Chống phân biệt chủng tộc bùng lên ở Mỹ

Đình Tú 29/05/2020 08:00

Người dân thành phố Minneapolis, Mỹ đang liên tục tổ chức các cuộc biểu tình sau khi một viên cảnh sát đã kẹp cổ và giết chết một người đàn ông da màu. Sự việc đang thổi bùng lên ngọn lửa chống chủ nghĩa phân biệt màu da ở thành phố được coi là “khu vực nhạy cảm” của nước Mỹ.

Chống phân biệt chủng tộc bùng lên ở Mỹ

Người dân thành phố Minneapolis biểu tình chống phân biệt chủng tộc.

“Làm ơn, tôi không thở được”

Ngày 27/5, The New York Times dẫn nguồn tin của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và lực lượng hành pháp Minnesota cho biết họ đang điều tra vụ việc một người đàn ông da đen George Floyd (46 tuổi) tử vong sau khi bị cảnh sát giam giữ. Tuy nhiên, tờ báo này cũng nhấn mạnh “đây là công cuộc điều tra mà nhà chức trách bắt buộc phải làm nếu không muốn để giọt nước tràn ly”.

Trước đó, vào ngày 25/5, video liên quan đến vụ việc chấn động đã lan truyền trên mạng xã hội, gây ra làn sóng phẫn nộ và nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn trong thành phố. Cụ thể, video ghi lại hình ảnh một viên chức của Sở Cảnh sát thành phố Minneapolis (bang Minnesota, Mỹ) đã bắt giữ George Floyd – một người da đen sinh sống làm bảo vệ tại một nhà hàng ở vùng ngoại ô thành phố.

Sau khi bắt giữ, viên cảnh sát dùng đầu gối đè lên cổ George Floyd trong khi anh liên tục rên rỉ: “Làm ơn, tôi không thở được”. Một số người qua đường cũng kêu gọi các sỹ quan cảnh sát thả George Floyd, nhưng bị phớt lờ. Cảnh sát cho biết George Floyd sau đó đã tử vong trong bệnh viện.

Giới chức sở tại cho hay cảnh sát đã khống chế Floyd vì nghi ngờ người này phạm tội giả mạo, song không tiết lộ thêm thông tin. Khi bị bắt giữ, nghi phạm George Floyd đang ngồi trên nóc của một chiếc xe màu xanh.“Sau khi nghi phạm bước ra khỏi xe theo yêu cầu, anh ta chống cự cảnh sát” - truyền thông Mỹ dẫn thông tin từ Sở Cảnh sát. “Các cảnh sát viên đã còng tay nghi phạm, đồng thời nhận thấy anh này đang có vấn đề về sức khoẻ”.

Tuyên bố cho biết cảnh sát đã gọi xe cứu thương và Floyd được đưa đến Trung tâm Y tế Hennepin. Sau vụ bắt giữ kinh hoàng, Floyd đã tử vong tại Trung tâm Y tế. “Việc xác định nguyên nhân tử vong có thể kéo dài ít nhất 3 tuần”- các giám định pháp y cho biết.

Ngay sau vụ việc, Cảnh sát trưởng Medaria Arradondo của thành phố Minneapolis xác nhận 4 viên cảnh sát tại đây đã bị sa thải. Trong khi đó, Thị trưởng Jacob Frey của Minneapolis cũng lên án: “Là một người da đen ở Mỹ không đồng nghĩa với việc phải lãnh bản án tử hình”. Đồng thời, Thị trưởng Frey mô tả vụ việc trên là “hoàn toàn sai lầm”.

Hội đồng Giám mục trong tiểu bang Minnesota cho rằng cái chết của Floyd là một thảm kịch, đồng thời hoan nghênh chính quyền tiến hành một cuộc điều tra vụ việc.“Người dân cần cảm thấy an toàn và có niềm tin vào các cơ quan hành pháp. Chúng tôi hy vọng công lý sẽ được thực thi nếu vụ việc bao gồm hành vi sai trái”- Người phát ngôn Jason Adkins của Hội đồng Giám mục Minnesota cho biết.

Tôn trọng hay phản kháng?

Tuy nhiên, cuộc điều tra của FBI và nhà chức trách cũng như việc sa thải 4 cảnh sát liên quan đến vụ việc vẫn không ngăn được làn sóng biểu tình của người dân thành phố Minneapolis. Ngày 26/5, một ngày sau khi vụ việc diễn ra, hàng trăm người đeo khẩu trang và mang biển ghi dòng chữ “Tôi không thở được” đã biểu tình trên đường phố Minneapolis. Cuộc biểu tình đã dẫn tới đụng độ với cảnh sát, buộc họ phải sử dụng hơi cay và lựu đạn gây choáng để trấn áp.

Tuy nhiên, làn sóng phản đối vẫn chưa dừng lại. Ngày 27/5, Người dân thành phố Minneapolis đã tiếp tục tổ chức một cuộc biểu tình ngay bên ngoài nhà riêng của Derek Chauvin- viên cảnh sát được cho đã kẹp cổ và giết chết George Floyd. Người biểu tình đòi những cảnh sát liên quan đến vụ sát hại George Floyd phải chịu trách nhiệm về cái chết của Floyd.

Theo những nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ, hàng năm có hơn 1.000 vụ việc cảnh sát Mỹ nổ súng gây chết người và nhiều người trong số này là người Mỹ gốc Phi, một thực tế đã gây nên làn sóng phẫn nộ của người dân nước này. “Đây là một thực tế đáng e ngại. Chúng ta đang sống trong thế kỷ XXI chứ không phải những năm 50 thế kỷ trước”- một nhà hoạt động nhân quyền Mỹ nói với Reuters.

Hồi tháng 4/2015, xuất phát từ vụ thanh niên da màu Freddie Gray bị cảnh sát bắn chết, làn sóng biểu tình phản đối cảnh sát tại thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ đã lan rộng ra các thành phố lớn nằm ở bờ đông nước này như thủ đô Washington, New York, Boston…

Hay như tháng 7/2019, cả ngàn người đã tập trung trên đường phố Dallas, bang Texas để phản đối cảnh sát bắn chết 2 người da màu. Trong các cuộc biểu tình, nhiều người đã đưa biểu ngữ đầy tính thông điệp: “Tôn trọng quyền được sống hay mong chờ sự phản kháng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống phân biệt chủng tộc bùng lên ở Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO