Ký ức không thể nào quên

Thành Luân 01/09/2018 08:00

Từ anh bộ đội Cụ Hồ, nhà báo, nhà văn, cán bộ từ bưng biền đến những người dân từ miền Trung, miền Bắc tiến vào Sài Gòn những ngày đầu tháng 5/1975, đều có chung cảm xúc không bao giờ quên. Nhất là khi Quốc khánh 2/9 đến.

Ký ức dội về

Ông Đặng Đình Sớm- cựu chiến binh tại mặt trận Vị Xuyên, nay là Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 6, xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhớ như in những ngày sau giải phóng, cánh quân của ông tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam được người dân mang theo ảnh Bác Hồ, cờ và hoa chào đón hai bên đường. Những người lính rất tự hào, đôi chân bước dọc ngang không biết mệt mỏi, cảm giác phấn chấn, có lúc cảm tưởng tim mình đập nhanh hơn, hồi hộp, lâng lâng. “Đi trên khắp đường phố những ngày tiếp quản, cảm giác của người chiến thắng, cảm giác đất nước thống nhất, Nam Bắc nối liền một dải, thế hệ chúng tôi không ai có thể quên được”- ông Sớm xúc động.

Còn đối với cụ Nguyễn Văn Toàn (79 tuổi, cựu chiến binh thuộc đơn vị bảo vệ Lăng, hiện sống cùng gia đình tại Q3, TPHCM) là một trong số những người vinh dự vào tiếp quản Sài Gòn những ngày sau giải phóng, nói dù giai đoạn sau giải phóng chính quyền lâm thời phải giải quyết nhiều vấn đề về an ninh trật tự và các phần tử chống đối còn cố thủ, thế nhưng, không khí người dân ở đây thì rất đặc biệt. Nhiều người cảm nhận được độc lập, hòa bình khi đường phố không còn tiếng súng, không còn bị áp bức. Cuộc sống của người dân nhanh chóng ổn định, về mặt hành chính được sắp xếp lại hợp lý hơn…

Nhà báo Trần Thanh Phương- nguyên Phó Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết xúc động mỗi lần chúng tôi hỏi về ký ức những ngày Quốc khánh. Ông nói không lúc nào quên được không khí thành phố Sài Gòn - Gia Định những ngày ấy. Trong cuốn nhật ký được ghi chép cẩn thận từ ngày 25/5/1975 đến ngày 30/4/1980, ông đã dành phần lớn thời gian thuật lại những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn. “Những ngày ấy, gặp ai tôi cũng muốn chào, muốn nói một câu gì đó cho thỏa những ngày mong đợi. Dường như bất cứ thứ gì từ xa lạ, lần đầu gặp, tôi cũng đều cảm nhận một cảm giác thân quen đến khó tả”.

Ông Phương kể, vào ngày 25/5/1975, khi tiến vào tiếp quản Sài Gòn, ông nhớ như in hình ảnh một em nữ sinh khoảng 16, 17 tuổi tự nguyện mang băng đỏ, đứng giữa ngã tư đường phố để giữ trật tự giao thông. Lá cờ giải phóng treo bên cạnh một khẩu hiệu chống cộng chưa kịp xóa đi. Một người ăn xin, một trẻ bụi đời, một người mang bệnh cùi nằm trước cửa chợ, một nhóm thanh niên đang ngồi chích xì ke ở bến Bạch Đằng, một băng cướp có vũ khí công khai hoạt động... Ông bảo, vào những ngày ấy, chỉ cần bước ra đường phố là bất cứ ai cũng có thể thấy ngay bao cảnh như thế.

Còn trong đoạn trích đề ngày 26/5/1975, ông Phương chép lại câu chuyện của Nguyễn Thanh Dũng- nguyên cán bộ quân đội xuất ngũ trở về Sài Gòn, nơi có cha mẹ, các em và bà con thân tộc của anh, nhưng chiến tranh đã thay đổi tất cả. “Về đến Đa Kao, nơi Dũng chào đời, thì ngôi nhà xưa của anh không còn nữa. Chỗ mảnh đất ấy là một tòa nhà được xây rộng ra và cao tầng. Những cánh cửa sắt từ lầu một đến lầu ba khóa chặt lại…”.

Hân hoan ngày Quốc khánh

Có mặt ở thành phố Sài Gòn từ tháng 6/1975, người cựu chiến binh sư 338 - Khưu Thoại Sỹ còn nhớ như in không khí người dân đón chờ dịp Quốc khánh đầu tiên, kể từ sau khi thành phố được giải phóng. Đó là cảnh tượng thành phố rợp cờ hoa, những nụ cười và nước mắt hạnh phúc trong ánh mắt của những người già, trẻ nhỏ. Từ khắp các nhà máy, trường học rộn vang tiếng hát, những bài ca về mùa Thu cách mạng, công cuộc giải phóng miền Nam, ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại,…

Nguyên Đại tá Ba Phương- hiện sống tại Q10, TPHCM nói, ở ngay trên khu vực bà sống nhiều người chứng kiến thời khắc những ngày huy hoàng ấy vẫn còn giữ nhiều vật dụng như ký ức của thời chiến, từ bàn, ghế, tủ, giường, các vật dụng sinh hoạt rất nhỏ bé. Còn nói về ký ức của bản thân, người nữ cựu chiến binh xúc động nhớ khoảnh khắc gặp lại chồng sau giải phóng. Bà không thể nhớ nổi, không tưởng tượng nổi mình đã hạnh phúc thế nào khi được gặp lại gia đình, người thân, khi quê hương miền Nam hân hoan hưởng những ngày hòa bình, tự do.

Gần đến ngày Quốc khánh, vào ngày 22/7/1975, nhà báo Trần Thanh Phương khi có mặt tại khu vực trước Dinh Độc Lập, đã chứng kiến cảnh xúc động khi một bà lão hết đứng nhìn các chiến sĩ làm công tác bảo vệ, lại nhìn vào khoảng trống ở trước dinh. Nước mắt bà dàn dụa. Ông kể, nhiều người đi qua đường không ai hiểu sự tình ra sao. Các anh bộ đội thì cố hỏi tại sao bà buồn, bà nói: Đến đây thấy các con mà má khóc. Má có bốn người con, ba trai một gái đều đã hy sinh cho cách mạng. Ba con cũng thoát ly kháng chiến, bị bắt và chết trong tù. Bây giờ đất nước hòa bình, độc lập, được gặp lại bộ đội, nhìn Sài Gòn giải phóng, má nhớ các con má quá!... Các con hãy để cho má khóc một chút. Nghe bà lão nói, hầu hết các chiến sĩ đều đứng lặng. Không ai dám hỏi người mẹ anh hùng ấy thêm câu nào nữa, kể cả quý danh và quê quán của bà.

Nhiều những kỷ niệm, ký ức không thể nào quên của những nhân chứng, những người may mắn chứng kiến thời khắc những ngày giải phóng Sài Gòn, ngày đón chờ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên ở thành phố mang tên Bác. Trong lòng họ, đến nay còn chộn rộn, bâng khuâng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức không thể nào quên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO