Kiểm soát quyền lực ngay từ khâu bổ nhiệm cán bộ

Lục Bình (thực hiện) 03/05/2017 08:35

Chúng ta đau xót với việc một số đồng chí mắc khuyết điểm, sai lầm. Tất nhiên rồi, với pháp luật thì không phân biệt người vi phạm là ai. Xử lý hiện tượng sai phạm thì rõ rồi, mức độ, xử lý cả người đã nghỉ, cả người đương chức cũng là dấu hiệu tốt, nhưng có lẽ phải đi sâu hơn để làm rõ nguyên nhân của những sai phạm này là gì- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS Nguyễn Trọng Phúc, đã khẳng định như vậy với Đại Đoàn Kết.

Ông Nguyễn Trọng Phúc.

PV: Ông có bình luận gì về việc ngày 27/4, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo kỷ luật, đề nghị kỷ luật đối với một số cán bộ sai phạm?

Ông Nguyễn Trọng Phúc: Đã có nhiều cán bộ cấp cao được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật. Đây cũng là quyết tâm chính trị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị trong việc siết chặt kỷ luật của Đảng, xử lý nghiêm biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong Đảng. Tôi cho rằng, đây là là dấu hiệu đáng mừng củng cố được niềm tin của nhân dân với Đảng nhất là từ sau Hội nghị Trung ương 4 khóa IX đến nay.

Tuy nhiên, với tư cách là một người dân, tôi mong cố gắng làm rõ hơn nguyên nhân của những sai phạm của những cá nhân ấy. Xử lý sai phạm thì rõ rồi, mức độ, xử lý cả người đã nghỉ, cả người đương chức cũng là dấu hiệu tốt, nhưng có lẽ phải đi sâu hơn để làm rõ nguyên nhân của những sai phạm này là gì.

Theo tôi, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đạo đức dẫn tới sai phạm của đương sự là điều đương nhiên phải làm nhưng cần thấy hết trách nhiệm của các tổ chức Đảng ở nơi có cán bộ suy thoái như vậy. Tại sao sai phạm kéo dài như vậy mà tổ chức không biết, vai trò tổ chức Đảng ở đó thế nào, còn có vai trò lãnh đạo không, sức chiến đấu ra sao, bị thao túng thế nào, những điều này phải phân tích rõ. Rồi cấp trên phải chịu trách nhiệm ra sao, tại sao trong bổ nhiệm cán bộ cứ ông này sai lại được chuyển đi nơi khác thậm chí lại thăng chức cao hơn, dư luận không đồng tình. Nhưng khi đưa ông khác vào vị trí đấy lại sai, lại chuyển lại bổ nhiệm ông khác... Phải quy trách nhiệm cho cấp quản lý đơn vị để xảy ra sai phạm vì NQTƯ 4 nói rõ, trách nhiệm của người đứng đầu nếu ngành, địa phương, đơn vị anh xảy ra chuyện gì, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Ý ông là phải nói rõ căn nguyên của sai phạm mới tránh được những sai phạm đáng tiếc xảy ra trong tương lai?

- Đúng vậy. NQTƯ 4 khóa IX nói, trong thời gian vừa qua chúng ta đã giao cho một số cán bộ quản lý một khối lượng tài sản của cải vật chất rất lớn mà không kiểm soát. Không có cơ chế kiểm soát người ta mặc nhiêm có trong tay tiền nên vừa rồi sai phạm chủ yếu ở ngân hàng và DNNN nắm tài sản lớn. Giao quyền lực mà không đi kèm cơ chế kiểm soát là điều đáng phải suy nghĩ.

NQTƯ 4 khóa XII tiếp tục nhấn mạnh: Kiểm soát quyền lực, ở đây có quyền lực người nắm chính quyền và người nắm các DNNN. Tài sản lớn như vậy, anh kiểm soát người ta thế nào cho tốt. Kiểm soát quyền lực ngay từ khâu tuyển dụng, lựa chọn bổ nhiệm cán bộ quản lý, khâu này lỏng không kiểm soát được làm họ thao túng lợi ích phe cánh, đưa người thân rất nguy hiểm, dễ tiêu cực, hậu quả được báo trước. Do đó cần làm chặt khâu tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Ai cũng biết cán bộ là khâu chốt của then chốt, lỏng khâu này sẽ xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Suy nghĩ của ông khi nhiều cán bộ cấp cao bị xem xét kỷ luật?

- Phải nói rằng, đối với mỗi đồng chí cán bộ của Đảng ta, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cao cấp khi bị kỷ luật thì những người đảng viên chân chính cũng đau lắm. Đau vì đồng chí của mình đã bao nhiêu năm phấn đấu gian khổ để có được như ngày hôm nay mà bị kỷ luật thì Đảng mất đi một cán bộ đã được rèn luyện. Nhưng đau cũng phải làm theo phép công.

Việc nhiều cán bộ thời gian gần đây liệu có thể hiện tín hiệu đổi mới trong công tác xem xét kỷ luật của Đảng, thưa ông?

- Càng ngày dân càng tin rằng Đảng nói là làm. Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng về hưu là hạ cánh an toàn nhưng không phải thế. Một loạt các đồng chí về hưu thì Ban Chấp hành Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư vẫn có những hình thức kỷ luật. Tôi rất hoan nghênh với xu hướng dân chủ hoá trong Đảng nghiêm túc, không có vùng cấm trong việc xử lý kỷ luật để xây dựng Đảng. Như vậy, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và kỷ cương pháp luật ngày càng tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, kỷ luật ở đây không phải kỷ luật cho xong. Tôi chỉ mong muốn là tất cả cán bộ đảng viên và mọi người phải lấy đó làm gương. Tất cả những người đã vi phạm lấy đó làm bài học, không bao giờ có sai sót. Những người vi phạm dù nhỏ hay lớn thì lấy đó làm bài học để dừng ngay việc mình đang làm sai.

Làm sao để kiểm soát quyền lực, tránh xảy ra những sai phạm đáng tiếc như thời gian vừa qua, thưa ông?

- Phải phát huy sức mạnh của báo chí, của nhân dân trong việc giám sát các hành vi của cán bộ. Muốn làm được điều này cần tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam. Thời gian tới, UBTƯ MTTQ Việt Nam mà trước hết là Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phải triển khai một cách chặt chẽ hơn, huy động toàn dân tham gia vấn đề giám sát, phản biện xã hội đối với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Giám sát với cán bộ viên chức của nhà nước ở tất cả các cấp. Đặc biệt là giám sát qua nơi ở của các đồng chí đó. Với tai mắt của dân thì chắc rằng tình trạng để phải kỷ luật hàng loạt cán bộ trong thời gian vừa qua sẽ hạn chế.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát quyền lực ngay từ khâu bổ nhiệm cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO