Cảnh giác đột quỵ do nắng nóng

Giang Hương 26/05/2019 08:00

Thời tiết hiện đang vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ thay đổi đột ngột rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ với  các bệnh như nhiễm trùng đường hô hấp và tiêu hóa và người già, với các bệnh mãn tính, tim mạch và đặc biệt nguy hiểm là đột quỵ. Các bác sĩ cảnh báo, đột quỵ do nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não.

Cảnh giác đột quỵ do nắng nóng

Nắng nóng, cần thận trọng khi ra đường.

Nắng nóng làm sức đề kháng giảm

Nếu miền Bắc thời điểm này mới bắt đầu bước vào đợt nắng nóng thì tại các tỉnh phía Nam luôn phải hứng chịu các đợt nắng nóng gay gắt, nhiều nơi lên đến 41 độ C. Nắng nóng kéo dài liên tục đã khiến cho người lớn, trẻ em đổ bệnh. Tại bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, bệnh nhân đến khám chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt), tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh lý về khớp. Theo các bác sĩ, nắng nóng khiến sức đề kháng giảm dần tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Việc tiếp xúc nhiều với nắng cũng dễ bị bỏng nắng với các biểu hiện da đỏ, phồng rộp đôi khi có mụn nước ngứa…

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 rất đông trẻ em được đưa vào viện khám với bệnh phổ biến viêm đường hô hấp, tiêu hóa, sốt virut…Theo các bác sĩ, nắng nóng gay gắt và kéo dài đã làm sức đề kháng của trẻ kém đi, khiến các vi khuẩn, virút nguy hiểm gây hại cho sức khỏe dễ dàng ảnh hưởng, xâm nhập vào cơ thể của trẻ. Trẻ dễ thiếu nước dẫn đến rối loạn điện giải do bài tiết mồ hôi nhiều hơn, đặc biệt dẫn đến các bệnh lý hô hấp. Cùng với đó là các bệnh về tiêu hóa, do nắng nóng khiến thực phẩm dễ ôi thiu, vi khuẩn phát triển nhanh.

Ngoài ra, khi nền nhiệt lên cao, các bé thường ở trong nhà với nhiệt độ khoảng 25 - 26 độ C. Tuy nhiên khi ra ngoài, sự chênh lệch nhiệt độ đến 10 độ C khiến cơ thể bé không kịp thích nghi, phế quản dãn nở không đều gây ra bệnh viêm đường hô hấp. Nắng nóng cũng khiến nhiều trẻ muốn giải nhiệt nhanh nên uống nước lạnh, nước đá quá nhiều, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm bé bị viêm họng ảnh hưởng đến đường hô hấp non yếu của trẻ.

Đột quỵ do nắng nóng

Còn với người cao tuổi, nắng nóng cũng là thời tiết rất đáng lo ngại. Theo TS.BS Trần Viết Lực- Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa trung ương, nắng nóng làm gia tăng các bệnh về hô hấp, tim mạch, huyết áp thần kinh... Nguyên nhân khi thời tiết nắng nóng, cơ thể phải đổ mồ hôi nhiều dẫn tới mất nước, giảm khối lượng máu, thiếu hụt lượng máu nuôi não; thân nhiệt tăng gây rối loạn chức năng thần kinh trung ương, rối loạn hô hấp, tuần hoàn, rối loạn tim mạch… đây là các yếu tố dễ gây đột quỵ não.

Bởi vậy, để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già cần phải uống đủ nước, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, cần chú ý thường xuyên bổ sung nước, đề phòng máu tăng đặc dẫn tới hình thành huyết khối (cục máu đông). Đặc biệt, cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Theo các chuyên gia, những người có nguy cơ cao bị đột quỵ như người cao tuổi, người cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao), xơ vữa động mạch, người hút thuốc lá… nên áp dụng sớm những biện pháp phòng ngừa. Ngoài thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, năng tập thể dục, còn phải kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết…

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần biết cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ do nắng nóng để phát hiện và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc cho người thân trong gia đình, nhất là người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch. Nếu người cao tuổi đột nhiên cảm thấy hơi đau đầu, váng đầu, tê nửa người, ngáp vặt liên tục... thì chớ có chủ quan, bởi đây rất có thể là triệu chứng báo trước khả năng phát sinh đột qụy (tai biến mạch máu não), phải đề cao cảnh giác và đi khám bác sĩ ngay.

Ngoài ra, người nhà cần lưu ý các triệu chứng của người già như: vã mồ hôi nhiều, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh; nôn mửa, chóng mặt, hoa mắt, ngất lịm, trụy mạch… thậm chí li bì, mê sảng, hôn mê… Các trường hợp này đều cần phải xử trí nhanh vì có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguy cơ tử vong cao

Đột quỵ não là bệnh lý có nguy cơ tử vong cao và gây hậu quả nặng nề như bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê... cần được cấp cứu khẩn cấp. Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (trong vòng 4,5 giờ đầu sau khi được phát hiện các dấu hiệu đầu tiên) thì khả năng cứu sống rất cao cũng như hạn chế được các di chứng nặng nề.

Thế nhưng, tại Hội thảo “Hướng đến chăm sóc tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ” được tổ chức tại TP HCM vào sáng 21/4, TS.BS Nguyễn Huy Thắng- Chủ tịch Hội đột quỵ TP HCM cho biết, chỉ khoảng 19% bệnh nhân đột quỵ não đến bệnh viện trong khoảng thời gian vàng của bệnh lý (dưới 4,5 giờ), do đó tình trạng tử vong của căn bệnh này vẫn còn cao, lên đến hơn 18%.

Từ năm 2017 đến nay, Tổ chức đột quỵ châu Âu và Tổ chức đột quỵ thế giới thông qua Chương trình Angels đã hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng điều trị đột quỵ bằng cách hỗ trợ các bệnh viện trong cả nước thành lập các đơn vị đột quỵ và tối ưu hóa chất lượng điều trị đột quỵ. Với sự trợ giúp này đến nay Việt Nam đã có 73 đơn vị điều trị đột quỵ.

Mỗi năm điều trị cho gần 12.000 bệnh nhân đột quỵ, quy trình cấp cứu tối ưu, tỷ lệ tái thông đạt đến 11%...Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) vừa vinh dự trở thành đơn vị đầu tiên tại châu Á nhận “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng của Hội Đột quỵ châu Âu”. Theo TS.BS Bùi Minh Trạng- Phó Giám đốc Bệnh viện, trong năm 2018, Khoa Bệnh lý mạch máu não đã điều trị cho gần 12.000 người bệnh bị đột quỵ não, với tỷ lệ cứu sống gần 90%. Điều đáng ghi nhận là bệnh viện đã rút ngắn thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân bị đột quỵ não từ 5,88 ngày vào năm 2016 xuống còn 4,54 ngày trong năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác đột quỵ do nắng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO