Cảnh giác với thời tiết bất thường

Thanh Hà 06/05/2020 08:00

Từ đầu năm đến nay, nhiều hiện tượng thời tiết, khí hậu bất thường như mưa to kèm dông lốc, mưa đá liên tục xảy ra ở các tỉnh phía Bắc vào các thời điểm rất hiếm khi xảy ra, thậm chí ngay cả dịp Tết Nguyên đán. Hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, kỷ lục tiếp tục ở Nam bộ, Trung bộ. “Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường” - Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định.

Cảnh giác với  thời tiết bất thường

Mưa đá, dông lốc gây thiệt hại nặng nề cho hoa màu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ảnh: Báo Hà Giang.

Mưa đá dồn dập, khô hạn quay quắt

Trận mưa đá dồn dập xảy ra trong ngày 22 – 23/4 tại các tỉnh vùng núi phía Bắc gồm Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng và Yên Bái. Đây là những trận mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nặng về người và tài sản nhất trong 7 đợt xảy ra từ đầu năm đến nay. Nhiều khu vực ghi nhận có những viên đá to như quả trứng gà. Trong đó, trận mưa đá với cường độ mạnh trút xuống các xã Bản Lang và Dào San (huyện Phong Thổ, Lai Châu) tối 23/4, với những viên đá lớn đã xuyên thủng nhiều nhà mái ngói, tôn. Đặc biệt, tại xã Bản Lang, 1 người dân bị thương khi bị mưa đá rơi trúng đầu.

Tại tỉnh Lào Cai mưa dông trên diện rộng, kèm theo lốc xoáy, dông lốc, mưa đá đã tốc bay 11 nhà bạt tại các chốt ngăn chặn dịch Covid -19 trên biên giới của Bộ đội Biên phòng, mưa đá cũng làm thiệt hại tài sản và hoa màu của nhân dân. Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai, dông lốc làm sập 1 nhà bạt, hư hỏng hoàn toàn trang thiết bị y tế, khu cách ly tại cửa khẩu; đổ vỡ 1 vách tường kính luồng nhập cảnh cửa khẩu đường bộ Lào Cai – Hà Khẩu, hỏng 4 bộ bàn ghế kê khai y tế…

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu tháng 4 đến nay đã ghi nhận xảy ra 39 trận giông lốc, mưa đá, sét chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và Trung bộ. Mưa đá, giông lốc, mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét đã làm 6 người chết, thiệt hại kinh tế trên 160 tỉ đồng. Trong đó, riêng đợt mưa lớn kèm giông lốc, mưa đá từ 22 – 23/4 tại các tỉnh vùng núi phía Bắc đã gây thiệt hại khoảng 79,5 tỉ đồng.

Trong khi đó, tại các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên lại đang đối diện với khô hạn lịch sử. Hạn hán tại Ninh Thuận được ngành nông nghiệp - thủy lợi đánh giá khốc liệt như đợt hạn năm 2015. Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp khô cằn vì thiếu nước. Bình Thuận cũng đang phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng gay gắt, lượng mưa thấp nên đã làm mực nước hầu hết các hồ chứa và sông chính trên địa bàn tỉnh cạn dần…Tây Nguyên cũng quay cuồng trong khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ, hàng chục nghìn ha cây trồng mất mùa, chết khô.

Nắng nóng và khô hanh kéo dài nhiều tháng nay dẫn đến hàng loạt các cánh rừng ở Tây Nguyên, Nam bộ và 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Nhiều cánh rừng ở khu vực Tây Nguyên cũng đang ở mức cảnh báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm trong khi dự báo cao điểm khô hạn còn kéo dài sang tháng 5/2020. Cục Kiểm lâm khuyến cáo người dân tạm dừng các hoạt động sản xuất như tỉa thưa, khai thác rừng, lấy mật ong, đốt nương rẫy để phòng, tránh cháy rừng.

Đứng đầu trong danh sách, tỉnh Đắk Lắk đang có khoảng hơn 57.000ha rừng thuộc diện có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Còn tỉnh Đăk Nông hiện có hơn 250 ngàn ha rừng, phần lớn được đưa vào phương án phòng cháy, trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy cao lên đến hơn 50 ngàn ha…

Cảnh giác với  thời tiết bất thường - 1

Mưa đá to bằng quả trứng gà, có khả năng gây sát thương.

Dự báo năm nay sẽ nắng nóng gay gắt

Dự báo, các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Trung và Nam Trung bộ, từ nay đến hết tháng 8, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn kỷ lục có khả năng lan rộng, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm lại tập trung mưa lớn dồn dập. Tại Tây Nguyên, Nam bộ, mùa mưa có khả năng đến muộn hơn so với trung bình, tình trạng ít mưa và khô hạn còn tiếp diễn cho tới nửa đầu tháng 5/2020…

Nắng nóng sẽ tập trung tại Tây Bắc Bộ trong tháng 5, tại Đông Bắc Bộ vào các tháng 5-6 và khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung Bộ vào khoảng tháng 4 đến tháng 8. Tại Đông Nam bộ, nắng nóng còn tiếp tục xuất hiện nhiều ngày trong nửa cuối tháng 4 và đầu tháng 5.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cũng dự báo năm nay sẽ xuất hiện lũ lớn, phức tạp trên các hệ thống sông.

Những cơn bão năm 2020 trên khu vực biển Đông có xu hướng xuất hiện và hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo khả năng có khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020, người dân cần hết sức đề phòng.

Tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa đá

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện chỉ đạo các địa phương và các ngành tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá. Cùng với gửi lời thăm hỏi, chia buồn tới các gia đình có người dân bị thiệt mạng do mưa lũ, giông lốc, sét, chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và người dân vùng bị thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, giông lốc, sét, mưa đá để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố huy động lực lượng tại chỗ tập trung hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả giông, lốc, mưa đá (đồng thời lưu ý đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19); tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng, hỗ trợ sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo chỗ ở cho các hộ dân bị thiệt hại, không để người dân bị thiếu đói.
Trường hợp vượt quá khả năng của địa phương, tổng hợp nhu cầu, gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với thời tiết bất thường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO