Chủ quan sẽ ‘vỡ trận’

Tinh Anh 06/10/2020 07:45

Với thế giới, Việt Nam đã trở thành hình mẫu lý tưởng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Với mỗi người Việt Nam, việc kiểm soát, khống chế thành công Covid-19 thật đáng tự hào. Song, chớ có say trong chiến thắng, nếu không sẽ phải trả giá.

Cả thế giới, dù là đồng minh hay đối thủ đều đang đổ dồn “cặp mắt” về Mỹ, khi vợ chồng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Thông tin ông Trump bị mắc Covid-19 ngay lập tức tác động đến chỉ số chứng khoán của Mỹ, khiến nhiều thị trường trên khắp thế giới chao đảo. Nhiều người ủng hộ ông Trump đã thực sự cầu nguyện mong Tổng thống Mỹ mau chóng hồi phục.

Song, cũng không ít người ghét ông Trump lập tức đả kích vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ về việc đã không có những biện pháp rốt ráo, thiết thực, hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Luồng ý kiến này cho rằng, chính vì thái độ thờ ơ, chủ quan với đại dịch Covid-19 của Tổng thống Donald Trump, khiến rất nhiều người dân Mỹ đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của họ.

Luồng ý kiến chỉ trích Tổng thống Donald Trump dẫn số liệu: Hiện, Mỹ đang là quốc gia có số người mắc Covid-19 và số ca tử vong cao nhất thế giới (7,44 triệu người mắc và 210 nghìn ca tử vong). Cũng do xem nhẹ mức độ nguy hiểm của đại dịch Covid-19 nên chính vợ chồng Tổng thống Donald Trump cũng đã nhiễm bệnh, Nhà Trắng trở thành ổ dịch Covid-19 với hơn 10 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Còn các quốc gia châu Âu, sau khi đẩy lùi làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ nhất, cuộc sống người dân dần trở lại trạng thái bình thường, mở ra triển vọng phục hồi kinh tế, vượt qua suy thoái. Vậy nhưng, khi các biện pháp giãn cách, chống dịch được nới lỏng cũng là lúc một làn sóng Covid-19 mới lại tràn tới đưa châu Âu trở lại thành “điểm nóng” của dịch bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và số ca mắc Covid-19 gia tăng mạnh những ngày gần đây, Chính phủ nhiều nước châu Âu đã buộc phải nâng mức cảnh báo và thắt chặt các biện pháp chống dịch. Pháp đóng cửa tất cả các quán rượu và nhà hàng tại Paris, mọi hình thức tiệc tùng phải tạm hoãn. Trong khi đó, nhà chức trách Tây Ban Nha mở rộng các hạn chế nghiêm ngặt ngay tại Thủ đô Madrid...

Trước đó, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo: Các nước cần hết sức thận trọng với việc nới lỏng giãn cách, hạn chế phòng dịch, bởi sẽ khiến đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Song, nói cho cùng thì cũng không thể không nới lỏng hạn chế, bởi song song với việc phòng chống đại dịch Covid-19, các nước cũng cần phải phát triển kinh tế- xã hội, cố gắng vượt qua khủng hoảng suy thoái.

Tất nhiên, bài toán thực hiện nhiệm vụ kép (vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế) không hề đơn giản. Sở dĩ Mỹ, châu Âu có số ca mắc Covid-19 tăng mạnh khi nới lỏng hạn chế là do người dân chưa thực sự chú ý đến các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên... Không đeo khẩu trang phòng dịch, lại tụ tập đông người chính là nguyên nhân cơ bản khiến SARS-CoV-2 lây lan nhanh.

Khác với Mỹ và các quốc gia châu Âu, Việt Nam thực sự đã khống chế thành công và kiểm soát được sự lây lan của Covid-19. Đến nay đã qua hơn một tháng Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới lây lan từ cộng đồng. Song, cũng chính vì sự thành công đó mà đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là phòng chống đại dịch Covid-19 của người dân. Hầu hết mọi người ra đường bắt đầu bỏ thói quen đeo khẩu trang phòng dịch.

Chúng ta có quyền tự hào về việc một quốc gia, y tế chưa thực sự phát triển đã vượt qua nhiều quốc gia hùng mạnh khác trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Song, tự hào phải đi đôi với cảnh giác, không được phép ngủ quên trong chiến thắng. Lúc này, chỉ một sơ sẩy nhỏ thôi cũng khiến công sức phòng chống đại dịch trong thời gian qua đổ sông đổ bể.

Giờ là lúc chúng ta dần làm quen với cuộc sống mới, vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Việc kích cầu du lịch, mở lại các đường bay quốc tế... là điều tất yếu để vực dậy nền kinh tế đang ốm yếu sau cơn bệnh trọng Covid-19. Song, nếu mỗi người dân không tự ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ phòng chống dịch, thì việc đại dịch Covid-19 tái bùng phát chỉ là vấn đề thời gian sớm hay muộn mà thôi.

Đến lúc đại dịch Covid-19 tái bùng phát trên diện rộng, không chỉ là vấn đề giãn cách xã hội, hạn chế sinh hoạt, vui chơi, giải trí, du lịch... nữa, mà thực sự sẽ không thể kiểm soát, khống chế dẫn đến “vỡ trận”. Vậy nên, ngay từ bây giờ, mỗi người dân hãy tự có ý thức phòng chống đại dịch Covid-19 bằng việc đơn giản nhất là đeo khẩu trang khi ra đường, đừng đi lại vết xe đổ của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ quan sẽ ‘vỡ trận’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO