Ngày chất vấn thứ hai: Chờ đột phá từ ngành quốc sách

13/06/2015 13:20

Chiều qua (12-6) phần chất vấn của ĐBQH có liên quan đến vấn đề đổi mới của ngành GD-ĐT, như đổi mới cách tổ chức kỳ thi THPT, đổi mới chương trình- SGK, đổi mới cách đánh giá học sinh (Thông tư 30) đã lần lượt được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời. Theo chương trình, sáng nay (13-6), phiên chất vấn sẽ tiếp tục với phần giải trình làm rõ các vấn đề của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Ngày chất vấn thứ hai: Chờ đột phá từ ngành quốc sách

Ảnh: Nguyễn Quân

Thi theo cụm chưa nhận được sự đồng tình

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, chủ trương tổ chức kỳ thi quốc gia chung với đại học theo cụm chưa nhận được sự đồng tình. "Điều kiện đi lại khi thi cụm rất khó khăn, học sinh đăng ký thi thấp, tỷ lệ thi không cao làm sao đảm bảo nâng cao năng lực cho miền núi?”- ông Sinh nêu vấn đề. Trước sự lo lắng của cử tri về thay đổi trong kỳ thi sẽ dẫn đến kết quả thay đổi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: "Việc chấm, coi thi có quy chế, thầy cô giáo ở địa phương hay Trung ương các trường đại học đều coi học sinh là học sinh thân yêu của mình. Có ba-rem điểm kỹ càng, quá trình thi là hoạt động giáo dục quan trọng, không có chỗ cho gian lận trong thi cử. Chúng tôi đã họp bàn kỹ và mong các cháu yên tâm làm bài một cách cố gắng nhất. Chắc chắn sẽ không có những cú sốc lớn”.

Ngày chất vấn thứ hai: Chờ đột phá từ ngành quốc sách - 1

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn tại Hội trường, ngày 12-6

Ảnh: Hoàng Long

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, trong đổi mới thầy cô nhận phần khó khăn về phía mình còn dành phần thuận lợi cho học sinh. Trước những băn khoăn mà các ĐBQH đặt ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Có 2 loại cụm thi, cụm chỉ thi tốt nghiệp phổ thông chỉ thi tại huyện về cơ bản không khó khăn. Còn có nhu cầu vào đại học, trước đây phải khăn gói về các thành phố lớn đi quãng đường rất xa, bây giờ khoảng cách phải đi gần hơn vì chúng tôi bố trí 38 cụm. "Theo đó, thay đổi này không làm cho các cháu và gia đình vất vả thêm mà giảm số lần đi, trước 2 lần nay là 1 lần nên không có gì khó khăn hơn. Các cháu ở miền núi do thiệt thòi không được hưởng nền giáo dục như các bạn thành phố nên đã có điểm ưu tiên, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo ưu tiên thế không đảm bảo chất lượng, nhưng thực sự phải ưu tiên nguồn nhân lực cho khu vực khó để họ có điều kiện học lên”- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Ngày chất vấn thứ hai: Chờ đột phá từ ngành quốc sách - 2

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận

Chỗ khen quá, chỗ quá khắt khe

Theo ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM), đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều giáo viên, nhiều trường em nào cũng được khen, Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Trường tự chủ về tài chính thì học phí tăng, nhiều sinh viên nghèo không có cơ hội học. Sinh viên ra trường không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Vậy ý kiến của Bộ trưởng thế nào?- ông Minh đặt câu hỏi. Giải trình, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, việc đánh giá học sinh là bước chuyển phù hợp với thực tế đang triển khai tại các nước có nền giáo dục phát triển, nhằm thay đổi động lực từ học vì điểm số sang học để hình thành kỹ năng, phẩm chất của con người. Quá trình này nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm quốc tế đã thực nghiệm trong 3 năm trên 1.000 trường nhưng triển khai đồng loạt có trục trặc như có chỗ khen quá, có chỗ khắt khe quá. Gia đình không biết điểm số, kết quả. "Chúng tôi sẽ có điều chỉnh”- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết đồng thời nhấn mạnh, nhưng cái thấy rõ nhất là học thêm, dạy thêm đã giảm đi. Cân chỉnh lại động lực học tập của các cháu, tránh phân loại học sinh, học sinh yếu thì tự ti còn giỏi thì chủ quan dẫn đến tự mãn, áp dụng phương thức mới này sẽ khắc phục được những vấn đề trên.

ĐB Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề cập đến vấn đề bạo lực học đường gia tăng, giải pháp nào giải quyết tình trạng này? Trả lời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: Bạo lực học đường thì có nhiều nguyên nhân. Hiện những hoạt động trải nghiệm của các cháu thiếu điều kiện triển khai nên dẫn đến việc các cháu phát triển mất cân đối, trong khi đang tuổi lớn nên mới có việc bạo lực học đường. Vì thế Bộ GD-ĐT đã đưa nhiều môn liên quan đến vấn đề đạo đức, dạy các cháu lòng yêu nước, giáo dục công dân, đưa các môn đó trở thành môn văn hóa. Chuyển quá trình truyền đạt kiến thức cơ bản sang trải nghiệm, hỗ trợ để các cháu hình thành thói quen tự học. "Chỉ có cho các cháu trải nghiệm thực tế thì mới giúp các cháu trưởng thành như mong muốn”- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay.

Nhóm PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày chất vấn thứ hai: Chờ đột phá từ ngành quốc sách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO