Cảnh giác với mưa lũ

Minh Xuân - A Tráng 19/07/2017 09:30

Mùa mưa bão mới bắt đầu nhưng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, bà con cần cảnh giác cao với những cơn lũ quét, lũ ống gây sạt lở đất đá. Mới đầu tháng 7 vừa qua, người dân ở một số nơi của Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai đã phải đối mặt với chuyện lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Dự báo, từ giờ tới cuối năm sẽ còn nhiều mưa cơn bão, nhiều trận lũ với những diễn biến khó lường…

Sau mưa lớn thường xuất hiện lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đá.

Gồng mình chống mưa lũ

Đầu tháng 7, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xuất hiện những cơn mưa vừa đến mưa to, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Tại Mù Cang Chải, các khe suối xả ra lũ lớn, nhất là suối Nậm Kim, lũ to ngập nhiều hoa màu của nhân dân, nhất là khu vực tổ 9, tổ 10 và sạt lở đất đá tại tổ 7 và tổ 8 thị trấn Mù Cang Chải đã làm ảnh hưởng đến việc thi công các công trình xây dựng và đời sống của nhân dân. Do lượng nước lũ lớn, nước hồ thủy điện Khao Mang dâng lên đã ngập tuyến quốc lộ 32 khoảng trên 100m và sâu hơn 1m. Huyện Mù Cang Chải phải dùng xuồng đưa người dân qua đoạn bị ngập.

Ghi nhận bước đầu cho thấy, tính đến ngày 5/7, đợt mưa lũ này đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân tỉnh Yên Bái, với khoảng 50 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó có hộ phải di dời khẩn cấp; gần 100 héc ta lúa, hơn 5 héc ta mạ, trên 16 héc ta thủy sản bị lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp.

Đáng buồn hơn, ngày 3/7, một trận lở đất tại bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải đã xảy ra sạt lở đất, vùi lấp cháu Thào Thị Dà, 6 tuổi làm cháu tử vong, 1 cháu bé 8 tuổi khác cũng bị thương.

Trong khi đó, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lai Châu những ngày đầu tháng 7 năm nay cũng diễn biến phức tạp khi mưa xảy ra trên diện rộng và xuất hiện nhiều đoạn sạt lở đất trên các tuyến giao thông.

Ghi nhận tại các điểm sạt lở ta luy dương cũ tại km 64+800, 85+350 Quốc lộ 4D giáp với huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đến rạng sáng 4-7 sạt sụt xuống nghìn mét khối đất, đá. Bên cạnh đó, cũng tại tuyến quốc lộ này xuất hiện thêm 4 điểm sạt sụt lớn tại km 43, 68, 72+360, 75+90. Nguy hiểm nhất là tại km 43 xuất hiện điểm sụt trượt dài khoảng 30 mét và chiếm gần hết lòng đường. Với tình trạng sạt lở trên, giao thông trên đèo Hoàng Liên Sơn dài khoảng 50km đã bị ảnh hưởng, gây nên cảnh ùn ứ các phương tiện giao thông…

Ở đầu phía Tây của tỉnh Lai Châu, quốc lộ 12 nối Lai Châu với tỉnh Điện Biên cũng xuất hiện hàng chục điểm sạt lớn nhỏ, gây ùn tắc cục bộ và khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, do đơn vị quản lý đường bộ túc trực nhân lực và máy móc 24/24 giờ trên cung đường này nên giao thông được thông theo giờ.

Thống kê sơ bộ đến chiều 6-7 cho thấy mưa lũ ở Lai Châu đã khiến 2 người tử vong, 1 người mất tích và hàng trăm hộ dân bị cô lập. Cụ thể, theo ông Vũ Văn Luật- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lai Châu, lượng mưa to (có nơi như ở huyện Nậm Giàng đo được là 205 mm) đã khiến nhiều nhà dân bị ngập, giao thông tê liệt.

Tại bản Nậm Xe, xã biên giới Nậm Xe, huyện Phong Thổ, 88 hộ dân bị cô lập hơn một tuần do mưa, lũ dâng cao. Toàn bộ nhu yếu phẩm sinh hoạt đều phải nhờ người dân ở bản Mỏ phía bên kia suối cho vào bao tải rồi dùng dây kéo qua.

Tại bản Nậm Chà, xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, nước lũ đã cuốn trôi cầu tạm bắc qua suối khiến cho hơn 100 hộ dân và hai điểm trường trung tâm thuộc trường tiểu học và mầm non Nậm Chà bị cô lập tạm thời. Khi lũ rút bớt bà con dùng bè di chuyển, song việc đi lại rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Tương tự, nước lũ dâng cao làm lật cầu treo tạm vào bản Nà Phát, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, khiến trên 170 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu bị cô lập tạm thời.

Tại Lào Cai, trận mưa lớn kéo dài kèm theo việc xả lũ của thủy điện cũng khiến đường vào thôn Sủng Hoảng mới tái định cư, thuộc xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát bị cuốn trôi, 35 hộ dân trong thôn bị cô lập.

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng đã có công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan sẵn sàng phương án sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Việc tập trung khắc phục sạt lở, nhất là các tuyến quốc lộ 4D và 12 được tỉnh đặc biệt quan tâm để đảm bảo thông đường nhanh nhất.

Hiện nay Lai Châu có 6 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện lớn và nhiều hồ thủy điện nhỏ. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các cơ quan, ban, ngành và các công ty thủy điện rà soát, kiểm tra các công trình kè, đập, cầu cống, công trình đang thi công... để có giải pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; giám sát chặt chẽ việc tích nước hồ chứa, có phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Mưa lũ khiến giao thông miền Tây Bắc gặp khó khăn.

Lũ quét, lũ ống là gì?

Trong những ngày qua, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương đã phát đi nhiều bản tin cảnh báo tình trạng lũ quét và sạt lở đất tại một số khu vực miền núi phía Bắc. Theo đó, lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên), Sơn La (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Sông Mã, Sốp Cộp,Thuận Châu), Điện Biên (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Tủa Chùa, Mường Lay, Tuần Giáo); Lào Cai (nguy cơ đặc biệt cao tại huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng), Yên Bái (nguy cơ đặc biệt cao tại huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn), Hà Giang (nguy cơ đặc biệt cao tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Đồng Văn, Bắc Mê).

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, lũ quét có 5 dạng chính gồm: Lũ quét sườn dốc; Lũ quét nghẽn dòng; Lũ bùn đá; Lũ quét do vỡ đập, đê, hồ chứa; Lũ quét hỗn hợp. Tuy phân loại như vậy, nhưng nhìn chung, lũ quét là một loại lũ đặc biệt lớn, xảy ra bất ngờ trên các sông suối miền núi, trung du duy trì trong một thời gian ngắn (lên nhanh và xuống nhanh), dòng chảy xiết có hàm lượng chất rắn cao và sức tàn phá lớn.

Lũ quét có đặc điểm chính là chứa lượng vật rắn rất lớn: Dòng lũ quét thường cuộn theo một lượng vật chất rắn rất lớn, thường chiếm 3-10%, thậm chí trên 10% nên còn được gọi là lũ bùn đá, rất hay xảy ra ở nước ta. Do đó, lũ quét có sức tàn phá rất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Các chuyên gia khí tượng cũng nêu những nguyên nhân chính gây ra lũ quét là: Mưa lớn với cường độ cao và lưu vực có sườn núi dốc, địa hình bị chia cắt mạnh mẽ tạo thành các hẻm, vực sâu, lớp phủ thực vật thưa bị phá huỷ bừa bãi.

Một đặc điểm mà bà con hết sức lưu ý, đó là lũ quét thường xảy ra trong thời gian ngắn (3-6h), vào ban đêm và sáng sớm, trong các tháng mùa lũ. Đi cùng lũ quét có thể có nhiều trận lở đất, trượt bùn cùng những thứ mà nó cuốn theo khiến cho lũ quét càng trở nên nguy hiểm khi mà khối lượng di chuyển không chỉ có nước.

Cùng với lũ quét còn có lũ ống. Các nhà nghiên cứu chỉ ra: do địa hình trên bề mặt trái đất không bằng phẳng, ở miền núi có nhiều dãy đồi núi đan xen và kéo dài; giữa chúng là các thung lũng gắn liền với các khe, suối, sông nhỏ. Tại những vị trí khe suối, sông nhỏ chảy qua 2 bên sườn đồi núi thung lũng bị khép lại làm cho đường tiêu thoát nước bị hẹp dần và co thắt ở 1 điểm, đó là nơi thường sinh ra lũ ống. Khi mưa ở thượng nguồn lớn, nước đổ về nhiều; điểm co thắt không tiêu nước kịp làm cho nước dâng nhanh ở phía trên và tạo dòng chảy xiết ở phía dưới eo co thắt sẽ sinh ra lũ ống.

Dùng xuồng đưa người dân qua đoạn bị ngập tại Mù Cang Chải.

Sạt lở nhiều nơi trên các tuyến giao thông của huyện Mù Cang Chải.

Không được chủ quan

Số liệu thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, trên địa bàn 10 tỉnh miền núi phía Bắc có trên 10.000 điểm có nguy cơ sạt lở đất và hơn 2.100 điểm có nguy cơ bị sạt trượt lớn, rất lớn. Bộ cũng đã phát đi những văn bản cảnh báo các địa phương để có biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên, vì nhiều điểm ở các địa bàn xa xôi, hẻo lánh nên nhiều địa phương vẫn còn chủ quan. Bên cạnh đó, là sự chủ quan của nhiều bà con, vì cứ nghĩ năm nay “lũ không về bản mình”.

Đó là những sự chủ quan cần cảnh báo. Bởi không ai có thể biết chắc được lũ quét, sạt lở đất đến lúc nào. Chính vì thế, tinh thần chủ động phòng, chống, tránh mưa lũ cần được quán triệt. Có như vậy, khi cơn lũ quét bất ngờ ập đến mới đỡ gây thiệt hại về người và của. Mà lũ quét đến thường kèm theo sạt lở đất đá, điều này cũng hết sức nguy hiểm, có thể cướp đi tính mạng của nhiều người nếu ta có thái độ chủ quan, xem thường.

Nguyên nhân xảy ra lũ quét và sạt lở đất đá cho thấy, ngoài yếu tố khách quan còn do tác động của con người. Các chuyên gia của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, các biện pháp phòng tránh lũ quét được phân ra làm 2 loại: biện pháp công trình và biện pháp phi công trình. Theo đó, các biện pháp công trình gồm việc trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn. Để đề phòng lũ lụt nói chung và lũ quét nói riêng cần phải tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.

Bên cạnh đó là xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, ây dựng đê, tường chắn lũ quét, phân dòng lũ, xây dựng bổ sung các tràn sự cố ở các hồ chứa nước…

Còn các biện pháp phi công trình được kết hợp một cách hài hoà với biện pháp công trình, hỗ trợ biện pháp công trình phát huy hiệu quả cao trong việc đối phó với lũ quét. Các biện pháp phi công trình bao gồm: Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, Quản lý sử dụng đất, Điều chỉnh điều kiện mặt đệm lưu vực và các khu trữ lũ, Sơ tán khỏi vùng lũ quét…

Bà con cũng cần lưu ý việc bạt núi mở đường, khai thác khoáng sản, gỗ, xây dựng công trình cơ sở hạ tầng đã đào bới đất đá, làm ngầm, cầu qua sông, suối gây cản trở, ách tắc đường thoát lũ cũng là nguyên nhân dẫn tới những cơn lũ quét hung dữ xuất hiện. Hay như việc san lấp sông, suối để xây dựng công trình, nhà ở, cơ sở sản xuất gây tắc nghẽn dòng chảy, các khu vực dòng suối bị co hẹp; xây nhà ở khu vực khe suối, sườn dốc, chân đồi, núi... cũng có thể khiến lũ quét “hỏi thăm” thôn bản quê hương.

Kinh nghiệm cho thấy, khi thấy có thông tin lũ quét ập về, bà con cần nhanh chóng tìm nơi cao để trú tránh cho an toàn. Vì lũ quét là một khối nước lớn đổ từ trên cao xuống, cuốn theo nhiều cây gỗ lớn, nên có sức càn quét lớn, có thể cuốn phăng nhà cửa, cây cối và những công trình xây dựng. Bởi vậy cho nên, bà con cần tìm cách chạy càng nhanh càng tốt tới những nơi cao, đừng tham mang theo đồ đạc, lúa gạo để sự di chuyển được dễ dàng. Tuyệt đối không được dừng lại để vớt đồ đạc, thân cây gỗ đang trôi theo dòng lũ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với mưa lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO