hóa lên mà khi giá xăng giảm mạnh giá hàng hóa vẫn neo cao.

TS Nguyễn Minh Phong.

PV: Thưa ông khi giá xăng dầu lên thì các mặt hàng tăng theo rất nhanh, nhưng khi giá xăng dầu giảm lại có một sự trì trệ với rất nhiều lý do. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?

Ông Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng có một số nguyên nhân. Về mặt khách quan, nhiều hàng hóa, dịch vụ không nằm trong diện bình ổn giá của Chính phủ, do đó bằng các biện pháp thị trường, sự cạnh tranh hoặc có sự liên kết khống chế giá, lũng đoạn thị trường sẽ chi phối và tạo ra mức giá vẫn cao như hiện nay. Ngoài ra, trong cơ cấu của giá cả hàng hóa dịch vụ không có sự đồng nhất về mức độ ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng dầu do đó không có sự xuống giá đồng loạt.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng các cơ quan chức năng dường như đang bỏ ngỏ các công cụ quản lý giá trực tiếp. Tôi lấy ví dụ như giá dịch vụ vận tải, về nguyên tắc, hiện nay tất cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải (trừ hàng không) phải kê khai, đăng ký và giải trình giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong xu hướng giá xăng dầu giảm nhưng chưa có một động thái nào của các cơ quan chức năng buộc các đơn vị vận tải kê khai, đăng ký lại giá cũng như giải trình mức giá hiện nay. Như vậy có một sự buông lỏng nhất định các công cụ quản lý giá của Nhà nước.

Tôi cũng cho rằng trong thị trường không chỉ thiếu sự cạnh tranh một cách bình đẳng, lành mạnh mà người tiêu dùng còn chưa sử dụng hết công cụ quyền lực của người mua. Đó là quyền lực từ chối, thương lượng giá. Hiêp hội Bảo vệ người tiêu dùng cũng chưa chịu lên tiếng. Những điều này đã tạo ra “độ mềm” khiến cho cơ chế áp lực xã hội, áp lực thị trường và áp lực quản lý đối với việc giảm giá hàng hóa chưa đầy đủ.

Hơn nữa, việc cung cấp thông tin cũng chưa thật đầy đủ bởi lẽ nếu thông tin tốt các yếu tố đầu vào, các cơ cấu biến động giá căn cứ vào thời điểm khác nhau tương xứng với giá xăng dầu thì xã hội sẽ phát hiện ra ngay sự bất hợp lý của việc chênh lệch giá.

Thời gian gần đây cả Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã có những động thái mạnh trong việc kiểm soát giá cả?

- Đây là một hành động cần thiết, kịp thời để đảm bảo ổn định giá cả hàng hóa thị trường, ổn định cuộc sống của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, dù chủ trương cũng như sự thúc đẩy của Nhà nước đã có nhưng vẫn thiếu cơ chế cụ thể hóa thành các hành động, thậm chí thành từng giải pháp một cách nhanh, hiệu quả. Chắc chắn các địa phương sẽ phải quán triệt, và quán triệt đến đâu còn bỏ ngỏ.

Để bình ổn giá cả hàng hóa, đảm bảo tương xứng với mức giảm của giá xăng dầu, các bộ, ngành, địa phương cần phải làm những gì, thưa ông?

- Điều cần thiết bây giờ đó là các bộ, ngành, địa phương phải chủ động quán triệt cụ thể từng giải pháp, hành động. Các ngành, các bộ quản lý từng mặt hàng cụ thể, phải kê khai, đăng ký lại giá, nhất là giá các dịch vụ vận tải và có giải trình để chứng minh sự hợp lý của giá cả hiện nay. Đây là điều hết sức quan trọng vì về nguyên tắc tất cả các mặt hàng bày bán đều phải niêm yết giá nhưng dường như cơ quan chức năng chưa làm tới điều này.

Bên cạnh đó bổ sung thêm các cơ chế, biện pháp, thậm chí cả những chế tài để tạo áp lực, buộc các đơn vị, doanh nghiệp phải giảm giá tương xứng với giá xăng dầu vì chúng ta không thể chấp nhận một nghịch lý giá xăng dầu vừa chớm lên đã tạo áp lực tăng giá nhưng khi giá xăng dầu xuống rất mạnh lại “lặng im” nhằm thu lợi nhuận cơ hội.

Mỗi địa phương tùy theo phân cấp của mình nên có các giải pháp mới, sáng tạo vừa là để kiểm tra, giám sát thị trường vừa để tăng sự cạnh tranh thị trường và tăng cung cho các mặt hàng đang còn thiếu. Ngoài ra cũng phải có các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh giảm thiểu chi phí vì không phải mặt hàng nào cũng gắn liền với xăng dầu. Phải có cơ chế giám sát để cụ thể hóa từng nhóm, lĩnh vực và cụ thể hóa thành cơ chế hành động của mỗi địa phương.

Ông đánh giá như thế nào về công tác kiểm soát lạm phát 2022?

- Năm 2022 có nhiều áp lực lạm phát, trong đó có hệ quả có việc nới lỏng chính sách tiền tệ, các gói hỗ trợ, các biện pháp buộc phải thực hiện để thúc đẩy kinh tế. Ngoài ra là lạm phát chi phí gắn với yếu tố xăng dầu… Lạm phát gắn với cầu kéo do nhu cầu tiêu dùng tăng cao và cuối cùng là lạm phát nhập khẩu khi giá hàng hoá các nước trên thế giới tăng vọt. Tất cả các yếu tố đó cộng hưởng vào Việt Nam trong khi chúng ta đặt mục tiêu, vừa kiểm soát lạm phát vừa phục hồi kinh tế. 2 mục tiêu này có phần đối lập nhau, muốn phục hồi kinh tế thì phải nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng để kiềm chế lạm phát thì phải thắt chặt chính sách tiền tệ

Như vậy mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay là không đơn giản, nó giống như thời kỳ chúng ta chống dịch nhưng vẫn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng so với các nước trong khu vực chúng ta vẫn đang kiểm soát được lạm phát. Từ nay đến cuối năm phải xây dựng các kịch bản đối phó với lạm phát, dù là có tăng lạm phát trên dưới 5% cũng chấp nhận được nếu như tăng trưởng được kinh tế. Thực ra không nhất thiết phải kiểm soát lạm phát dưới 4% mà tăng trưởng kinh tế trì trệ. Quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động với các kịch bản lạm phát, đừng để lạm phát bùng lên mạnh quá rồi chạy theo nó để xử lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần cơ chế giám sát cụ thể từng nhóm hàng hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO