Chữ tâm trong bão dịch

Lê Anh Đức 16/02/2020 08:00

Thế giới đã ghi nhận hơn 65.000 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra, với gần 1.500 người tử vong. Riêng ở Việt Nam có 16 người dương tính với Covid-19, một xã của tỉnh Vĩnh Phúc đã bị cách ly hoàn toàn để đảm bảo không bùng phát dịch bệnh.

Trong cơn bão dịch, chữ tâm con người đã bị thử thách, qua đó thấy rõ được nhân cách của mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội. Đã xuất hiện rất nhiều người có tâm trong sáng, nhưng cũng không hiếm tâm đen trục lợi.

Ai mà chẳng sợ chết, sợ bị lây nhiễm bệnh tật, nhất là dịch bệnh chết người. Song, hàng trăm y, bác sĩ đã từ biệt gia đình khoác ba lô lên đường thẳng tiến vào tâm dịch Vĩnh Phúc để cứu chữa cho các bệnh nhân, ngăn ngừa dịch Covid-19 bùng phát. Bác sĩ cũng là người, cũng có thể bị lây nhiễm Covid-19 và cũng có thể tử vong nếu bất cẩn. Vậy thì vì sao họ sẵn sàng lao vào nơi nguy hiểm không màng đến tính mạng của bản thân? Đơn giản là họ có trách nhiệm, luôn đặt an nguy của cộng đồng xã hội lên trên sự sống còn của bản thân mình.

Hay như tổ lái máy bay của Vietnam Airline không quản ngại nguy hiểm, bay vào tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc) để đưa hàng cứu trợ y tế tới cho người dân nơi đây, đồng thời đón những công dân Việt Nam về nước an toàn. Nói thì nghe đơn giản vậy thôi, chứ hành động trên đòi hỏi lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm rất lớn. Ngay tại Việt Nam, chỉ mới có 16 người nhiễm bệnh Covid-19 thôi mà nhiều người còn lo sợ bị lây nhiễm, nói gì đến việc xông thẳng tới nguồn dịch. Những tấm lòng biết xả thân vì người khác, bất chấp hiểm nguy cứu người như vậy thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao.

Trong khi đó, lại có không ít những kẻ thừa nước đục thả câu, lợi dụng sự bất thường của dịch bệnh để mưu cầu trục lợi. Ngay trong những ngày dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp thì rất nhiều nhà thuốc đã có hành vi đầu cơ găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế như khẩu trang, nước sát khuẩn lên để “cắt cổ” người tiêu dùng. Đáng buồn hơn là khi bị lực lượng chức năng “sờ gáy” thì những kẻ gian thương này lại phản ứng bằng cách không nhập và không bán các mặt hàng y tế thiết yếu để phòng dịch. Việc coi đồng tiền còn cao hơn cả sự an nguy của cộng đồng xã hội thật đáng lên án.

Còn nữa, trong khi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang phải “gồng lên” chống dịch, thì có không ít người lại lên mạng tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang trong xã hội. Hầu hết trong số đó không phải là phần tử phản động, chống phá Nhà nước, mà chủ yếu là những người tung tin giả để câu view, câu like, hoặc chỉ để tỏ ra ta đây thạo tin... Tất nhiên những hành động nêu trên đều sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc. Song, hậu quả của những fake news để lại cho xã hội không hề nhỏ, chúng như những con virus gặm nhấm niềm tin của người dân đối với chính quyền.

Và trong cơn bão dịch, khi bà con nông dân đang điêu đứng vì không thể tiêu thụ nông sản, thì các thương lái lại cố tình ép giá để kiếm lợi cho bản thân. Trái với sự vụ lợi ích kỷ của một số gian thương, rất nhiều tấm lòng hảo tâm, thiện nguyện đã chung tay chia sẻ khó khăn với nông dân bằng các hành động cụ thể. Có những nhóm người đã bỏ tiền túi ra mua hàng chục tấn dưa hấu mang phát miễn phí. Có nhiều siêu thị nhập hàng nông sản bán hộ bà con nông dân... Vậy mới nói trong bão dịch, nhân cách của mỗi người tùy thuộc vào cái tâm trong sáng hay lòng ham muốn trục lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chữ tâm trong bão dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO