Cơ chế kiểm soát quyền lực

Việt Thắng (ghi) 14/08/2017 09:05

Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước gồm: cơ chế kiểm soát bên trong hệ thống nhà nước, thực hiện dựa trên sự phân công quyền lực trong nội bộ bộ máy nhà nước; và cơ chế kiểm soát bên ngoài hệ thống nhà nước là quá trình nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước dựa trên sự giám sát.

Ông Lê Như Tiến.

Chưa làm hết trách nhiệm

Tuy nhiên 2 cơ chế trên chưa phát huy được tính hiệu quả và yếu ở khâu tổ chức thực hiện. Theo ông Lê Như Tiến- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, quyền lực đã được Hiến pháp quy định căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan để kiểm soát quyền lực. Như Quốc hội ra Luật, xây dựng pháp luật, đồng thời giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Giám sát của Quốc hội chính là kiểm soát quyền lực. Còn cơ quan hành pháp là Chính phủ điều hành hoạt động toàn xã hội. Nếu Chính phủ làm không tốt thì Quốc hội giám sát lại đó cũng là giám sát quyền lực.

Nhưng ngược lại có những quy định của Chính phủ đối với cán bộ công chức thì dù anh có làm việc ở đâu cũng phải thực hiện những quy định mà Chính phủ ban hành như: chế độ chính sách, lương bổng. Còn nếu anh không thực hiện được thì Chính phủ sẽ “thổi còi”. Cơ quan tư pháp, các cơ quan bảo vệ pháp luật như: điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì thực thi theo đúng các Luật mà Quốc hội ban hành. Nếu thực thi không đúng chính Quốc hội sẽ “thổi còi”. Nhưng ngược lại các cơ quan của Quốc hội là người ban hành Luật nhưng nếu không thi hành thì phải chịu sự phán quyết của cơ quan bảo vệ pháp luật. Đó chính là kiểm soát quyền lực.

Theo ông Tiến, nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội, MTTQ Việt Nam cũng có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan bộ máy nhà nước. Giám sát đó cũng là hình thức kiểm soát quyền lực. Nhưng nếu các cơ quan tổ chức chính trị-xã hội không thực hiện đúng pháp luật thì cũng bị các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan nhà nước tùy theo vi phạm để xử lý. Hay như Đảng cũng là cơ quan lãnh đạo đất nước đề ra chủ trương đường lối lớn nhưng Hiến pháp cũng quy định Đảng cũng phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Cá nhân hay tổ chức Đảng không tuân theo cũng bị xử lý theo Hiến pháp và pháp luật.

“Từ trước đến nay không phải chúng ta không có cơ chế kiểm soát quyền lực mà các cơ quan chưa làm hết vai trò trách nhiệm của mình. Đó chính là khâu tổ chức thực hiện. Chúng ta đã có các cơ quan để kiểm soát quyền lực như: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan giám sát của Quốc hội; thanh tra của Chính phủ từ Chính phủ cho đến các Bộ ngành, địa phương. Đó là nòng cốt để thực hiện quyền lực của mình; để kiểm soát quyền lực trong phạm vi chức năng nhiệm vụ. Trong thời gian qua cái chính không phải thiếu cung cụ văn bản pháp lý mà thực hiện chưa đầy đủ, chưa tốt”- ông Tiến nói.

Cơ chế nào để dân giám sát?

Đề cập đến quá trình nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước dựa trên sự giám sát, ông Tiến cho rằng đã có văn bản rồi, nhưng những quy định cụ thể để kiểm soát quyền lực cho dễ thực thi kiểm soát quyền lực lại chưa có quy định cụ thể. “Như nói nhân dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước nhưng cơ chế nào để cho nhân dân giám sát? Hay các cơ quan nhà nước là công bộc của dân nhưng lại hành dân thay vì phục vụ nhân dân. Nếu hành dân thì nhân dân có quyền giám sát lại hoạt động của cơ quan nhà nước, nhưng dân phản ánh có xử lý không? Cuối cùng vẫn là cơ chế để cho người dân, cử tri giám sát thì lại chưa đầy đủ, chưa thành những quy định cụ thể”- ông Tiến phân tích.

Đưa ra dẫn chứng “ví dụ như cử tri giám sát ĐBQH, nhưng nếu ĐBQH có hoạt động không đúng, hoặc cả nhiệm kỳ không làm tròn vai trò của ĐBQH”, ông Tiến đặt vấn đề: Vậy cử tri bãi nhiệm ĐBQH do mình bầu ra bằng cơ chế nào? Nhân dân có quyền giám sát các cơ quan nhà nước vậy cơ chế nào để cho nhân dân và cử tri giám sát thì lại chưa có. Nhà nước pháp quyền nhưng trong thực tế nhiều khi không xử sự bằng pháp quyền mà bằng “cú điện thoại”, “bức thư tay”, “lời thì thầm to nhỏ” chưa kể nhiều trường hợp phải lót tay, bôi trơn. Nếu cứ như vậy thì khó mà kiểm soát quyền lực.

“Đoàn giám sát của Quốc hội, hay Thanh tra Chính phủ chính là giám sát quyền lực nhưng nếu không thực thi hết trách nhiệm của mình, chỉ nghe “dăm câu ba điều, vui vẻ với nhau” thì làm “méo mó” quyền lực. Nói vậy để thấy cơ chế thì có, quy định pháp luật thì có, nhưng quá trình thực thi cứ bị méo mó, vơi dần đi. Cho nên chức năng nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là thực thi cho đúng pháp luật”- theo ông Lê Như Tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ chế kiểm soát quyền lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO