Chạy nước rút để vào đại học

Trang - Ngân 20/08/2015 09:30

Hàng ngàn thí sinh đang nháo nhác tìm kiếm cơ hội vào một trường đại học như mong muốn, bởi 1 ngày nữa đợt xét tuyển đầu tiên vào đại học, cao đẳng sẽ kết thúc.

Chạy nước rút để vào đại học

Thí sinh nộp hồ sơ vào Học viện Ngân hàng, ngày 19/8.

Canh điểm chuẩn từ sáng đến chiều

Trước kia, cứ học sinh yêu thích ngành gì, nghề gì thì quyết tâm đăng ký vào ngành đó theo khả năng của mình. Năm nay, để có thể đỗ ĐH bằng mọi giá, các TS cố gắng căn chỉnh hồ sơ để được vào những trường tốp trên. Rất ít TS chọn những trường tốp giữa hoặc tốp dưới chỉ để học ngành mình yêu thích. Điều đó lí giải vì sao những ngày cuối của đợt xét tuyển các trường như ĐH Bách Khoa, HV Ngân Hàng, HV Tài Chính, ĐH Hà Nội... lại có đông TS đến nộp, rút hồ sơ, theo dõi mức điểm chuẩn đến như vậy.

Có mặt tại ĐH Bách khoa khoảng 11h trưa ngày 19/8, vẫn thấy có hàng loạt các TS ngồi dọc theo hành lang các phòng. Một TS ở Thanh Hoá đến trường từ sớm nhưng còn chần chừ chưa rút hồ sơ. TS này chia sẻ: Em nộp hồ sơ từ 5/8 vào ngành Vật lý kĩ thuật, đến hôm nay thì ngành này có điểm chuẩn là 7,6 còn em thì đạt 7,75. Với mức điểm này em chỉ lo có nhiều hồ sơ nộp vào thì sẽ bị trượt nên phải đến tận trường để theo dõi...

Tương tự, tại HV Ngân hàng trong buổi chiều 19/8 đã có hàng trăm phụ huynh và TS đến ngồi chờ xem điểm chuẩn. Nhiều TS nộp vào ngành Kế toán của HV Ngân hàng tỏ vẻ lo lắng khi điểm chuẩn hiện tại của trường là 22 điểm, trong khi năm ngoái chỉ lấy 19,5 điểm. TS tên Phượng quê ở Phú Thọ đạt 23 điểm vẫn không yên tâm phải nhờ người thân đến trường túc trực suốt ngày hôm qua để xem lượng hồ sơ nộp vào trường có đông không, cũng như theo dõi điểm chuẩn cập nhật của nhà trường.

TS Nguyễn Thị Lý đạt 21,5 điểm (cả điểm cộng là 22 điểm) vừa rút hồ sơ ở trường HV Tài chính để nộp vào ngành Ngôn ngữ Anh của HV Ngân hàng cũng tỏ ra lo lắng không kém. Hiện tại điểm chuẩn của ngành này là 21 và 21,25 điểm (cả hai khối). Trong ngày hôm qua, sau khi nộp hồ sơ xong, Lý đã túc trực ở trường để xem mình có khả năng trung tuyển hay không. Nếu nộp vào trường khác nữa thì vừa mệt vừa không hào hứng.

Rất nhiều các bậc phụ huynh, TS cũng đến tận trường để ngồi chờ công bố số lượng danh sách TS và điểm chuẩn. Hai mẹ con TS Vũ Thị Châu Anh cũng quyết định ngồi chờ hết ngày để xem lượng hồ sơ nộp vào ngành Quản trị kinh doanh của HV Ngân hàng có tăng lên không để nộp hồ sơ. Vì theo số điểm hiện tại là 21 điểm, Châu Anh mới chỉ hơn mức điểm chuẩn tạm thời là 0,25 điểm. Tại HV Ngân hàng chỉ có ngành này với ngành Hệ thống thông tin quản lý là thấp điểm nhất, nếu trượt thì chẳng biết nộp hồ sơ vào trường nào...

Đại diện phòng Đào tạo, HV Ngân hàng cho biết: Lượng TS ở dưới mức điểm đỗ vào trường đã nộp hồ sơ vào HV Ngân hàng tính đến đến ngày hôm qua là khoảng 1000 hồ sơ. Số này sẽ rút để nộp sang trường khác. Còn lượng TS nộp vào trong buổi sáng 18/8 cũng có tới vài trăm hồ sơ. Theo nhận định của các cán bộ làm công tác tư vấn nhận hồ sơ thì, mức điểm chuẩn dao động đến 19-8 ở tất cả các ngành sẽ không lớn, chỉ khoảng 0,25 điểm. Nhà trường sẽ cập nhật số liệu thường xuyên trong những ngày cuối vào khoảng 16 giờ để TS tiện theo dõi. Khi mà TS đã có tên trong danh sách trúng tuyển, vì lí do nào đó không nhận được giấy báo vẫn có thể tới nhập học bình thường để đảm bảo quyền lợi của mình.

Tại trường ĐH Y Thái Bình, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cường - Trưởng phòng đào tạo cũng cho biết: Đến thời điểm hiện tại số lượng TS nộp hồ sơ vào trường đã đủ chỉ tiêu. Cũng giống như nhiều trường top trên ở Hà Nội, ĐH Y Thái Bình có số lượng TS đến nộp và rút hồ sơ khá đông. Do đó, mặc dù nhà trường phải bố trí 5-7 cán bộ tuyển sinh nhưng luôn trong tình trạng quá tải.

Chạy nước rút để vào đại học - 1

Điểm chuẩn tăng... chóng mặt

Tại ĐH Hà Nội trong mấy ngày gần đây luôn ở trong tình trạng đông đúc, cả TS đến rút hồ sơ lẫn nộp hồ sơ đều tập trung rất đông. Theo ông Lê Quốc Hạnh (Trưởng phòng đào tạo, ĐH Hà Nội), Số lượng TS nộp hồ sơ vào không vượt quá 4.000 bộ. Hiện tại, có trên 3.500 bộ hồ sơ, trong khi đó nhà trường chỉ tuyển 1.900 chỉ tiêu. Những ngày cuối này TS không đạt mức điểm chuẩn dự kiến sẽ đến rút hồ sơ để nộp vào trường khác.

Đứng khá lâu trước cửa phòng rút hồ sơ, TS từ Chương Mỹ (Hà Nội) đến ĐH Hà Nội trong tâm trạng khá rối bời. Em chia sẻ: Không thể nghĩ là điểm chuẩn của ĐH Hà Nội lại cao như vậy. Năm ngoái ngành em đăng ký là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, điểm chuẩn chỉ có 20,5 điểm. Đến chiều 18/8, điểm chuẩn ngành này đã lên tới 30,75. Em chỉ đạt 30,5 điểm nên đang tính sẽ nộp hồ sơ sang ĐH Thương mại. Ngành này ở ĐH Thương mại chỉ lấy 20 điểm (không nhân đôi), nếu thế em sẽ có khả năng đỗ nhiều hơn vì em đạt 22 điểm.

Theo ông Hạnh: Để khâu xét tuyển diễn ra thuận lợi hơn cho phu huynh và TS thì kết quả thi chung có thể giao về các trường tự làm. Với TS cũng đừng quá nặng nề về vấn đề vào ĐH, TS đã mong muốn học trường nào thì hãy yên tâm với 4 nguyện vọng đó. Còn trong trường hợp nhận thấy khả năng thấp thì nên rút hồ sơ sớm... Đến ngày 24/8, Hội đồng tuyển sinh ĐH Hà Nội sẽ họp để xác định mức điểm chuẩn chính thức.

Chạy nước rút để vào đại học - 2

Nhiều trường hi vọng vào đợt tuyển bổ sung

Ông Nguyễn Văn Bao, Hiệu trưởng ĐH Tây Bắc cho biết: Đến ngày 19/8, số lượng hồ sơ xét tuyển NV1 nộp vào trường đã đạt 2/3 chỉ tiêu, khoảng 1.700 hồ sơ. Theo ông Bao nhận định, số lượng đăng ký xét tuyển NV1 nộp vào trường như vậy hợp lý. Vì giả sử đợt này số lượng TS nộp hồ sơ vào trường đủ chỉ tiêu thì hầu như chỉ có những TS đạt mức điểm sàn (15 điểm).

Do đó, nhà trường hi vọng đợt xét tuyển NV2 sẽ tuyển được những TS có điểm cao (không đậu NV1 ở các trường ĐH top trên) sẽ nộp hồ sơ vào trường tầm trung như ĐH Tây Bắc. Khi đó, tuyển NV2 vào trường chắc chắn sẽ đủ chỉ tiêu. Có như vậy, chất lượng đầu vào của trường mới được nâng cao.

ĐH Tây Bắc là trường thuộc top dưới, không có sự cạnh tranh cao. Do đó, trong đợt xét tuyển đợt 1, hầu như chỉ có TS đến nộp hồ sơ vào trường và có rất ít TS đến rút hồ sơ để nộp các trường khác. Hôm qua, vẫn có một số TS rút hồ sơ ở các trường khác và nộp vào ĐH Tây Bắc.

Ông Bao cho rằng, năm nay các TS đã có đủ thời gian để suy tính đăng ký các nguyện vọng. Do đó, nếu các TS không tính toán kĩ và chạy theo các nguyện vọng thì có nguy cơ trượt cả những trường mình muốn vào. Cho nên cần nghiên cứu kĩ các trường cũng như khả năng của mình để có thể khi nộp hồ sơ vào thì đậu luôn thì tốt hơn.

Về kỳ thi, theo ông Bao nhận định, năm sau vẫn nên áp dụng phương án thi như năm nay nhưng nên để cho các em đăng ký nguyện vọng trước, để khi thi xong các em biết mình đỗ hay không thì tốt hơn.

Tương tự, ông Lê Văn Trưởng, Phó Hiệu trưởng ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cho biết: Trong đợt xét tuyển NV1, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) mới tuyển được 50% chỉ tiêu, tức là khoảng 1.400 hồ sơ (chỉ tiêu 2.500). ĐH Hồng Đức cũng là trường thuộc top dưới nên không có hiện tượng TS phải rút hồ sơ nộp vào các trường khác, cả đợt xét tuyển chỉ có 1,2 TS đến rút. Điều này có thể do các TS đã ý thức được khả năng và điểm số của mình khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường.

Ông nói thêm: Đối với các TS thuộc vùng Thanh Hóa, nhất là các TS thuộc diện khó khăn nếu có nguyện vọng học các ngành tại các trường ĐH lớn mà ngành đó ở ĐH Hồng Đức cũng đào tạo thì nên học ở đây để tiết kiệm cho gia đình. Bởi lẽ, thực tế 3 năm gần đây có khoảng 40-50 sinh viên thuộc diện khó khăn, khi học được 1, 2 năm ở các trường ĐH lớn nhưng không đủ điều kiện theo học lại phải chuyển về ĐH Hồng Đức. Các TS nên tính toán kĩ lưỡng, cũng như ý thức được khả năng của bản thân để đưa ra những lựa chọn phù hợp.

Th.S. Lê Việt Anh – Phó Trưởng phòng Đào tạo,
ĐH Ngoại Thương Hà Nội: Tư vấn “giời” thí sinh vẫn lo

Sau khi nhà trường đổi mới cách công bố điểm an toàn thì một loạt các TS cứ nhìn ngưỡng ấy có thể tính toán và lựa chọn ngành nghề phù hợp. TS nào thấy rủi ro cao hoặc vào những ngành chưa trúng thì các bạn rút ra. Số lượng cũng không nhiều lắm, chủ yếu là các bạn điều chỉnh nguyện vọng hoặc đến “ngắm nghía” là chính. Người ta lo cũng đúng, đặc biệt những bạn trong mức điểm phạm vi giáp ranh thì rất nguy hiểm, tư vấn “giời” người ta vẫn lo.

Đến thời điểm này, độ chênh lệch điểm không dao động nhiều nữa. Những bạn đã xác định rõ điểm mình ở mức nào thì người ta cũng có định hướng rồi. Chỉ là căn cứ vào điểm nộp vào đấy xin điều chỉnh các ngành với nhau thôi, điểm đấy sẽ dao động nhỏ. Biến động ở trường Ngoại Thương không phải là biến động đột biến, khi xác định vào đây các TS xác định khoảng điểm. Chủ yếu các bạn điều chỉnh từ những ngành cao sang những ngành thấp.

Bây giờ căn cứ quan trọng nhất là dự báo của các trường và mức điểm của TS để TS chọn và quyết định, chứ bảo khuyên nộp vào trường này hoặc trường kia, căn cứ nào để xác định thì không có số liệu để khuyên các bạn chọn cho chính xác. Biến động này nhà trường không thể dự báo chính xác được. Nhà quản lý, nhà trường, TS hoàn toàn bị động về việc này, không có dữ liệu để khuyên một cách chính xác. Tuy nhiên với thực tế nộp hiện nay, có thể yên tâm dự báo độ lệch trồi sụt mức điểm giữa các ngành các trường không cao, có nghĩa là nó sẽ ổn định so với các trường công bố. Nhà trường cũng đã có phương án huy động các phòng ban chức năng hỗ trợ thêm cho các TS, tạo điều kiện tối đa để TS rút hồ sơ sang các trường khác nộp.

Năm nay, ĐH Ngoại Thương có 64 chỉ tiêu tuyển thẳng. Theo quy định các TS sẽ đến làm thủ tục nhập học ngày 20-8. Phải đăng ký sớm để khi nhà trường gọi nhập học, các TS phải xác định học trường A, hay B vì đối tượng tuyển thẳng được nộp hồ sơ rất nhiều nơi.

Phong Vũ(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chạy nước rút để vào đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO