Chống lợi ích nhóm trong quy hoạch xây dựng

H.Vũ 17/08/2017 08:05

Ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhóm vấn đề: Công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị; Việc hướng dẫn, kiểm tra, quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển gắn với giao thông đô thị. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, về cơ bản không có trục lợi, nhưng ở một số trường hợp cụ thể có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm trong lập và tổ chức thực hiện quy hoạch

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn sáng 16/8.

Có hay không việc biết trước quy hoạch để trục lợi?

Di dời cơ quan trụ sở chậm
do thiếu tiền

Trả lời về việc di dời các cơ quan, trụ sở, trường học, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố đang diễn ra chậm, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Thủ tướng đã có Quyết định 130, trong đó nêu rất cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành. Hiện tốc độ rất chậm thứ nhất do việc bố trí đất quy hoạch để di dời, bởi phải nghiên cứu dành đủ đất. Thứ hai, các bộ ngành liên quan chưa có đề án cụ thể về số lượng đơn vị di dời. Thứ ba do nguồn lực thiếu. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu cơ chế khuyến khích tạo nguồn lực xã hội hóa. Riêng Hà Nội và Bộ đã trình Chính phủ di dời 1 số trụ sở cơ quan ra Mễ Trì, Tây Hồ Tây bao gồm 17 cơ quan. Tất cả đã tính toán chỉ còn thiếu nguồn lực. Bộ sẽ trao đổi với Hà Nội sau đó báo cáo Chính phủ về các khu để tạo nguồn lực. Nếu không có nguồn lực thì khó di dời được.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng, thực tế cho thấy quy hoạch thiếu tầm nhìn, hầu hết có vấn đề môi trường như rác thải, ùn tắc giao thông, thiếu trầm trọng khu vui chơi, giải trí. Từ đó bà Thúy đặt vấn đề: “Có hay không việc biết trước quy hoạch để trục lợi? Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này? Bộ trưởng chỉ đạo thanh tra kiểm tra như thế nào và đã xử lý trách nhiệm ai chưa?”

Theo ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, lâu nay cử tri bức xúc tình trạng xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, rừng đặc dụng, đất nông nghiệp và cả đất quốc phòng. “Thanh tra chuyên ngành có các ngành chức năng để thực hiện nhưng việc xử lý chưa nghiêm. Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và có cam kết không để tình trạng này xảy ra thời gian tới hay không?” - bà Thuỷ nói. Quốc phòng An ninh nêu vấn đề: “Những vi phạm trong quy hoạch xây dựng, do lợi ích nhóm nên nhiều công trình thực hiện không nghiêm. Không xây dựng chung cư trong các quận trung tâm giờ lại xây dựng chung cư trong ngõ. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận còn những mặt hạn chế trong chất lượng lập quy hoạch, tầm nhìn quy hoạch có cái chưa đảm bảo, có cái ngắn quá, cái dài quá. Dự báo số liệu đưa ra mục tiêu nội dung, quy trình chưa phù hợp với điều kiện kinh tế cụ thể của đất nước dẫn đến tính khả thi chưa được tốt. Sự khớp nối thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa tốt cũng ảnh hưởng tới chất lượng quy hoạch từ đó dẫn tới một số điểm quy hoạch treo. “Việc tổ chức, quản lý quy hoạch còn chậm và không đồng bộ, chắp vá. Cái đáng lẽ làm trước lại làm sau, đáng làm toàn phần lại làm một phần. Nguyên nhân do cơ quan quản lý Nhà nước làm không thật đúng chức trách. Việc thanh tra, kiểm tra có thực hiện nhưng có lúc không thường xuyên liên tục, xử lý một số vụ chưa cương quyết kịp thời tạo tiền lệ nhất định cho vi phạm lần sau”- ông Hà nói.

Đồng thời ông Hà cũng cho rằng “về cơ bản tổng thể không có trục lợi, nhưng ở một số trường hợp cụ thể có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm trong lập và tổ chức thực hiện quy hoạch. Do đó, sắp tới Bộ sẽ đề xuất công cụ quản lý để hạn chế việc này, bảo đảm quy trình chặt chẽ, tiếp thu được giám sát cộng đồng và ý kiến người dân để bảo đảm điều chỉnh quy hoạch phù hợp”.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng cho biết, tình trạng xây dựng sai phép, không phép là có thật. Thời gian qua các địa phương đã tăng cường quản lý nên tỷ lệ sai phép giảm dần nhưng vẫn còn rất lớn. Để xảy ra tình trạng trên trước hết là việc cấp giấy phép nhưng không đúng quy hoạch chi tiết hay thiết kế đô thị khu vực đó. Bên cạnh đó còn có việc cấp giấy đúng nhưng chủ đầu tư cố tình vi phạm, rồi không thường xuyên thanh tra kịp thời hay thanh tra rồi nhưng có vụ việc xử lý không dứt điểm. “Hiện Bộ đang trình nghị định mới sau khi tổng hợp thực tiễn để làm sao đưa ra công cụ kiểm soát tốt hơn, bố trí lực lượng thanh tra tốt hơn và có chế tài phù hợp”- ông Hà đưa ra giải pháp.

Công trình vi phạm sao vẫn “án binh bất động”?

Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Hồng- Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh về việc vi phạm quy hoạch xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh tại Linh Đàm (Hà Nội); hay tòa nhà 8B Lê Trực đến nay vẫn “án binh bất động” vậy trách nhiệm của Bộ Xây dựng và TP Hà Nội thế nào? Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra sai phạm ở khu vực Linh Đàm của Tập đoàn Mường Thanh. Tuy nhiên việc xử lý vi phạm có trách nhiệm của địa phương, về việc này Hà Nội cũng đôn đốc xử lý trách nhiệm của đơn vị này.

“Về việc xử lý nhà 8B Lê Trực, TP Hà Nội đã kiên quyết xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ. Dù việc xử lý là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng do đây là vấn đề lớn, nên Bộ đang phối hợp mời các chuyên gia thẩm định phương án xử lý phần giật cấp của công trình. Trong tháng 8 Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến chính thức về phương án phá dỡ giai đoạn hai phần sai phạm công trình 8B Lê Trực”- ông Hà cho hay.

Nhận trách nhiệm chậm xử lý phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, trả lời thêm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực và đến nay đã hoàn thành xử lý giai đoạn một là cắt ngọn tầng 19. Tuy nhiên từ tầng 14 đến 18 xử lý việc giật cấp theo đúng giấy phép xây dựng, thành phố và chủ đầu tư đang trình Bộ Xây dựng phương án kỹ thuật xem có đảm bảo an toàn cho các hộ dân về sau đến ở hay không? Nếu không thì chuẩn bị phương án khác. “Việc chậm xử lý sai phạm tại nhà 8B Lê Trực là do đặt vấn đề an toàn cho toà nhà, cho người dân sau này ở đó. Với trách nhiệm cá nhân tôi xin hứa sẽ cùng với Bộ Xây dựng đẩy nhanh quá trình. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những vi phạm tại nhà 8B Lê Trực”- ông Chung nói.

Đề cập đến các công trình vi phạm xây dựng trên địa bàn thành phố, ông Chung cho biết quá trình phê duyệt quy hoạch chi tiết đều được Hà Nội phê duyệt đúng theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu Chính phủ phê duyệt. Nhưng có một số chủ đầu tư vi phạm liên quan đến quy định về mật độ xây dựng, chiều cao như khu đô thị Đại Thanh, Tả Thanh Trì. “Trách nhiệm trước hết thuộc về TP Hà Nội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đã thiếu giám sát, kiểm tra, đặc biệt là liên quan đến lực lượng thanh tra chuyên ngành”- ông Chung nói.

Để khắc phục tình trạng này, ông Chung cho biết thành phố đã phối hợp với các cơ quan Trung ương để thanh tra, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các quận, huyện và cơ quan chuyên môn trong quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân, vi phạm. Thành phố cũng đã kiến nghị cho thí điểm chuyển lực lượng thanh tra xây dựng từ cấp Sở về giao cho quận, huyện quản lý để làm tốt hơn công tác quản lý trên địa bàn.

Kiểm soát quy hoạch xây dựng chung cư

Liên quan đến việc ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đặt ra: Ùn tắc giao thông tại đô thị đang ảnh hưởng tới GDP do tắc đường. Tuy nhiên giờ lại cho xây dựng nhiều chung cư ở các cửa ngõ tại các thành phố lớn. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào? Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Việc cấp phép cho xây dựng chung cư trong các khu đô thị quá nhiều là có thật. Thực tế đã có nhiều khu chung cư tốt như nhà ở xã hội Đặng Xá, Ecopark, Phú Lương... có cơ cấu diện tích sử dụng đất đúng. Tuy nhiên có những khu xây dựng không đạt yêu cầu. Theo Luật Xây dựng, Luật Đô thị thì việc xây dựng các dự án phải tuân thủ giấy phép xây dựng. Bởi trong xây dựng chi tiết đã quy định cụ thể từ mật độ sử dụng đất, chỉ giới xây dựng và chỉ tiêu tầng cao tối thiểu, cảnh quan, kiến trúc đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật so với dân số và môi trường. “Nếu xây chung cư ở đâu mà tuân thủ theo đúng quy hoạch trên thì sẽ không có quá tải, ùn tắc giao thông nữa. Kể cả xây dựng quy hoạch chi tiết phải đồng bộ hệ thống hạ tầng. Nhưng thực tế có khu xây xong rồi nhưng đường đến khu đó chưa kịp xong, kể cả tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Cho nên có việc xây xong chung cư nhưng kết nối không theo kịp tiến độ”- ông Hà cho biết nguyên nhân đồng thời đưa ra giải pháp trước mắt là địa phương phải kiểm soát chặt chẽ quy hoạch chi tiết, khi duyệt phải đúng thiết kế từng dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống lợi ích nhóm trong quy hoạch xây dựng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO