Căn cơ để cân đối ngân sách

Lục Bình 04/11/2015 08:45

Ngày 3/11, thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần giảm chi thường xuyên, đặc biệt là chi cho bộ máy để giảm bớt gánh nặng ngân sách.     

Căn cơ để cân đối ngân sách

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phát biểu tại Quốc hội, ngày 3-11

Chi cho bộ máy quá lớn

“Ngân sách eo hẹp vì cơ cấu chi không hợp lý”, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) nêu ý kiến, “chi thường xuyên rất cao đặc biệt chi cho tổ chức bộ máy biên chế rất lớn. Trong khi đó, bộ máy nhà nước lại quá cồng kềnh, chức năng chồng chéo, quyền không gắn với nghĩa vụ trách nhiệm, dẫn đến tình trạng lạm quyền”.

Cũng liên quan đến việc làm thế nào để co kéo thêm cho ngân sách, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) “đề nghị QH lấy năm 2016 là năm tiết kiệm và kỷ cương hành chính. Nếu ta coi tham nhũng là giặc thì lãng phí sẽ là kẻ thù. Đã là kẻ thù thì phải xử lý, kẻ thù này rất nguy hiểm vì nó ở ngay chính trong ta. Hiện đất nước còn nghèo, vì thế cần công khai minh bạch tất cả các khoản chi tiêu”.

“Áp lực phải tăng chi ngân sách của Nhà nước ngày càng lớn. Nợ công tăng nhanh đặt ra áp lực rất lớn đối với yêu cầu bảo đảm bền vững của tài khóa trong trung hạn và dài hạn của những năm tới” - ĐB Nguyễn Ngoc Bảo (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh. Còn ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nói: “Chúng ta vướng vào chi ngân sách, nợ công thâm thủng, việc chi tiêu ngân sách, tôi thấy Bộ Tài chính theo kiểu “giật áo, vá vai” thì rõ ràng không có dư địa để chúng ta kích tổng cầu cho giai đoạn sau”.

Vấn đề tiết kiệm chi đã được QH đưa vào Nghị quyết nhưng được thực hiện thế nào trong thực tiễn? - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi. Bà Tâm nói: “Chúng ta có thực sự tập trung chỉ đạo để tiết kiệm chi hay không? Cử tri rất bất bình về tình trạng lãng phí cũng như trong quản lý điều hành ngân sách của chúng ta”. Theo bà Tâm, sự lãng phí do bộ máy cồng kềnh, thì chưa có sự đánh giá cụ thể nào, trong khi việc đó hoàn toàn có thể tập trung làm rõ.

Còn ĐB Trần Văn (Cà Mau) đưa ra kiến nghị: “Tạm đóng băng” bộ máy công chức trong 3 năm để đánh giá lại, vì đây là một trong những gánh nặng nhọc nhằn cho ngân sách.

Chống nợ đọng thuế để đảm bảo nguồn thu

Chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ về cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là hụt thu lớn do giá dầu thế giới liên tục giảm, nhưng nhiều ĐBQH vẫn chưa đồng tình với cơ cấu chi NSNN khi “vẫn chi khá nhiều cho lễ hội, sự kiện, đi nước ngoài nhưng chi cho đầu tư phát triển, chương trình mục tiêu quốc gia còn dàn trải, thậm chí lãng phí, chưa thực hiện kỷ cương tài chính…” như nhận xét của ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam).

Với việc năm 2015 thu NSNN địa phương tăng “đột biến” hơn 4.000 tỷ đồng với các khoản thu ngoài dự toán, ĐBQH đặt câu hỏi “do dự toán không tính được hết nguồn thu hay những năm trước buông lỏng nên thất thu?”. Vì vậy, nhiều ĐBQH kiến nghị, dự toán NSNN năm 2016 cần lưu ý tránh bị động, kiểm soát các khoản thu để dự toán sát thực tế, “thu đúng, thu đủ”, tránh tăng thu từ các nguồn đột biến ngoài dự toán.

ĐB Phùng Đức Tiến đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp cương quyết chống “nợ đọng thuế phức tạp”, vượt chi quá cao để đảm bảo nguồn thu. Đồng thời giảm một số khoản chi, thực hiện các nhiệm vụ chi với mức ngân sách thấp hơn và thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về giảm chi, cắt giảm những chi tiêu thường xuyên còn lãng phí…

Lý giải tình trạng lãng phí NSNN do việc chi NSNN “đang ghép chi đầu tư phát triển và chi tiêu dùng làm một nên vung tay, không cân đối trước, để thả lỏng”, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, giải pháp căn cơ để cân đối NSNN phải nghiên cứu xây dựng chính sách tài khóa công lành mạnh, thay đổi trên 3 nguyên tắc: cơ cấu thu (giảm dần thuế gián thu và tăng thuế trực thu); tính toán lại và giảm cơ cấu chi; thay đổi phương thức chi NSNN.

Kiểm soát chặt mức bội chi để kiềm nợ công

Theo Bộ Tài chính, nợ công tăng nhanh (dự tính cuối 2015 là 64%, năm 2016 là 64,9%) nhưng NSNN khó khăn do ngân sách Trung ương giảm, không đủ thanh toán trả nợ, mất cân đối giữa nợ và khả năng trả nợ. Nhiều ĐBQH lo ngại, chúng ta đang phải vay để trả nợ mà mức vay gấp đôi mức trả nợ, cứ đà này nợ công sẽ tiếp tục tăng cao, đặt gánh nặng cho nền kinh tế. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cảnh báo “nếu không cải thiện thì thâm hụt NSNN sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao”.

Theo tính toán, sử dụng dưới 25% NSNN để trả nợ công mới an toàn nhưng ta đã phải dành 31,9% NSNN để trả nợ là đáng ngại. Nên ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, phải tăng cường kỷ luật tài chính, thống kê chính xác nợ công và các khoản nợ có tính chất nợ công, có phương án trả nợ khi nợ kịch trần…

Để giảm tốc độ tăng nợ công, ĐB Trần Văn đề xuất giải pháp kiểm soát chặt trong 3 năm mức bội chi NSNN. Phải “thắt lưng buộc bụng” mà chúng ta phải tự giác thực hiện trước khi phải thực hiện theo yêu cầu của các định chế tài chính quốc tế do hậu quả của nợ công.

Lý giải thắc mắc của ĐB Ngô Văn Minh về những khoản tiết kiệm được trong Dự án nâng cấp, cải tạo QL1 và QL14, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nêu rõ: Trong tổng số dư hơn 14.000 tỷ có giảm 4.485 tỷ do chênh lệch giữa tổng nguồn vốn bố trí cho các dự án và tổng mức đầu tư dự án đã được phê duyệt; Giảm 1.070 tỷ do thực hiện hình thức chỉ định thầu mà Chính phủ cho phép; Giảm 686 tỷ chi phí giải phóng mặt bằng do công tác này được trực tiếp lãnh đạo các địa phương và nhân dân vùng dự án vào cuộc nên giải phóng mặt bằng rất nhanh; Giảm 6.290 tỷ đồng do rút ngắn thời gian thi công 1 năm với QL1 và 1,5 năm với QL14; Giảm 1.728 tỷ do trong quá trình triển khai Bộ GTVT đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các khâu thiết kế, dự toán, biện pháp thi công phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính kinh tế và giá thành công trình, điều chỉnh biện pháp thi công cho phù hợp với thực tế…­

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căn cơ để cân đối ngân sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO