'Có đi mà không có lại' làm dân chán

Thùy Dương 08/08/2015 09:20

Đó là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra tại hội nghị giới thiệu quy trình tổ chức hội nghị tham vấn do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 7/8. Từ đó nhiều ý kiến đề nghị cần phải trả lời ý kiến tham vấn của người dân trong quá trình đóng góp xây dựng pháp luật. Đồng thời phải xác định rõ trách nhiệm, quy định rõ ràng trong công tác tham vấn.

Quang cảnh hội nghị (nguồn: laodong.com.vn).

Vấn đề được nhiều ĐB đề cập chính là việc trả lời ý kiến tham vấn, bởi thực tế trong quá trình đóng góp ý kiến tham vấn, người dân không nhận được phản hồi ý kiến có được tiếp thu hay không?

Kết quả nghiên cứu “Đánh giá sự tham gia của công chúng vào quy trình lập pháp hiện nay” của Thư viện Quốc hội (Văn phòng Quốc hội) cho thấy, các ĐBQH và 4 nhóm đối tượng tham vấn cho rằng tiếp thu phản hồi hiện đang là khâu yếu nhất trong quá trình tham vấn công chúng hiện nay.

Khi được hỏi chỉ có 12,4% ĐBQH cho rằng việc phản hồi ý kiến của cử tri đóng góp vào các dự án luật pháp lệnh được thực hiện đầy đủ; 22,2% cơ quan truyền thông được hỏi cho rằng có hồi đáp kịp thời; 22,2% nhận xét có hồi đáp nhưng không kịp thời; còn lại cho biết cơ quan Nhà nước không phản hồi hoặc không có ý kiến.

“Đáng chú ý, tham vấn chưa phản hồi được ý kiến của người dân rằng ý kiến của họ có được tiếp thu hay không? khi thực tế thời gian qua rất ít, có chăng là báo cáo tiếp thu giải trình của Quốc hội được đưa lên mạng nhưng đó cũng chỉ là báo cáo chung mà thôi” - ông Lê Hà Vũ, Thư viện Quốc hội (Văn phòng Quốc hội) bày tỏ.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, hoạt động tham vấn điều tra xã hội và việc phản hồi cũng rất hạn chế, ngay ý kiến của ĐBQH cũng chưa được tiếp thu cao. ĐBQH còn như vậy thì người dân cũng chỉ được nghe ý kiến một chiều nên chất lượng tham vấn thấp.

Theo ông Vũ, đa số các nhóm tham gia góp ý trong nghiên cứu này đều nhận định rằng thông tin lập pháp không cập nhật, không minh bạch đã thực sự trở thành những rào cản không nhỏ đối với hoạt động tham vấn công chúng. Có tới 68,3% tổ chức xã hội; 52,9% chuyên gia tiếp cận các thông tin về các dự thảo văn bản pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí cũng chưa được cung cấp thông tin liên quan tới các văn bản quy phạm pháp luật một cách đầy đủ, chủ yếu mới tiếp cận được dự thảo còn các văn bản đi kèm đánh giá tác động bị ảnh hưởng của chính sách ra sao thì chưa được thể hiện.

Đề cập tới vấn đề ai là người được hưởng lợi từ kết quả tham vấn và trách nhiệm như thế nào đối với ý kiến tham vấn, ông Đặng Đình Luyến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, theo quy định pháp luật hiện nay trách nhiệm giao cho cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, và các cơ quan khác có liên quan. Là cơ quan tổ chức tham vấn nên những cơ quan này chính là người được hưởng kết quả tham vấn bởi khi người dân góp ý kiến thì anh được hưởng lợi để mà hoàn thiện chính sách.

Tuy nhiên, theo ông Luyến “trách nhiệm của các cơ quan này chưa rõ, chưa toàn diện khi có tổ chức tham vấn nhưng tiếp thu, giải trình chưa công khai minh bạch”.

Trước vấn đề ý kiến tham vấn nhưng không được phản hồi, ông Nguyễn Chí Dũng- nguyên Tổng Biên tập tạp chí Nghiên cứu lập pháp cho rằng “có đi mà không có lại” làm cho người dân chán. Cho nên phải có đi có lại, tức là phản hồi cho người dân, và đó chính là món nợ.

“Nhiều khi người đi tham vấn xong lại quên luôn vì thế cần phản hồi cho người dân vì đó là trách nhiệm”- ông Dũng bày tỏ quan điểm.

Sau khi đưa ra một loạt dẫn chứng, ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị, phải có người chịu trách nhiệm trong nhận và trả lời ý kiến phản hồi của người dân, sau đó công khai với người dân, bởi vừa qua chưa có đối thoại rõ ràng minh bạch nên nhiều chính sách người dân phải âm thầm chịu đựng. Khi quá mức chịu đựng người dân mới phản ứng. Vì tham vấn còn hạn chế nên phải xác định rõ trách nhiệm, quy định rõ ràng trong công tác tham vấn”- ông Bảo nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Có đi mà không có lại' làm dân chán

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO