Chặn từ gốc lợi ích nhóm

Việt Thắng (thực hiện) 12/09/2016 07:25

Phải giải quyết lợi ích nhóm chứ không phải bây giờ đi giải quyết tố cáo thế nào. Quan trọng là phải triệt “cái gốc”, nhưng nó sẽ đụng chạm đến nhiều người. Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói cổ phần hóa không được cho lợi ích nhóm, nhóm lợi ích can thiệp vào. Bây giờ chúng ta phải thực thi được những cái đó.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi sang Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016. Tại báo cáo này Chính phủ nhận định, tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Đáng chú ý, rất ít cán bộ công chức dám tố cáo tham nhũng. PGS Đặng Ngọc Dinh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) đã trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

PGS Đặng Ngọc Dinh.

PV:Thưa ông, theo báo cáo của Chính phủ hiện nay có rất ít cán bộ công chức tố cáo tham nhũng. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân chính? Nhiều ý kiến cho rằng họ không dám tố cáo vì sợ bị trù dập...

PGS Đặng Ngọc Dinh: Theo tôi, có hai nguyên nhân. Một là ít người tố cáo vì họ cho là ít có tác dụng, nên không muốn tố cáo. Từ đó trở thành thờ ơ, cho qua. Vì thế mới có chuyện phanh phui tham những thường là do báo chí xung trận. Qua khảo sát về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), tôi cũng thấy người dân không nhiệt tình tố cáo.

Họ cũng chung tâm lý không giải quyết được gì, vả lại họ cũng không có điều kiện phát hiện, kiểm soát tham nhũng. Cũng như chuyện đổ rác ra đường vậy. Tố cáo nhà này đổ rác, hay nhà kia đổ rác ra đường thì cũng không giải quyết gì.

Nguyên nhân thứ hai là họ không có động lực, tức là tố cáo để làm gì? Trừ những trường hợp người ta khiếu nại liên quan đến đất đai, giá đất đền bù không đúng, lấy đất không hợp lý. Lúc đó họ khiếu nại vì nó thiết thân đến họ, liên quan đến quyền lợi trực tiếp của họ. Còn tố cáo là đi tố cáo người khác lại là chuyện khác.

Ông nhận định như thế nào về hệ thống pháp luật hiện nay liên quan đến bảo vệ người tố cáo tham nhũng?

- Tôi cho rằng chưa thật rõ ràng để bảo vệ người khiếu nại, tố cáo. Vẫn còn lợi ích nhóm thì không thể bảo vệ người tố cáo được. Cho nên bây giờ không nói đến chuyện bảo vệ người tố cáo mà chuyển sang xử lý lợi ích nhóm, tư bản thân hữu. Bởi đó là gốc của vấn đề.

Sự thực thì những quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo; trong bảo vệ người khiếu nại, tố cáo chưa hiệu quả lắm. Chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản thì những cái đó chỉ là râu ria, bởi còn lợi ích nhóm thì có khiếu nại, tố cáo cũng bị trù dập.

Vậy theo ông, làm thế nào để thúc đẩy người dân, cán bộ công chức tố cáo tham nhũng. Nhất là với công chức là người hiểu hoạt động của cơ quan mình nhất?

- Làm thế nào để người ta mạnh dạn tố cáo thì phải giải quyết vấn đề rất thực chất. Khi người ta tố cáo thì phải thực sự giải quyết, nếu không người tố cáo sẽ lại chịu nguy hại. Khi không giải quyết thì người tố cáo có thể bị trả thù. Phải để cho mọi người thấy rằng cơ quan công quyền có ý thức kiểm soát tham nhũng, đấu tranh dứt điểm với tham nhũng thì mới được.

Chuyện chúng ta cũng đã đặt ra vấn đề thưởng tiền cho người tố cáo tham nhũng nhưng cũng không vì thế mà người ta tố cáo nhiều hơn. Vấn đề là cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc giải quyết khi nhận được tố cáo, và phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo.

Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn nể nang khi xử lý sai phạm của người đứng đầu? Chính vì thế cũng khiến cán bộ công chức không dám tố cáo tham nhũng vì sợ bị trù dập...

- Nguyên nhân sâu xa là tham nhũng và hối lộ đã bén rễ và lan rộng, nên khó xử lý. Nếu xử lý giống như cái cây có rất nhiều nhánh thì phải giải quyết từ gốc rễ, không để nó phát triển thành hệ thống, vì như thế sẽ rất nguy hiểm. Xử lý người đứng đầu, tất nhiên làm một số vụ nghiêm minh thì cũng răn đe mạnh.

Hiện nay chúng ta cũng đang làm, nhưng làm như vậy vẫn mang tính vụ việc. Bây giờ phải thay đổi công nghệ quản trị. Giống như chuyện phải đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, không thải ra môi trường. Chứ đằng này dùng công nghệ bẩn, lạc hậu thì nó thải ra môi trường rất nhiều độc tố. Lúc đó anh có thu gom, xử lý nó cũng khó khăn.

Tức là dùng công nghệ kiểm soát được tham nhũng, công nghệ quản trị kiểm soát tham nhũng ví dụ như vấn đề về lợi ích nhóm. Phải làm thế nào để giảm thiểu tối đa lợi ích nhóm. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh là lợi ích nhóm chứ không phải nhóm lợi ích.

Lợi ích nhóm là một số nhóm lợi ích mua chuộc nhà nước, mua chuộc cơ quan công quyền để đem lại những trục lợi, lợi ích “khủng”. Những món lợi “khủng” làm méo mó hệ thống kinh tế, xã hội. Tức là nó thu lợi về nhóm này thì các nhóm khác không có lợi và xã hội sẽ mất lợi ích.

Ví dụ những vấn đề lớn về đất rừng, anh lại ưu tiên cho một nhóm biến rừng thành đất trồng cây cao su thì coi như là chặt rừng. Bây giờ phải xử lý chuyện đó bằng cách đưa ra các phương án có trồng cao su ở đấy không, để cho người dân, nhà khoa học góp ý. Khi đồng ý trồng cao su thì ai thầu cái đó?

Hiện nay ta có kiểu cho đại gia dự án, chạy dự án thì họ tự nhiên được rừng và chặt gỗ đi trồng cao su. Như thế họ được lợi hai lần, một là gỗ hai là cao su. Cuối cùng môi trường bị hại, mất đất rừng. Đó chính là lợi ích nhóm.

Theo tôi những cái đó phải giải quyết chứ không phải bây giờ đi giải quyết tố cáo thế nào. Quan trọng là phải triệt “cái gốc”, nhưng nó sẽ đụng chạm đến nhiều người. Mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói cổ phần hóa không được cho lợi ích nhóm, nhóm lợi ích can thiệp vào. Bây giờ chúng ta phải thực thi được những cái đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn từ gốc lợi ích nhóm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO