Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất việc chuyển cây xanh

PV 29/10/2017 06:00

Ngày 28/10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã kiểm tra đột xuất việc thi công mở rộng đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long) và công tác cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh trên tuyến.


Chặt cây để mở rộng đường vành đai 3.

Theo ông Phạm Hoàng Tuấn - giám đốc BQL dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông Hà Nội, chủ đầu tư dự án mở rộng đường vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, việc thi công đang chậm tiến độ so với yêu cầu của thành phố là do dự án gặp nhiều khó khăn khi phải di chuyển các công trình ngầm nổi; cây xanh và giải phóng mặt bằng liên quan đến 885 hộ dân (trong đó còn gần 500 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng), đặc biệt việc thi công gặp nhiều khó khăn vì tuyến đường có mật độ giao thông rất đông.

Ông Tuấn cũng cho biết, di chuyển cây xanh đến đâu các đơn vị sẽ thi công ngay đến đó, cố gắng hoàn thành cơ bản dự án trong quý I/2018.

Còn theo đại diện Công ty BeePro - đơn vị thi công đánh chuyển, cắt tỉa cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng thì sau 10 ngày đã cắt tỉa đánh chuyển được 150 cây xanh. Thực tế, nhiều cây xà cừ cong nghiêng rễ bị mục, hỏng lên tới trên 50% nên phải chặt hạ. Với những cây này, nếu không kịp thời thi công, mùa mưa bão tới chắc chắn sẽ gãy đổ. Một khó khăn khác nảy sinh là có nhiều cây xà cừ lâu năm để đánh chuyển được phải đào rộng ra từ 3-5m, sâu trên 2m. Trồng lại ở vườn ươm cần đến 25m vuông cho mỗi cây, chưa kể phải dùng hệ thống chống đỡ cao, cây còn ít khả năng tăng trưởng, khó tái sử dụng và rất tốn kém.

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung thi công đảm bảo tiến độ dự án, trong đó đặc biệt lưu ý đến an toàn lao động, phân luồng giao thông hợp lý không để ảnh hướng đến đến người dân. Các đơn vị thi công, tư vấn giám sát cần xem xét lại việc cốt đường vành đai 3 mở rộng đang cao hơn các tuyến đường xung quanh dẫn đến khó kết nối cũng như phải có biện pháp đồng bộ để kết nối hệ thống thoát nước không để xảy ra úng ngập sau này…
Đối với việc đánh chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, yêu cầu Công ty BeePro triển khai thêm các xe tự hành chuyên dụng, không để cành cây rơi ra đường; thi công chủ yếu vào đêm để tránh gây ùn tắc giao thông và đặc biệt là xem xét kỹ các phương án đánh chuyển, chặt hạ để đạt hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí.

Trước đó, để phục vụ việc thi công dự án đầu tư mở rộng Đường vành đai 3, ngày 18/10, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã cùng Công ty cổ phần Beepro đã bắt đầu tiến hành chặt hạ, đánh chuyển 1.289 cây xanh hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long (Hà Nội). Trong đó việc đánh chuyển chủ yếu là xà cừ, số còn lại cắt tỉa, sửa tán và chặt hạ một số ít cây sâu, cong. Thời gian di chuyển cây là 6 tháng và cây được chăm sóc tại vị trí trồng mới lâu dài. Cây xanh được đào gốc di chuyển bằng phương tiện thiết bị chuyên dụng di chuyển trồng mới tại cửa ngõ Hà Nội, cụ thể vị trí các nút giao thông lớn của Thủ đô như: nút giao Tả Hồng- đại lộ Võ Nguyên Giáp, nút giao quốc lộ 5 với Quốc lộ 1.

Trước đó, ngày 11/9, tại Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Ban đường sắt đô thị Hà Nội cũng đã tiến hành dịch chuyển 95 cây đưa về nút giao Vĩnh Ngọc trên đường Võ Nguyên Giáp để trồng và chăm sóc. Chặt hạ 35 cây, cong nghiêng, cụt ngọn, mục gốc, mục thân, già cỗi không đúng chủng loại cây đô thị. Nhiều ý kiến cho rằng việc đánh chuyển trồng lại tốn kém, lãng phí hơn trồng mới. Được biết, công bố đơn giá duy trì công viên, vườn hoa, dải phân cách; cắt tỉa, chặt hạ, đào gốc, đánh chuyển, trồng cây bóng mát trên địa bàn Hà Nội đối với vùng 1 là gần 3 triệu đồng/cây đối với cây đường kính lớn hơn hoặc bằng 50 cm đối; Chi phí chặt hạ đối với cây đường kính từ 50 cm trở lên là hơn 10,4 triệu đồng/cây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất việc chuyển cây xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO