Cấp dưới tự ý sửa văn bản của Thứ trưởng: Bộ GDĐT thành lập Hội đồng kỷ luật

Đức Sơn 29/05/2021 08:01

Liên quan đến vụ việc Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (GDCT&CTHSSV) tự ý sửa đổi, thêm bớt nội dung, làm sai lệch bản chất của Kế hoạch số 26/KH-BGDĐT của lãnh đạo Bộ (Báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ đã thành lập Hội đồng kỷ luật và sẽ xử lý nghiêm.

Mẫu giấy mời dự Hội thảo do Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng ký ban hành, nhưng sau đó lãnh đạo Bộ đã yêu cầu dừng tổ chức Hội thảo vì không báo cáo kế hoạch với lãnh đạo Bộ.

Người trong cuộc báo cáo gì?

Theo Báo cáo giải trình của bà Nguyễn Thị Bích Thủy, chuyên viên Vụ GDCT&CTHSSV thể hiện nội dung là Phó Vụ trưởng Lê Thị Hằng là người chỉ đạo chuyên viên của Vụ phát hành hai công văn, gồm: Công văn số 195/BGD ĐT-GDCTHSSV với nội dung tổ chức Tập huấn cán bộ nguồn về công tác xã hội và bảo vệ trẻ em tại TP PLeiku, tỉnh Gia Lai từ ngày 28 - 30/01/2021 và Công văn số 638/BGDDT-GDCTHSSV với nội dung tổ chức Tập huấn cán bộ nguồn về công tác xã hội và bảo vệ trẻ em tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp từ ngày 3 - 5/3/2021.

Căn cứ để triển khai lớp tập huấn này là Kế hoạch 26/KH-BGDĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh ký ban hành ngày 8/1/2021. Tuy nhiên, hoạt động tập huấn này không có trong bản gốc Kế hoạch 26.

Bằng nhiều thủ thuật khác nhau, cán bộ Vụ GDCT&CTHSSV đã tự ý chỉnh sửa, thêm một số cụm từ “tập huấn”, “công tác xã hội trong trường học” vào phụ lục số 10 để có thể phát hành được hai công văn triển khai tập huấn tại Gia Lai và Đồng Tháp.

Theo bản báo cáo của bà Thủy, ngày 26/2/2021, thông qua email cá nhân, bà Lê Thị Hằng gửi chuyển tiếp cho hai chuyên viên của Vụ GDCT&CTHSSV bản Kế hoạch 26 với chủ đề: “KH 26 bản cuối” cùng nội dung lời nhắn: “2 chị em lưu lại dùng bản này nhé”.

Đáng bàn, là bản Kế hoạch 26 được đính kèm trong email mà bà Hằng gửi chuyển tiếp cho 2 chuyên viên vào ngày 26/02 đã bị sửa tên Kế hoạch thành: “Kế hoạch triển khai Chương trình công tác về Phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội và Công tác xã hội, bảo vệ trẻ em, tư vấn tâm lý trong ngành Giáo dục năm 2021”, với 12 nội dung phụ lục.

Theo bà Thủy giải trình, tại cuộc họp ngày 25/03/2021 với Vụ GDCT&CTHSSV, Thứ trưởng Ngô Thị Minh có chỉ đạo, yêu cầu Vụ rút kinh nghiệm việc tổ chức “Hội thảo Thúc đẩy sáng tạo xã hội trong các cơ sở giáo dục đại học khó khăn, thách thức và các cơ hội” mà chưa báo cáo với Thứ trưởng.

Vẫn theo bà Thủy, ngay sau cuộc họp này, bà Hằng đã tổ chức cuộc họp với bà Nguyễn Thanh Hương và bà Nguyễn Thị Bích Thủy để thảo luận về việc có tiếp tục thực hiện khảo sát theo Công văn số 1169/BDGDT-GDCTHSSV hay không. Lo sợ Thứ trưởng Minh phát hiện triển khai hoạt động này mà không báo cáo, bà Hằng đã chỉ đạo bà Thủy cùng bà Hương gọi về các Sở dừng khảo sát, thu hồi công văn bản cứng.

Đáng chú ý, theo bản tường trình của bà Thủy, sau khi có chỉ đạo giải trình vụ việc từ Vụ trưởng Bùi Văn Linh, bà Hằng đã bàn bạc thống nhất với một số người liên quan theo phương án là để bà Thủy viết tường trình sự việc và sẽ nhận lỗi là do bà Thủy sửa một số nội dung bản Word Kế hoạch 26 trong máy tính của bà Thủy để tiện triển khai công việc.

Nhưng khi chuẩn bị tài liệu cho Vụ trưởng báo cáo Thứ trưởng thì vì vội vàng quá nên bà Thủy in nhầm. Và Phó vụ trưởng Lê Thị Hằng không kiểm tra kỹ tài liệu do bà Thủy chuẩn bị đã đưa trực tiếp cho Vụ trưởng mà không biết Kế hoạch số 26 có sai lệch.

Mặc dù là người đứng đầu, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành công việc của Vụ, nhưng khi phóng viên liên lạc với ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ GDCT&CTHSSV để làm rõ thêm trách nhiệm của người đứng đầu thì vị Vụ trưởng này đã chọn cách “im lặng”.

Bộ GD&ĐT khẳng định không bao che

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên về hướng xử lý vụ việc, bà Ngô Thị Minh- Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, Bộ đã thành lập Hội đồng kỷ luật. Hội đồng kỷ luật phải làm đúng quy trình theo Nghị định 112.

“Tôi đã nói với các bạn ở bên chị là mình phải thực hiện theo đúng pháp luật, không thể né tránh cái gì, hành vi đến đâu phải chấp nhận đến đấy, không thể né tránh được, mình phải làm cho đàng hoàng. Tôi đã yêu cầu mọi người làm bản kiểm điểm phải nhận thức thật rõ từng hành vi của mình…”, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết. Cũng theo bà Minh, Bộ sẽ xử lý nghiêm, không né tránh, không bao che.

Nhận định về vụ việc trên, một số chuyên gia pháp lý cho rằng để xảy ra sự việc nghiêm trọng nêu trên, trước tiên Hội đồng kỷ luật cần xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu Vụ GDCT&CTHSSV là Vụ trưởng Bùi Văn Linh, tiếp đến là Phó vụ trưởng Lê Thị Hằng. Bởi lẽ, hai lãnh đạo vụ này đã buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm ở Vụ mình, đấy là chưa bàn đến việc hai cá nhân này có dấu hiệu tiêu cực hay không. Tiếp đó mới xem xét trách nhiệm của các cá nhân khác liên quan.

Còn theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Hãng luật TGS, vụ việc nêu trên có dấu hiệu của Tội giả mạo trong công tác được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, trước hết phải làm rõ mục đích của việc sửa chữa này là gì.

Theo luật sư Hùng, hiện tại, pháp luật chưa có quy định về việc xử phạt hành chính đối với hành vi giả mạo trong công tác. Tuy nhiên, đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Trường hợp, cơ quan chức năng xác định được cá nhân có một trong các hành vi: sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả; giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấp dưới tự ý sửa văn bản của Thứ trưởng: Bộ GDĐT thành lập Hội đồng kỷ luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO