Chính sách phát triển toàn diện cho trẻ vị thành niên: Nhiều khoảng trống

Khanh Lê - Bảo Anh 03/03/2020 08:00

Theo thống kê mới đây nhất có khoảng 2,7 triệu em trong độ tuổi từ 16, 17 tuổi. Tuy nhiên, theo quy định Luật Trẻ em, định nghĩa trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi Bộ luật Dân sự quy định tuổi thành niên là từ đủ 18 tuổi đã khiến cho nhóm trẻ 16, 17 tuổi ở Việt Nam chưa được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em, song cũng chưa được hưởng các quyền và nghĩa vụ của người thành niên.

Chính sách phát triển toàn diện cho trẻ vị thành niên: Nhiều khoảng trống

Theo ý kiến nhiều chuyên gia việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 là một yêu cầu đúng đắn.

Thiếu và yếu

Ngay sau khi tham gia Công ước, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em năm 1991 (được sửa đổi năm 2004 và sau đó được thay thế bằng Luật Trẻ em năm 2016). Tuy nhiên, bên cạnh những quy định mới rất tiến bộ, Luật Trẻ em năm 2016 vẫn còn giữ một quy định gây tranh luận đó là về độ tuổi pháp lý của trẻ em. Cụ thể, Luật Trẻ em năm 2016 vẫn tiếp tục quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, trong khi Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em và một số điều ước, thỏa thuận quốc tế khác liên quan đến trẻ em mà Việt Nam đã ký kết, ví dụ như Công ước số 138 về độ tuổi lao động tối thiểu và Công ước số 182 về xoá bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đều quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.

Chia sẻ về những khoảng trống về chính sách đối với trẻ vị thành niên, TS Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam, cho rằng không chỉ ở Luật Trẻ em mà hiện nay chính sách, pháp luật về quyền trẻ vị thành niên còn nhiều khoảng trống. Ví dụ Luật Thanh niên chỉ quy định quyền của nhóm từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể về chính sách trên tất cả các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp, do vậy trên thực tế chưa thực hiện được. Đơn cử như: Người chưa thành niên trong độ tuổi 16, 17 khi tham gia các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động chưa được hưởng đầy đủ theo các yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng quy định tại Điều 70 của Luật Trẻ em.

Sớm điều chỉnh cho phù hợp

Xuất phát từ thực tế trên, mới đây Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp và UNICEF Việt Nam đã phối hợp tổ chức thực hiện “Nghiên cứu điều chỉnh tuổi pháp lý của trẻ em Việt Nam từ dưới 16 lên dưới 18 tuổi”. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc Luật Trẻ em của Việt Nam xác định trẻ em là người dưới 16 tuổi là chưa tương thích với Ủy ban về Quyền trẻ em (CRC) cũng như chưa phù hợp với quan điểm phổ biến của cộng đồng quốc tế về sự trưởng thành của trẻ em. Quy định như hiện nay cũng đang gây ra những khó khăn về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là trong việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền trẻ em, và việc bảo vệ, chăm sóc một cách toàn diện và hiệu quả nhóm trẻ 16, 17 tuổi. Chính vì vậy cần thiết phải điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 là một yêu cầu cấp thiết ở nước ta hiện nay.

Cùng với đó, trong lĩnh vực phúc lợi xã hội, cần sửa đổi chính sách trợ cấp, trợ giúp cho người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi giống như chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đưa nhóm độ tuổi 16,17 vào các chương trình bảo vệ trẻ em, phòng ngừa lao động trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và chương trình vui chơi giải trí của trẻ em.

Tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên cho thấy nhóm trẻ trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18 chiếm tỷ lệ cao nhất (61,1%) trong tổng số người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách phát triển toàn diện cho trẻ vị thành niên: Nhiều khoảng trống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO