Chống dịch cần linh hoạt

Tinh Anh 29/09/2021 10:00

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề nghị UBND 6 quận, huyện (quận 7, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú và huyện Bình Chánh) chấn chỉnh tình trạng các phường, xã, thị trấn ép bệnh nhân Covid-19 đi chữa bệnh tập trung, trong khi họ đủ điều kiện chữa bệnh tại nhà. Điều này khiến người dân bức xúc, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho các F0.    

Thực tế tại TP HCM trong mấy tháng qua cho thấy, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, ca mắc mới mỗi ngày tăng cao dẫn đến hạ tầng cơ sở y tế bị quá tải. Vì thế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã cho chủ trương để địa phương này thực hiện việc cách ly, chữa bệnh các F0 tại nhà nếu đảm bảo điều kiện theo quy định.

UBND TP HCM cũng đã có văn bản quy định về việc thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc, quản lý F0 tại nhà. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương tạo điều kiện cho người mắc Covid-19 được cách ly và chữa bệnh tại nhà, chỉ chuyển cách ly tập trung nếu gia đình F0 đông người, chật hẹp không đảm bảo yêu cầu, hoặc có bệnh nền chưa ổn định.

Lẽ ra, lãnh đạo các quận, huyện, thành phố, phường, xã, thị trấn phải nắm vững quy định của UBND TP HCM để có các giải pháp phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Song, cho đến tận bây giờ, nhiều lãnh đạo chính quyền cơ sở vẫn rất mơ hồ về phương pháp phòng dịch của thành phố, dẫn đến việc mỗi nơi áp dụng chống dịch một kiểu.

Thậm chí, theo lời Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, lãnh đạo một số địa phương gom toàn bộ ca mắc Covid-19 vào khu cách ly do “hiểu nhầm” ý nghĩa việc “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng. Họ hiểu một cách cơ học rằng, tách F0 trong cộng đồng để tránh lây lan dịch bệnh có nghĩa là phải đưa vào khu cách ly tập trung.

Nếu thực sự các F0 đều được gom vào khu tập trung để chữa bệnh, thử hỏi với hạ tầng cơ sở y tế của TP HCM liệu có thể đáp ứng được không? Chắc chắn là không thể đủ nhân lực, vật lực y tế để “tải” hết hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày rồi. Một bài toán đơn giản như vậy, nhưng một số lãnh đạo chính quyền cơ sở lại không hiểu là cớ làm sao?

Thực tế việc triển khai cho F0 chữa bệnh tại nhà của TP HCM trong thời gian 2 tháng qua đã chứng tỏ hiệu quả thiết thực. Người dân yên tâm hơn, không còn bị rơi vào trạng thái lo lắng vì phải đi cách ly, chữa bệnh tập trung. Điều này giúp cho các F0 nhanh chóng hồi phục sức khỏe, đồng thời góp phần giảm tải cho các cơ sở chữa bệnh tập trung.

Một giải pháp hiệu quả, “nhất cử lưỡng tiện”, vừa đỡ quá tải hạ tầng y tế của thành phố, vừa đạt hiệu quả chữa bệnh cho F0 như vậy, hà cớ gì lãnh đạo chính quyền cơ sở lại không muốn thực hiện? Lẽ nào chính quyền cấp cơ sở lo ngại để các F0 chữa bệnh tại nhà sẽ vất vả vì phải “để mắt chăm nom”, nếu sơ sảy bị lây lan ra cộng đồng sẽ bị kỷ luật?

Muốn phòng, chống dịch hiệu quả ngoài việc phải tuân thủ nghiêm túc các quy định “cứng”, thì cũng cần linh hoạt trong từng bối cảnh và trường hợp cụ thể, chứ không nên cứng nhắc theo kiểu 1+1=2. Bên cạnh đó, cũng cần mỗi cán bộ, nhân viên thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch có tâm, nhiệt huyết, không ngại khó khăn vất vả, thậm chí hy sinh lợi ích bản thân, hết lòng cho cuộc chiến với “giặc dịch”, có vậy mới mong giành thắng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống dịch cần linh hoạt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO