Cần thêm một gói kích cầu

H. Hương 28/04/2021 07:18

Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường. Trong tình thế đó, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kích thích phục hồi kinh tế luôn là mối quan tâm đặc biệt.

Doanh nghiệp mong đợi hỗ trợ để phục hồi và phát triển sản xuất.

3 kịch bản tăng trưởng

Để kích thích phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, trong thời điểm hiện tại này một số quốc gia cân nhắc nhiều giải pháp, kể cả những gói kích cầu quy mô lớn chưa từng có tiền tệ, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Có thể kể ra một số yêu cầu chính sách quan trọng từ kinh nghiệm ứng xử của nhiều nền kinh tế với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế là,bảo đảm hiệu quả phòng chống dịch Covid-19; sản xuất, tiếp cận và phổ biến vaccine; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số; cân nhắc thời điểm thực hiện các biện pháp kích cầu quy mô lớn và dư địa chính sách cần thiết và thực hiện cải cách thể chế để tăng hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với những cải thiện đáng kể về năng suất. Khi ấy, Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

CIEM cũng đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021-2023 sau khi cân đối 3 điều kiện bình thường; nới lỏng tài khóa và tiền tệ; nới lỏng tài khóa và tiền tệ cùng với cải cách thể chế.

Cụ thể ở từng kịch bản,cho biết theo kịch bản 1, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ đạt 5,98%, năm 2022 là 6,45% và năm 2023 là 6,61%, trung bình cho cả giai đoạn 2021-2023 là 6,35%. Còn ở kịch bản 2, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến đạt 6,43%, năm 2022 là 6,8%, năm 2023 đạt 6,83%, trung bình cho cả giai đoạn 2021-2023 là 6,69%.

Ở kịch bản thứ 3, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến đạt 6,47%, năm 2022 là 6,88%, năm 2023 đạt 6,92%, trung bình cho cả giai đoạn 2021-2023 là 6,76%.

Tiếp tục cải cách

Theo phân tích từ giới chuyên gia, sức khoẻ của doanh nghiệp (DN) chính là hàn thử biểu của nền kinh tế. Để vực dậy nền kinh tế điều kiện cần và đủ phải vực dậy doanh nghiệp.

Nhưng điều DN mong muốn là gì? Đó là cải thiện môi trường kinh doanh với cải tiến về thời gian làm thủ tục, cắt giảm nghĩa vụ làm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về kê khai và nộp thuế điện tử; bổ sung quy định về quyền được thông tin về thanh, kiểm tra…

Trong khi một thống kê cho biết vẫn có 22% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (23% DN gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)”.

Vẫn theo bà Hồng Minh, hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm, cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi DN vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.

Đại diện cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định giờ chính là lúc cần có sự chung tay góp sức của tất cả các DN, các hiệp hội DN, các cơ quan, từng cán bộ trong bộ máy nhà nước, không chỉ bằng công sức mà còn phải cả trí tuệ để có thể tiếp tục đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến lên. Đây không chỉ là thách thức đối với Chính phủ, mà còn là thách thức đối với cả các DN, hiệp hội, các chuyên gia để đưa ra được các giải pháp hiệu quả về lâu dài.

Theo giới chuyên gia, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung các chính sách, các gói hỗ trợ hiệu quả giúp DN vượt qua khó khăn để ổn định trở lại. Cụ thể cần tập trung xem xét, triển khai các nhóm chính sách hỗ trợ như tiếp tục thực hiện và mở rộng các gói hỗ trợ đã ban hành theo một số tiêu chí về đối tượng được nhận hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, mức hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét gói hỗ trợ tín dụng cho DN với lãi suất vay bằng 0% hoặc lãi suất ưu đãi; cần có chính sách hiệu quả tiếp tục hỗ trợ DN tìm kiếm khách hàng, thị trường tiêu thụ, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, kết nối DN; hỗ trợ các DN tiếp cận kênh thông tin xuất nhập khẩu, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế. Đồng thời tăng cường chính sách hiệu quả kích cầu, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, giảm tối đa lao động mất việc làm, nghỉ chờ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần thêm một gói kích cầu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO