Đau mắt đỏ, tay chân miệng, sốt xuất huyết là những bệnh đang có dấu hiệu tăng mạnh tại một số địa phương. Đặc biệt, các bác sĩ khuyến cáo, đỉnh điểm của bệnh tay chân miệng là tháng 10, 11 nên dự báo thời gian tới số trẻ mắc bệnh này nhập viện còn tăng cao, các bậc phụ huynh cần hết sức đề phòng.
Tháng 9, 10 là thời điểm bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát
Bệnh tay chân miệng tăng mạnh
Mặc dù đến tháng 10, 11 mới vào đỉnh dịch nhưng từ tuần trước, tại TP. HCM số trẻ mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng mạnh. Trung bình mỗi ngày bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 tiếp nhận tới 100 ca bệnh khám và điều trị. Đáng lo ngại là nhiều cháu đến bệnh viện trong tình trạng nặng do gia đình chủ quan, tự điều trị ở nhà nên khi vào viện bệnh nặng, trẻ phải thở máy trong phòng chăm sóc đặc biệt.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, số ca tay chân miệng tăng nhiều là do thời tiết thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển, đây cũng là thời điểm trẻ bắt đầu tập trung đi học nên bệnh càng dễ lây lan. Nếu tháng 7 khoảng 30-40 ca nhập viện mỗi ngày thì từ đầu tháng 9 đến nay đã tăng gấp đôi với 80-90 ca nhập viện điều trị. Tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 4.800 mắc tay chân miệng phải nhập viện. Chỉ riêng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, có ngày có tới 80 ca nhập viện mỗi ngày.
Các bác sĩ đặc biệt khuyến cáo, bệnh tay chân miệng dễ lây lan. Khi trẻ ăn và chơi đồ chơi có virus tay chân miệng rất dễ bị nhiễm virus. Ngoài ra, người lớn bị tay chân miệng nhưng không biểu hiện ra ngoài nên vô tình lây sang trẻ. Bởi vậy trẻ mắc bệnh chủ yếu ở độ tuổi dưới 3, tuổi càng nhỏ càng nguy hiểm.
Bệnh tay chân miệng mỗi năm có 2 chu kỳ bệnh. Chu kỳ thứ nhất vào tháng 3, 4, 5 và chu kỳ 2 vào tháng 9, 10, 11, 12. Chu kỳ sau bao giờ bệnh cũng cao hơn chu kỳ đầu. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý những biểu hiện ban đầu của tay chân miệng là sốt, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng, trẻ quấy khóc, không chịu bú. Các dấu hiệu cho thấy trẻ bị nặng là sốt liên tục 2 ngày khó hạ, giật mình chới với khi ngủ, nôn ói. Trong trường hợp này phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện để các bác sĩ có phác đồ điều trị kịp thời bởi nếu chậm bệnh có thể để lại di chứng nặng nề như viêm não hay chậm phát triển trí tuệ.
Cách phòng bệnh tốt nhất là rửa tay bằng xà phòng thường xuyên cho trẻ và cả người chăm trẻ. Đồ chơi của trẻ cũng phải được rửa hàng ngày với xà phòng.
Biểu hiện của bệnh tay - chân - miệng
Dễ bùng phát đau mắt đỏ
Bệnh viêm kết mạc (còn gọi là đau mắt đỏ). Theo các bác sĩ chuyên khoa, vào độ tháng 8,9,10 là khoảng thời gian bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát mạnh. Lý do chính là khi thời tiết từ nắng nóng chuyển qua mưa ẩm thấp, độ ẩm không khí tăng cao tạo điều kiện thuận lợi cho virut phát sinh trong không khí. Các điều kiện như vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm... tạo ra môi trường để bệnh dễ dàng phát triển và bùng phát thành dịch.
Ngoài ra, khi bước vào thời điểm giao mùa, cơ thể con người chưa thích nghi kịp với môi trường dẫn đến dễ nhạy cảm với thời tiết, do hệ thống miễn dịch của cơ thể suy giảm, lúc đó virut dễ dàng xâm nhập cơ thể và gây bệnh.
Tại Đà Nẵng, bệnh viêm kết mạc đang vào mùa dịch và có xu hướng gia tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Trưởng Khoa khám bệnh Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, tuy dịch không bùng phát dữ dội như mọi năm, nhưng số lượng bệnh nhân đến khám đông, nhiều bệnh nặng. So với năm ngoái thì năm nay các trường hợp bị nặng nhập viện nhiều hơn. Cụ thể như bệnh nhân bị sưng mi mắt, kết mạc có nhiều ghèn, kết mạc chớt do bệnh nhân dùng tay dụi vào mắt (chủ yếu là trẻ nhỏ).
Theo đó, nếu tháng 7 có 240 ca bị đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện, thì tháng 8 có 222 ca, 10 ngày của tháng 9 là 124 ca. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 50%.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh đau mắt đỏ thường lây truyền qua đường hô hấp, đồ dùng cá nhân, nguồn nước nên cần phòng ngừa bằng cách giữ vệ sinh cá nhân tốt; khi mắc bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Khi mắc bệnh đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách, tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị, đặc biệt là những loại thuốc có chứa Corticoit như Clorocid H1%, Dexaclor...
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Số mắc xuất huyết đã tăng lên 25.000 trường hợp
Theo thống kê của Bộ Y tế, nếu tính đến tháng 6 cả nước có 10.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết thì những ngày đầu tháng 9, số người mắc bệnh này đã tăng lên đến 25.000 trường hợp, trong đó có đến 16 trường hợp tử vong. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đã tăng lên đến trên 250%.
Tại TP. HCM, những ngày gần đây, số trẻ mắc sốt xuất huyết điều trị nội trú tại các bệnh viện đều tăng mạnh, trung bình mỗi ngày bệnh viện Nhi đồng 1 phải tiếp nhận đến 100 ca bệnh, tăng gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm. Đáng ngại nhất là những trường hợp nặng, biến chứng nguy hiểm. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, đã có 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết rất nặng, chủ yếu là sốc sốt xuất huyết và sốc sốt xuất huyết nặng.
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Những trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng, các bác sĩ chủ yếu điều trị triệu chứng, chống sốc tích cực như: truyền dịch, điện giải, sử dụng các dung dịch cao phân tử, thậm chí có nhiều trường hợp phải sử dụng huyết tương, truyền tiểu cầu và hỗ trợ thở máy.
Còn tại Quảng Nam, dịch sốt xuất huyết bắt đầu có dấu hiệu bùng phát mạnh. Tính đến ngày 15-9, Quảng Nam có hơn 220 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tại 28 ổ dịch của 10 địa phương. Theo ông Trần Văn Hoàn - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam hiện trung tâm đã chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch sốt xuất huyết, quyết tâm không để dịch bùng phát.